Đảo điên truyền thông mạng xã hội

28/06/2017 - 13:08

PNO - Sáu tháng đầu năm 2017, cộng đồng mạng quan tâm điều gì nhất? Sự thật có thể khiến bạn bất ngờ: đó là các scandal showbiz.

Tiếng nói của những con số

Theo số liệu vừa công bố từ YNM - công cụ thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực - chỉ riêng scandal “chèn ép” của Hồ Ngọc Hà và Minh Hằng đã có gần 140.000 lượt thảo luận của cộng đồng mạng, chiếm 23% tổng thảo luận của The Face (Gương mặt thương hiệu) 2017. 

Dao dien truyen thong mang xa hoi

Chuyện ồn ào quanh chiếc ghế ngồi của Hồ Quỳnh Hương tại Be a star đã giúp cho chương trình được khán giả chú ý hơn

Những thảo luận còn lại cũng xoay quanh các nhân vật nổi tiếng nhờ tai tiếng như Huyền Anh, Moon 2k, Ngân 98, Thúy Vi và những chuyện như liệu các fan có đẩy được họ vào nhà chung hay không. Ở một góc khác, các huấn luyện viên (HLV) cũng bị mang ra mổ xẻ những thứ không liên quan đến chuyên môn như chuyện đi trễ, biểu cảm, cách xử lý tình huống…

Chiếm vị trí thứ ba trong số các chương trình truyền hình thực tế nổi bật nhất, Thách thức danh hài không thu hút khán giả bằng những tiểu phẩm chất lượng mà bằng scandal của thí sinh Tấn Lợi. Chỉ riêng mình anh đã giành gần 200.000 lượt tương tác, thảo luận về chương trình. Scandal của Lợi và những nụ cười dễ dãi của Trấn Thành có lẽ là nguyên nhân chính “giúp” chương trình nhận được 18,4% chê bai từ khán giả so với chỉ 1% ngợi khen.

Trong danh sách các giám khảo được xếp hạng, vị trí nhất, nhì của Mỹ Tâm và Noo Phước Thịnh có thể lý giải được dựa trên quy mô và tổ chức fanclub của họ so với nhiều giám khảo khác. Nhưng việc Trấn Thành bị đẩy xuống vị trí thứ ba cũng cho thấy giá trị của các scandal và phản ứng của cộng đồng.

Dao dien truyen thong mang xa hoi
Trấn Thành bị chỉ trích nhiều vì đã cười dễ dãi trong tiết mục của Tấn Lợi

Tối 23/6, POPS Worldwide vừa công bố thêm hai kênh Youtube - POPS KidsGhiền mì gõ đã chính thức giành được Nút vàng (kênh có tối thiểu một triệu lượt đăng ký theo dõi) từ mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Nếu Nút vàng của POPS Kids có thể giải thích bằng việc trẻ em vẫn thường xem đi xem lại nhiều lần những nội dung mình thích thì các nội dung thuộc nhóm cười dễ dãi, khoe thân của Ghiền mì gõ khiến nhiều người âu lo. Trước đó, chiếc Nút vàng của kênh FAPTV cũng khiến những người quan tâm đến đời sống giới trẻ phải suy nghĩ khi nội dung các phim ngắn, tiểu phẩm trong đó cũng đủ sức làm khán giả đỏ mặt hoặc thở dài.

Cuộc đua tuột dốc

Nhìn từ góc độ kinh tế, các chương trình truyền hình, clip phát trực tuyến đang đón bắt chính xác khuynh hướng thưởng thức “nghệ thuật” của một bộ phận rất lớn khán giả. Sau một thời gian dài tập trung vào những yếu tố chuyên môn (như giọng hát hay tài năng), hàng loạt chương trình gần đây đưa tài năng về vị trí thứ yếu.

Dao dien truyen thong mang xa hoi
Minh Tú và Lan Khuê tranh cãi nảy lửa trong The Face

Nếu không có câu chuyện ồn ào của Hồ Quỳnh Hương và chiếc ghế ngồi tại Be a star (Bạn là ngôi sao), có lẽ chương trình đã không gây được nhiều sự chú ý đến thế. Nếu không có cuộc “đại chiến” giữa Hồ Ngọc Hà và Minh Hằng, không có màn đi trễ đến hai giờ của các HLV, không chắc The Face có thể hot đến như vậy.

Công chúng tìm gì thì nhà sản xuất phục vụ nấy theo đúng quy luật cung - cầu, để đảm bảo tỷ suất người xem và thu lợi. Còn chuyện chất lượng chuyên môn hay nghệ thuật không còn quan trọng nữa. Như trong chiến thắng của Hellen Thủy tại Thần tượng boléro, người ta chỉ tập trung vào sức mạnh tài chính của Đàm Vĩnh Hưng, khả năng kết quả có thể bị lũng đoạn chứ không nhiều người phân tích giọng hát của từng thí sinh. Kể cả có phân tích giọng hát thì câu chuyện chuyên môn cũng hoàn toàn lép vế giữa rừng ý kiến trái chiều của các bên.

Ở chiều ngược lại, công chúng có muốn xem những chương trình chất lượng cũng khó được đáp ứng khi xung quanh đầy dẫy các scandal đang chờ họ “thể hiện quyền lực”, “nêu quan điểm” để… tăng tương tác cho các chương trình. Giữa thời cuộc sống đầy áp lực, mọi thứ diễn ra quá nhanh và đều có thể xuê xoa thì thay vì phải cất công tìm kiếm những cái đáng xem, khán giả đành “xem tạm” những chương trình dễ dãi. Khi cả hai bên đều không chú trọng đến yếu tố chuyên môn của nghệ sĩ, tác phẩm thì nữ thần nghệ thuật rời bỏ sân khấu là điều không khó thấy.

Dao dien truyen thong mang xa hoi
Một cảnh trong sản phẩm của Ghiền Mì Gõ

Ngay cả hệ thống đo đếm của YNM, dù được giới thiệu là có tính tương tác cao, thu thập dữ liệu chính xác thì đây cũng chỉ là một công cụ kinh doanh nhằm thu mỗi khách hàng từ 200-700 USD/tháng. Vì là công cụ kinh doanh, YNM bị hoài nghi về việc tạo ra những kết quả ảo. Chẳng hạn trong danh sách những Influencer (người gây ảnh hưởng) của trang này, ngoài những cái tên như Sơn Tùng M-TP hay Chi Pu với lần lượt 9,3 và 8,2 triệu fan trên facebook còn có cả Ngoc Bino với chỉ 1.641 người theo dõi.

Giữa thời truyền thông mạng xã hội, chỉ cần được chú ý (bất kể bằng cách nào hay lý do gì), bạn sẽ thắng. Còn nghệ thuật thua thì… ai quan tâm đâu. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI