Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng lương cho giáo viên, bác sĩ

23/05/2018 - 09:38

PNO - Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu trong phiên thảo luận tổ ngày 22/5 là: không để giáo viên, bác sĩ phải sống bằng đồng lương thu từ học phí và viện phí.

Dai bieu Quoc hoi  de xuat tang luong cho giao vien, bac si
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan phát biểu

Tại cuộc thảo luận tổ về “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018”, đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM - cho rằng, mục tiêu của Chính phủ là tiếp tục thực hiện giá thị trường phù hợp với điện, dịch vụ giáo dục, y tế để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Người dân đóng thuế xây dựng đất nước thì tất yếu phải có một phần được hưởng thụ từ giá trị lao động và sự đóng góp của mình. “Bây giờ cái gì chúng ta cũng tính giá thị trường để thu tiền của người dân thì tôi cho rằng, không công bằng và cần xem xét lại trên một số góc độ”.

Theo bà Quyết Tâm, học sinh tại nhiều nước trên thế giới được tới trường miễn phí; chúng ta không được như các nước phát triển, nhưng cũng nên xem lại chính sách đối với giáo dục phổ thông. Nên có lộ trình và thực hiện không thu học phí, có nghĩa là phổ cập bắt buộc đối với bậc tiểu học cho tới tốt nghiệp trung học phổ thông.

Muốn thực hiện được tốt mục tiêu phát triển giáo dục này, theo bà Tâm, trước hết, phải chăm lo cho đời sống của giáo viên bằng những chính sách ưu đãi phù hợp với công sức mà họ đã đóng góp cho đời sống, đất nước, không để giáo viên phải sống bằng đồng lương thu từ học phí.

Bên cạnh đó, cần xem xét, đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất ở vùng nông thôn, miền núi để có đầu tư phù hợp. Bà cho rằng, việc đầu tư này không phải nằm ngoài tầm tay của Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, đầu tư công của nhiều lĩnh vực đang bị lãng phí. Nếu thực hành tiết kiệm, rà soát những khoản này, sẽ đủ sức đầu tư cho hạ tầng giáo dục, nhất là vùng nông thôn.

Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 tại kỳ họp QH này cũng cho thấy, tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2016 vượt dự toán nhưng một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán, như chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi cho y tế đạt 97,6%...

Đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề xuất chính sách ưu đãi đối với đội ngũ y bác sĩ để thể hiện sự tôn trọng cần có đối với công việc mà họ đóng góp cho đời sống, xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề bất cập được đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - nêu lên tại phiên thảo luận: “Chúng tôi không thấy đề xuất chính thức từ Bộ Y tế về chế độ đãi ngộ cho bác sĩ. Một bác sĩ làm ở ngành bảo hiểm xã hội có mức lương trung bình  là 8,86 triệu đồng. Đây là mức lương mơ ước của chúng tôi”. 

Bà Phong Lan chia sẻ câu chuyện khi ra trường, dù là tiến sĩ dược nhưng vẫn chỉ được hưởng lương bậc 1 và khi tập sự vào biên chế, chỉ được hưởng 85% lương. Chính sách tiền lương đối với y bác sĩ là nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng các bác sĩ làm tại cơ sở công lập ồ ạt bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm việc với mức lương cao gấp vài chục lần. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ phải làm “chân trong chân ngoài”, khó yên tâm công tác. 

Nói chung chung về tham nhũng, bà con không yên tâm

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm trong phiên thảo luận tổ ngày 22/5 là công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên - cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng được cử tri vô cùng quan tâm và đợi chờ kết quả từ những con số. 

Lấy ví dụ về dự án nhỏ ở vùng cao nhưng gây thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp cho ngân sách của một huyện trong 150 năm, ông Hùng nhấn mạnh: “Báo cáo về phòng, chống tham nhũng phải rõ nét, không thể chung chung khiến bà con không yên tâm”. 

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tại kỳ họp này, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm tham gia trình hai dự luật là Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm nhất. Theo ông Khái, thông thường, tội phạm mà có tài sản thì sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái; cho nên, với những vụ “mới có dấu hiệu đã bị phát hiện”, sẽ thu hồi được tài sản. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI