Đà Nẵng sẽ cho mở lại chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa

26/08/2021 - 14:45

PNO - Ngày 26/8, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã cơ bản chấp thuận khôi phục cho hoạt động lại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố theo đề nghị của Sở Công thương.

Giao Sở Công thương chủ trì và có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; trong đó yêu cầu bắt buộc các Ban Quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vắc xin, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng, không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ bán hàng thông qua Tổ COVID-19 cộng đồng tại địa phương, bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng...

Ông Chinh giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, Sở NNPTNT và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động các chợ cấp thành phố; đồng thời rà soát danh sách các doanh nghiệp thương mại đầu mối đăng ký hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, báo cáo UBND thành phố.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động của các chợ truyền thống thuộc quận, huyện, phường, xã quản lý.

Hệ thống chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa hoạt động lại mới có thể đáp ứng đủ nhu yếu phẩm cho khoảng 1,2 triệu dân Đà Nẵng
Hệ thống chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa hoạt động lại mới có thể đáp ứng đủ nhu yếu phẩm cho khoảng 1,2 triệu dân Đà Nẵng

Giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố chịu trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cửa hàng tạp hóa. Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng hóa trên địa bàn; xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra, xử lý tình hình diễn biến giá cả các mặt hàng trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ động liên hệ với các địa phương để phối hợp hỗ trợ cung ứng, giao nhận hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sở NNPTNT được giao trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát báo cáo rõ năng lực cung ứng hàng thủy sản phục vụ nhu cầu cho người dân, gửi về Sở Công thương để nghiên cứu tổng hợp xử lý.

Ông Lê Trung Chinh cũng "cơ bản thống nhất" theo đề xuất của UBND các quận, huyện về việc cho phép mỗi phường, xã có 3 xe tải để vận chuyển hàng hóa thiết yếu và 1 xe ô tô 5 chỗ phục vụ xử lý chung các tình huống phát sinh trên địa bàn phường, xã. Đề nghị UBND các quận, huyện gửi danh sách lái xe và phương tiện cho Công an thành phố để được cấp giấy nhận diện lưu thông và chịu trách nhiệm về hoạt động điều phối, vận chuyển đúng mục đích, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng giao Chủ tịch UBND các phường, xã tổng kiểm tra, rà soát trên địa bàn để xem xét quyết định cho một số quầy tạp hóa hoạt động lại, thực hiện công tác đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND các phường, xã quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.

Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi...đã quá tải
Sở Công thương Đà Nẵng cho biết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đã quá tải

Chuỗi cung ứng hiện nay đã quá tải

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, hiện chuỗi cung ứng của thành phố gồm 10 siêu thị lớn: Coopmart Đà Nẵng, Coopmart Sơn Trà, BigC, Lotte, Vinmart Ngô Quyền, MM Mega, Danavimart, Jolymart, Fumart, Vita mart, Trung tâm thương mại Hòa Thọ). Chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, hệ thống Vinmart+ (130 cửa hàng) có 30 đơn vị.

Chuỗi này có 1.100 người tham gia với số lượng đơn hàng 50.000-60.000 suất; đáp ứng 10-15% nhu cầu toàn thành phố.

Chuỗi các doanh nghiệp phân phối lớn trực tiếp gồm 30 đơn vị (Công ty TNHH Đắc Vinh, Công ty TMHH TMDV Hai Thuyên, Công ty TNHH 5 mục tiêu, Công ty Hà Sính - Kim Anh, Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH Thủy sản Bắc Trung Nam...). Các đơn vị này cung ứng các mặt hàng như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả... phục vụ bán tại các địa bàn ít siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các địa bàn khác theo yêu cầu.

Chuỗi này có 2.200 người tham gia với số lượng đơn hàng: 25.000-30.000 suất; đáp ứng 5% nhu cầu của thành phố.

Ngoài ra, còn các đơn vị phân phối trung gian khác với khoảng 220 đơn vị cung ứng các mặt hàng gas, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác.

Trong 10 ngày qua, người dân Đà Nẵng nhờ một phần hỗ trợ từ các đơn vị mạnh thường quân cung cấp rau củ quả
Trong 10 ngày qua, người dân Đà Nẵng được hỗ trợ một phần từ các mạnh thường quân cung cấp rau củ quả

Theo đánh giá từ Sở Công thương, lượng dự trữ thực phẩm trong dân đến nay đã hết, nhu cầu mua hàng của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải đơn hàng tại các đơn vị cung ứng; khả năng đáp ứng của các siêu thị, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối đã quá tải, chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người dân. Nguyên nhân do các đơn vị chỉ có 30% lao động phục vụ và áp dụng 3 tại chỗ. Đồng thời, cảng cá Thọ Quang, chợ truyền thống đóng cửa nên nguồn cung ứng các mặt hàng như: cá tươi, rau củ quả và một số mặt hàng thiết yếu khác giảm mạnh.

Theo đó, Sở Công thương đề xuất phương án cung ứng hàng hóa 10 ngày đến bằng việc mở thêm chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa (đáp ứng 70% nhu cầu người dân thành phố những ngày bình thường).

Ngoài ra, trong 10 ngày tới, TP.Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 50.000 suất hàng hóa thiết yếu (như gạo, mỳ gói, thịt cá hộp, cá khô, trứng gà) cho 50.000 hộ đặc biệt khó khăn, tương ứng 16,6% tổng số hộ dân toàn thành phố.

Thành phố cũng trợ 1.000 tấn rau, củ, quả; tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ để trợ một số mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI