Đà Nẵng chật vật thực hiện “ba tại chỗ”

01/09/2021 - 14:47

PNO - Thời gian phong tỏa toàn thành phố kéo dài, nhiều doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng phải giảm đến 2/3 lao động khiến hoạt động sản xuất hết sức chật vật, khó khăn.

Theo Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 2.225 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngừng hoạt động (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước); 538 DN hoặc đơn vị trực thuộc giải thể (tăng 1,5%). Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) TP.Đà Nẵng, từ ngày 16/8 đến nay, có 179 DN với 15.075 lao động tại sáu KCN và KCNC triển khai phương án sản xuất “ba tại chỗ” với nhân lực chỉ còn 30%, tương đương 65.000 người. Tại KCN Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), có khoảng 72 DN đang hoạt động với trên 1.000 công nhân. 

Các công ty chế biến thủy sản ở TP.Đà Nẵng gặp khó khăn do cảng cá Thọ Quang lớn nhất miền Trung phải dừng hoạt động hơn một tháng nay - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Các công ty chế biến thủy sản ở TP.Đà Nẵng gặp khó khăn do cảng cá Thọ Quang lớn nhất miền Trung phải dừng hoạt động hơn một tháng nay - Ảnh: Đình Dũng

Áp dụng phương án “ba tại chỗ” từ ngày 16/8, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam trong KCN Hòa Khánh sử dụng 500 lao động, bằng 1/8 tổng số lao động của công ty, chỉ duy trì một số khâu sản xuất quan trọng.

Tại KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (Q.Sơn Trà) từ đầu tháng Tám đến nay, Công ty TNHH Bắc Đẩu hoạt động theo phương thức “ba tại chỗ” với gần 50 công nhân phụ trách bảo dưỡng máy móc, phục vụ việc sắp xếp, xuất hàng ra cảng. Đơn vị xác định, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là làm tốt công tác phòng, chống dịch và hoàn tất phần đơn hàng còn dang dở trước đó để kịp giao cho các đối tác.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối hải sản của TP.Đà Nẵng đã đóng cửa cho nên phần lớn DN chế biến hải sản ở P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà cũng ngừng hoạt động: “Còn hai DN chế biến tôm thì hoạt động cầm chừng với khoảng 1/3 công nhân, trong đó Công ty Thuận Phước của tôi có 400-500/2.000 công nhân làm việc. Nguyên liệu khan hiếm do các địa phương bị chia cắt, khoanh vùng nên chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng. Do vậy, giá trị và sản lượng xuất khẩu giảm còn 1/3”. Dù sản xuất cầm chừng, cứ vài ngày, công ty lại phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 nên rất tốn kém, công nhân cũng xuống tinh thần nên năng suất lao động không cao. 

Ông Trần Văn Lĩnh nói thêm: “Thiệt hại là không thể nói hết được. Các lệnh đưa ra cập rập cũng gây khó cho DN. Ví dụ, từ khi nghe thông tin triển khai “ba tại chỗ” đến lúc chính thức áp dụng chỉ có mấy giờ đồng hồ thì làm sao chuẩn bị kịp. Trong một tuần, tôi làm giấy đi đường, chưa kịp phát cho công nhân thì lại có lệnh đổi giấy đi đường. “Một cung đường, hai điểm đến” cũng vậy. Trong vòng bốn giờ, tôi phải gom các công nhân lại, rồi thuê khách sạn, thuê xe để vận chuyển đi lại, rồi lo ăn uống… đến nay là 21 ngày rồi. Chi phí rất lớn. Đây chỉ nên là một biện pháp tạm thời chứ không thể lâu dài được, biện pháp lâu dài là phải tiêm vắc-xin”.

Cũng theo ông Trần Văn Lĩnh, việc phân bổ và tiêm vắc-xin ở TP.Đà Nẵng chưa được hợp lý. Những DN thủy sản ở Thọ Quang có khoảng 7.000 đến 8.000 lao động nhưng được chích ngừa mỗi DN vài trăm, vài chục người nên DN vẫn chưa an tâm. “Cần phải ưu tiên tiêm ngừa cho những ngành nghề sản xuất có sức ảnh hưởng. Ví dụ như ngành chế biến thủy sản, nếu tiêm ngừa đủ thì hoạt động sẽ ổn, những người nuôi tôm cá mới có chỗ cung ứng, những người đánh bắt cá mới có đầu ra, từ đó mới có sản phẩm cung cấp cho nội địa và cung ứng cho xuất khẩu để nguồn cung ứng không đứt gãy và giữ được uy tín của Việt Nam trên thị trường”, ông Trần Văn Lĩnh nói. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI