Đại biểu Quốc hội: “Lời hứa của bộ trưởng cần được giám sát”

09/06/2022 - 14:57

PNO - Tư lệnh ngành giao thông vận tải đưa ra nhiều lời hứa nhưng tiến độ triển khai chậm. Đại biểu đề xuất: “Lời hứa của Bộ trưởng cần được giám sát”.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vào ngày 9/6, các đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về tiến độ của các công trình cao tốc Bắc – Nam, trạm thu phí không dừng… cũng như các “lời hứa” của ông liên quan đến lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhắc về lời hứa của Bộ trưởng Thể khi ông Thể mới nhậm chức: “Khi đó, Bộ trưởng đã hứa với tôi chắc như đinh đóng cột, đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta làm nửa với, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một, hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí. Ông Trí nói: “Nhiều khi đi qua tôi thấy rất kỳ lạ".

Đây cũng là quan tâm của đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận). Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo vấn đề này phải hoàn thành trước 30/6 năm nay, nhưng với những gì diễn ra trong thực tế, điều này gần như không đạt được. Đại biểu Sỹ hỏi nguyên nhân của tình trạng này.

Trả lời chất vất, Bộ trưởng Thể nói, năm 2015, Chính phủ triển khai thu phí không dừng, nhưng trong quá trình triển khai, có nhiều vướng mắc về cơ chế, một phần do thói quen người dân, thêm cả sai sót về kỹ thuật, khó khăn về công nghệ.

Bộ trưởng thừa nhận, với số lượng hơn 113 trạm BOT, với tiến độ Nghị quyết của Quốc hội nêu ra là năm 2019 hoàn thành, Bộ "đã rất nỗ lực nhưng chưa thể hoàn thành".

Ông Thể nói thêm, mục tiêu là đến năm 2019 cơ bản các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng, nhưng có 28 trạm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn, do vướng mắc về tái cơ cấu nên Tổng công ty này không có kinh phí triển khai.

“Chính phủ đã họp rất nhiều phiên, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây 2 ngày, Tổng công ty Đường cao tốc đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai thu phí không dừng”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong phiên trả lời chất vấn ngày 9/6 - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong phiên trả lời chất vấn ngày 9/6 - Ảnh: Quochoi.vn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến 30/6, toàn bộ trạm BOT, trừ của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, phải hoàn thành lắp đầy đủ thu phí không dừng ở các làn, mỗi trạm chừa 2 làn ở 2 bên để giải quyết tình huống phức tạp đột xuất, còn lại thu phí không dừng.

Với Tổng công ty Đường cao tốc, khoảng cuối tháng 7 sẽ hoàn thành tiến độ. “Chính phủ lần này rất cương quyết, nếu cuối tháng 6 các trạm chưa hoàn thành thì dừng thu phí, khi làm xong mới được thu", ông Thể nói.

Đến nay cả nước dán được 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng trên tổng số 4 triệu ô tô, chiếm 69%. Đầu tháng 6 vừa qua, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng 100% và thực hiện rất tốt.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nói, Bộ trưởng từng khẳng định các trạm BOT khi thu hoàn vốn sẽ dừng thu phí. Đại biểu Hiếu cũng dẫn lại việc ngày 22/4/2020, tức cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng đã trả lời ông về nội dung kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội) - trạm thu phí gây rất nhiều bức xúc cho người dân vì đặt không đúng vị trí.

“Nhưng đến nay, trạm thu phí đó vẫn hoạt động bình thường. Đến bao giờ trạm thu phí vô cùng bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ? Theo tôi, lời hứa của Bộ trưởng với người dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến cần được giám sát", đại biểu Hiếu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Thể cho biết, Bộ đã có những phương án kết thúc BOT này. "Tuy nhiên, tôi trả lời cho đại biểu Hiếu là thời điểm doanh thu BOT đang tốt. Nhưng sau đó, do COVID-19 nên doanh thu sụt giảm".

Bộ trưởng cắt nghĩa, khi các trạm BOT ký hợp đồng có điều chỉnh. Nghĩa là khi doanh thu tăng thì nhiều dự án giảm 3-5 năm, còn những dự án khó khăn thì phải kéo dài thời gian để đảm bảo hài hòa”.

“Bộ sẽ rà soát để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân. Khi đủ các điều khoản theo hợp đồng thì dừng ngay, không để trạm ở vị trí đó nữa”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) chất vất về việc xây dựng chậm, phân bổ không đồng đều ở các tuyến cao tốc giữa các vùng miền, nhất là "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên... Vùng kinh tế phía Nam chưa được đầu tư cao tốc tương xứng đúng tiềm năng.

Theo ông, “việc dầu tư hạ tầng giao thông tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì lãng phí, cản trở phát triển rất lớn". Đại biểu hỏi Bộ trưởng về giải pháp khắc phục.

Trả lời, Bộ trưởng Thể cho biết, vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều đã được Trung ương, Chính phủ nhận diện. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cao tốc, đặt mục tiêu làm 5.000km cao tốc để cân đối giữa các vùng, miền và khai thác tiềm năng các vùng miền.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước là, “một số vùng có tiềm năng thế mạnh cần đầu tư cao tốc để tạo đột phá, thu hút đầu tư. Hoặc vùng phát triển tốt, hạ tầng tắc nghẽn cũng "cần đầu tư mở rộng thêm”, ông Thể thông tin.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI