Dành không gian cho con lớn khôn

13/01/2018 - 07:27

PNO - Để “đánh thức” các bạn trẻ, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường là phải làm cho những bài học đạo đức trở nên sinh động, thực tế và gần gũi hơn với các em.

Hai ngày nay, nhiều người đã rất xúc động bởi clip thầy giáo giảng bài đạo đức khiến học sinh (HS) khóc nức nở đang lan truyền trên mạng xã hội.

Danh khong gian cho con lon khon

Nhân vật chính là thầy Nguyễn Thành Nhân (Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương - ATY) đang giảng bài cho hàng trăm HS tại Trường THCS Nhật Tân, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội, một bài học đạo đức rất gần gũi về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

Thầy Nhân nói: “Đừng bao giờ để bố các bạn chết rồi mới quỳ bên quan tài khóc bù lu bù loa, bố ơi con xin lỗi bố... Đừng nói câu đó, ông ấy không nghe được nữa...”. Công ơn cha mẹ là bài học đạo đức các em đã được dạy nhiều lần từ trong gia đình đến nhà trường, nhưng vì sao khi nghe thầy Nhân giảng, các em lại nức nở?

Ngày nay, hằng ngày trên đường phố, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh các ông bố, bà mẹ đèo con trên xe máy để đưa đón đến trường, đi học thêm… Nhiều đứa con đã lớn tồng ngồng vẫn ngồi phía sau, bà mẹ nhỏ bé gồng mình giữ tay lái phía trước.

Dường như không bố mẹ nào yên tâm để con đi học một mình, vì sợ ngoài đường nhiều bất trắc và coi sự hy sinh công sức, thời gian này là chuyện đương nhiên phải vậy. cho nên từ đó, những đứa con cũng coi đó là nhiệm vụ đương nhiên của bố mẹ. Nhiều em còn nghĩ mình đang học cho... bố mẹ, điểm số cao là mong ước của bố mẹ.

Có em còn bức xúc cho là mình bị ép buộc phải học quá nhiều, không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Chính các suy nghĩ đó đã dẫn đến việc các em có thái độ ích kỷ và vô ơn. Cho nên, khi được thầy giáo nhắc nhở bằng những lời nhẹ nhàng, các em như được “chạm đến trái tim”, những giọt nước mắt tự nhiên tuôn rơi. 

Theo thầy Nhân, sau buổi giảng nhiều em cho biết sẽ về nhà nói lời cảm ơn, xin lỗi cha mẹ, người luôn yêu thương và hy sinh cho mình. Bài giảng của thầy đã đánh thức trong các em những gì đang “ngủ quên”.

Thầy Nhân cho rằng, để thành công, con người chỉ cần 20% các bài học văn hóa, nhưng cần đến 80% các bài học kỹ năng sống. Các bạn trẻ ngày nay đã mải mê chạy theo các kiến thức sách vở mà quên đi những kiến thức về cuộc sống, về tình cảm gia đình thiêng liêng, về đối nhân xử thế…

Do vậy, để “đánh thức” các bạn trẻ, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường là phải làm cho những bài học đạo đức trở nên sinh động, thực tế và gần gũi hơn với các em; bản thân bố mẹ, người nhà cũng phải dành không gian cho con cháu mình lớn khôn. 

Pha Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI