Đàn ông học nói

28/08/2020 - 08:08

PNO - Không ai sinh ra là hoàn hảo, nhưng có thể trở thành hoàn hảo bằng cách nào đó.

Nguyên mẫu của bộ phim nổi tiếng The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua) là George VI, nhà vua nước Anh, cha của nữ hoàng Elizabeth II đang sống hiện thời. Trong phim, George VI không được tái hiện, tô vẽ bằng cảm hứng ngợi ca theo kiểu các bậc minh quân văn võ song toàn, mà được nhìn ở nét tính cách con người đời thường.

Ngay từ lúc còn mang tước vị công tước Albert, ông đã mắc tật… cà lăm (nói lắp); đó là khởi đầu của mọi rắc rối sau này. Không ai sinh ra là hoàn hảo, nhưng có thể trở thành hoàn hảo bằng cách nào đó. Albert cũng phải tìm cách, mà nhọc công và kiên nhẫn chịu đựng nhất, là học cách nói.

Vẫn trong phim, Albert tìm đến thầy thuốc để bắt đầu những bài học nói tròn vành rõ chữ. Dù bất đắc dĩ và gặp phải sự nghiêm khắc, dù hạ mình răm rắp nghe lời, Albert vẫn phải từng bước hoàn thành thử thách vào loại khó nhọc nhất cuộc đời. Trong quãng thời gian đó, một Albert tập đọc lại những lời có cánh của Shakespeare cũng đồng thời là Albert biết văng tục thô bỉ, một Albert cáu giận với kẻ dạy dỗ mình cũng là người biết khổ luyện để hoàn thành từng bài tập được giao.

Từ Albert đến George VI là từ thanh niên ưa nhàn đến người hùng dám đứng lên gánh trách nhiệm giang sơn, từ công tước cà lăm đến vị vua dõng dạc, rành mạch, khúc chiết trong từng lời hiệu triệu. Đúng là, để trở thành nhà vua cũng không dễ dàng, nhưng sự vĩ đại lại xuất phát từ những điều bình thường, giản dị nhất trong cuộc sống. 

Nhưng nói cà lăm đôi khi không đáng sợ bằng nói nhịu. Trải nghiệm lúng túng, khổ sở của George VI mỗi khi phát biểu trước đám đông có lẽ không được mổ xẻ nhiều như những lời cãi chày cãi cối của Bill Clinton trước công luận liên quan đến vụ tòm tem cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Theo kiểu bình luận vỉa hè, vị tổng thống điển trai này đã dám làm nhưng không dám chịu, đã “bóc bánh” nhưng vẫn muốn giữ thể diện nên không thành thực thừa nhận. Khổ thay, khi tâm trí rối bời thì mồm miệng nói năng cũng chẳng theo lí trí, Bill Clinton càng nói thì càng lộ đuôi già gân, càng cho thấy tâm lý bất ổn nên nói hớ, nói nhịu.

Tự che chắn cho mình nhưng rồi lại hóa thành thưa ông tôi ở bụi này, quý ngài Clinton có một trang tiểu sử vào hàng khó nuốt nhất trong sự nghiệp lấp lánh màu hồng của mình. Người kế nhiệm ông, George Bush thì quá nức danh với nhiều màn nói nhịu bi hài. Trong trường hợp đó, phần nhiều ai cũng hiểu và cố gắng lịch sự lờ đi. Thôi thì tổng thống cũng là nghề chịu áp lực, có khi đang nói thế này mà đầu óc lại phải giải quyết vấn đề khác. Chưa đến mức sai một ly đi một dặm thì khuyết điểm ăn nói của các chính trị gia cường quốc đôi khi cũng là món tạp kỹ cho phim hài, dân chúng được dịp sảng khoái xem thường người lãnh đạo tối cao.

Các vị vua thời xưa của nước Việt nói năng tuy nhiều, nhưng chưa biết thực hư thế nào vì đã được sử gia ghi chép, tinh chỉnh lại. Vị nào hăng hái bút phê thì mới có riêng các tuyển lời vàng ý ngọc của mình. Kênh giao tiếp trực tiếp bị hạn chế, càng không có “các phương tiện nghe nhìn” nên lời vua cũng chỉ được truyền tai hoặc truyền qua văn bản là chính. Sai sót chắc nhiều song thú vị cũng lắm.

Bảo Đại, vị vua cuối cùng, tuy ăn chơi phù phiếm ngất trời, nhưng cũng có lời lẽ đáng kể khi đọc tuyên ngôn thoái vị cách đây tròn 75 năm. Trước vạn người vội vã tụ họp ở Ngọ Môn, Bảo Đại kiệm lời mà biết chơi chữ, tâm tình đại loại trẫm muốn làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước bị trị. Sau này, Bảo Đại chủ yếu sống ở nước ngoài, chẳng dính dáng lắm đến muôn dân tự do trong nước. Nói một đằng làm một nẻo cũng là chuyện thường thấy ở các ông vua phong kiến xem thiên hạ như nhà riêng của mình.

Nhưng giữa thời buổi truyền thông, mạng xã hội liên tục quấy đảo dư luận, biết cách học nói vẫn hay hơn là không biết gì. Người ta có thể thể tất cho tật nói nhịu, nói cà lăm nhưng nhất định không chấp nhận việc giả vờ, cố tình hoặc mượn cớ nói nhịu, nói cà lăm để truyền đạt những điều sai trái, xằng bậy, phi nhân. Nói theo cánh chị em dưới bếp thì khôn ngoan hãy đối đáp người ngoài, chứ gà cùng một mẹ, trứng cùng một bọc, dân cùng một nước, chớ lấy lời độc địa làm đau lòng nhau. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI