Doanh nghiệp FDI kiến nghị TPHCM điều chỉnh mô hình "3 tại chỗ"

20/08/2021 - 15:06

PNO - Sáng ngày 20/8, Ủy ban Nhân dân TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19.

Lao động đã tiêm vắc xin, cần thay đổi mô hình chống dịch

Đại diện hàng loạt tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp các nước: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đều cho rằng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” sẽ không thể bền vững trong thời gian dài. Các Hiệp hội này đề xuất cần phải nới lỏng mô hình “3 tại chỗ”, cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền và chịu trách nhiệm thực hiện một số giải pháp như: đưa rước cán bộ công nhân viên về nhà, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, tự mua những bộ test nhanh để test COVID-19...

Ông Trần Tiến Phát, TGĐ Công ty Datalogic Scanning Việt Nam thông tin, doanh thu của doanh nghiệp từ 18,5 triệu USD/tháng hiện giảm còn 11 triệu USD/tháng (giảm 60%). Mô hình “3 tại chỗ” đang được DN áp dụng rất hiệu quả, sau 6 tuần chưa phát hiện ca nhiễm nào. Tuy nhiên việc kéo dài mô hình này sẽ khiến tinh thần công nhân bị ảnh hưởng, DN cũng tốn kém thêm chi phí. Ông Phát đề nghị, nên cho phép những người được tiêm đủ 2 liều vắc xin được đi về giữa nhà và công ty. 

Đồng quan điểm, đại diện công ty TNHH Jabil Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) cho biết TPHCM nên xem xét "hộ chiếu vắc xin" cho người lao động. Hiện nay chưa có sự phân biệt giữa người đã tiêm và chưa tiêm. Công ty có khoảng 200 người lao động đã tiêm được 2 mũi vắc xin nhưng vẫn thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, vẫn không có gì khác biệt so với những người chưa tiêm. Chúng tôi đề xuất những người đã tiêm hai mũi vắc xin thì rủi ro không đáng kể, nên cho họ đi làm và không cần thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” như quy định.

Nhà nước nên xem xét mô hình chống dịch tại các nước khác như Malaysia cho phép DN đưa đón người lao động về nhà, người lao động được đeo khẩu trang N95, kết quả an toàn, khống chế lây nhiễm, không cần “3 tại chỗ”.

Đại diện công ty Intel Products Việt Nam cho biết, Intel hiện chiếm 30% giá trị xuất khẩu của toàn TPHCM. Nhà máy đang áp dụng “1 cung 2 điểm đến” với 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp. Sản lượng của Intel rất lớn, xuất khẩu toàn thế giới, nên có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn nếu nhà máy gặp rủi ro khiến chuỗi sản xuất đứt gãy. 

Hiện nhiều lao động đã tiêm một mũi và được xem là lao động xanh và được quay lại các nhà máy. Đại diện Intel cho rằng, những lao động này hoặc các công nhân đang ở “vùng xanh” thành phố nên cho DN thực hiện phương án “2 tại chỗ”. DN sẽ tổ chức cho công nhân tuân thủ quy định phòng dịch, bố trí xe đưa đón. Đồng thời thành phố cho phép thành lập trung tâm tiếp nhận và điều trị COVID-19 trong khu công nghệ cao, nếu không có triệu chứng gì thì tập trung điều trị tại chỗ. Với những lao động xanh, đã tiêm một mũi vắc xin mà trở thành F1 thì nên bỏ quy định theo dõi 14 ngày, sau khi các lần làm xét nghiệm PCR vẫn âm tính thì người lao động có thể quay trở lại làm việc.

“Các DN trong khu công nghệ cao mong sau ngày 15/9 sẽ dừng giãn cách vì nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện DN đang thiếu lao động cốt cán, ảnh hưởng rất lớn quy trình vận hành. Thành phố cần cho phép các chuyên gia nước ngoài đã tiêm vắc xin được về Việt Nam được rút ngắn thời gian cách ly” - đại diện Intel đề xuất.

TPHCM cần tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông

Các đơn vị cũng phản ánh tình trạng tắc nghẽn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa do các cảng đóng cửa, kho lạnh dừng tiếp nhận...  Trong khi vắc xin chưa đủ để hỗ trở những khâu này mở cửa trở lại, dẫn đến gián đoạn công tác vận chuyển hàng hoá để mua bán, xuất khẩu. Quy định vận chuyển của mỗi tỉnh khác nhau, không đồng bộ... khiến các doanh nghiệp (DN) đều phát sinh chi phí vận hành, hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Các Hiệp hội cho rằng, cần có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin diện rộng để công nhân bốc dỡ hàng hóa có thể làm việc, giải toả ùn ứ tại các cảng. Chấm dứt khái niệm “mặt hàng thiết yếu”, nhất là liên quan đến nguyên liệu thô, linh kiện liên quan đến sản xuất công nghiệp. Tổ chức công tác cấp cứu và tư vấn khi có F0 trong DN. Thực hiện lệnh tạm dừng từng phần, từng dây chuyền đối với DN có ca F0, còn nếu dừng toàn phần thì phải rút ngắn thời gian. Cần có thông báo về dự kiến gỡ bỏ giãn cách xã hội để DN chủ động hơn. “Nên miễn giảm thuế, các chi phí liên quan đến sản xuất của DN, miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội trong thời gian DN tạm dừng hoạt động” - đại diện Korcham kiến nghị.

Đại diện công ty TNHH Jabil Việt Nam cho biết, do không thực hiện giao hàng theo hợp đồng đã ký nên nhiều đơn hàng đã chuyển sang Indonesia, Ấn Độ khiến DN thiệt hại đến 200 triệu USD/tháng. Khu Công nghệ cao có vắc xin nhưng lại không có đội ngũ y tế tiêm kịp thời, do đó thành phố cần có cơ chế để DN tiếp cận tiêm dịch vụ  hoặc cho DN nhận vắc xin từ các công ty mẹ.

Nhiều doanh nghiệp bị đối tác chuyển đơn hàng sang nước khác, gây thiệt hai nặng nề
Nhiều doanh nghiệp bị đối tác chuyển đơn hàng sang nước khác, gây thiệt hại nặng nề

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ trân trọng sự đồng hành, hỗ trợ của các DN với TPHCM thời gian qua. Đồng thời thành phố cũng chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải khi thành phố thực hiện giãn cách. Hơn 21.000 DN giải thể trong 7 tháng đầu năm cho thấy sự tác động nặng nề của dịch bệnh. Nhưng vì sức khoẻ của cộng đồng, an toàn người dân, chúng tôi mới đi đến quyết định khó khăn này.

Chính vì hiểu những tác động khó khăn, TPHCM đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các DN nhằm tháo gỡ nhanh nhất có thể. Hoặc tập hợp kiến nghị để báo cáo với Thủ tướng chính phủ đối với nội dung vượt quá thẩm quyền của thành phố. 

"Để giải quyết khó khăn phát sinh khi DN thực hiện "3 tại chỗ", không làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi đã tập hợp ý kiến của các DN và đưa ra 4 phương án sản xuất mới, ngoài “3 tại chỗ” còn kết hợp thêm “1 cung đường, 2 điểm đến”, hoặc “1 cung đường nhiều điểm đến”, phương án “4 xanh” ông Nguyễn Thành Phong nói.

Hiện nay TPHCM đã tiêm vắc xin cho 85% người lao động. Như tại KCN-KCX là 286.000 lao động, 3.000 chuyên gia. Riêng Khu Công nghệ cao khoảng 47.000 lao động. TPHCM đang có kế hoạch tiêm đợt hai cho 85% người lao động tại những khu vực này và tiêm đợt một cho 15% người lao động còn lại. Thành phố cũng xin phép Bộ Y tế rút gọn quy trình tiêm để đẩy nhanh tốc độ tiêm. Tốc độ tiêm của TPHCM hiện 300.000 liều/ngày. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến hết quý III/2021 sẽ tiêm khoảng 70% dân số có độ tuổi trên 18 tuổi.

Các vấn đề về thủ tục, liên quan đến hỗ trợ tài chính, tín dụng, giảm thuế. Những vấn đề liên quan giảm thuế như thế nào, vượt qua thẩm quyền của UBND TPHCM, thành phố sẽ tập hợp lại gửi ý kiến lên Thủ tướng Chính phủ. “Mong DN và các nhà đầu tư đặt niềm tin vào công tác chống dịch của TPHCM. Chúng tôi luôn chia sẻ, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Mong muốn có sự chung tay, đóng góp của doanh nghiệp cùng TPHCM tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới để vừa đảm bảo an toàn sản xuất, vừa phòng chống dịch hiệu quả” - Ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI