Doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất

04/08/2021 - 06:51

PNO - Đại diện các doanh nghiệp sản xuất cho biết họ đang gặp khó khăn rất lớn trong việc cố gắng duy trì sản xuất. Nếu chính quyền không kịp thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, các kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng sẽ tiếp tục bị sụt giảm lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến.

Chi phí tăng, năng suất giảm

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - cho biết, sau hơn hai tuần áp dụng mô hình sản xuất “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm”, chỉ có một số doanh nghiệp (DN) chủ lực của ngành - tập trung ở nhóm thịt gia cầm, gia súc - giữ được năng lực sản xuất từ 100 - 200%, còn các DN sản xuất mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị… chỉ duy trì năng lực sản xuất ở mức từ 40 - 70% so với bình thường. 

Đại diện một công ty chuyên sản xuất mì, phở gói (đề nghị không nêu tên) cho biết, hiện lượng nhân công đã giảm hơn 2/3. Việc thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó khăn và một số đối tác cung cấp nguyên phụ liệu ngưng hoạt động dẫn tới tổng sản lượng hàng giảm hơn 50%, không đủ cung ứng cho các nhà phân phối. Chưa biết đến khi nào, công ty mới sản xuất trở lại các sản phẩm mì ly, phở tô.

Nguyên phụ liệu để sản xuất mì, phở ăn liền như hành lá khô, tiêu, dầu, bột nêm… được lấy từ nhiều nhà cung cấp nhưng không ít DN hiện đã dừng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 (F0) khiến nguồn cung đầu vào gián đoạn, các DN sản xuất mì, phở ăn liền cũng bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng. Muốn dùng nguồn hoặc loại nguyên liệu có thành phần tương đồng để thay thế, theo luật, DN phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì. Điều này rất khó thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay. Đó là chưa kể sẽ phát sinh chi phí và lãng phí nếu phải hủy bao bì cũ, in lại bao bì mới.

Các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” đang gặp rất nhiều khó khăn (Công ty 3D Hub Global tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại công ty) - Ảnh: N.CẨM
Các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” đang gặp rất nhiều khó khăn (Công ty 3D Hub Global tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại công ty) - Ảnh: N.CẨM

Ngoài ra, khi sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, các DN phải chịu thêm khá nhiều chi phí phát sinh như: chi phí sinh hoạt, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân. Bà Lý Thanh Phong - Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TPHCM) - cho biết: “Năm ngày một lần, nhân viên y tế đến công ty lấy mẫu xét nghiệm, chi phí hơn 300.000 đồng/công nhân/lần do công ty chi trả. Công ty tạm thời có thể duy trì được nhưng nếu kéo dài, sẽ không cầm cự nổi”.

Đáng lo là, dù các DN thực hiện “ba tại chỗ”, công nhân vẫn bị lây nhiễm. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thực hiện “ba tại chỗ” từ ngày 28/6 nhưng vẫn có tới 43 ca mắc COVID-19. Sự cố này ngay lập tức gây lo ngại đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM. Theo đánh giá của FFA, rất nhiều DN có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu. 

Những khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa - kể cả trong nội thành TPHCM - hiện vẫn chưa được tháo gỡ bao nhiêu, vì các chốt kiểm soát vẫn đưa ra nhiều yêu cầu theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Chẳng hạn, theo bà Lý Kim Chi, từ 18g đến 6g, các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông, nhưng xe không qua được chốt kiểm dịch đường M1 từ Khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ, dù xe đã được cấp mã QR và đang chở hàng thiết yếu. Tại một số chốt khác ở các cửa ngõ TP.HCM, xe về sau 18g không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu, buộc tài xế phải ngủ lại qua đêm trên xe… 

Chính sách cần linh động 

Bà Lý Kim Chi cho rằng, có thể coi các DN đang sản xuất thời dịch bệnh này như trong thời chiến, Nhà nước cần phải có những chính sách linh động, chẳng hạn cho phép DN điều chỉnh nguyên phụ liệu trong thời gian ngắn và gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan chức năng, thông tin minh bạch đến người tiêu dùng… FFA cũng đề nghị TPHCM thành lập tổ phản ứng nhanh để tiếp nhận thông tin từ DN và nhanh chóng xử lý để việc sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm - đặc biệt là lương thực, thực phẩm - được thuận lợi, thông suốt. Bà Lý Kim Chi nói: “Ba tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế trong ngắn hạn, nên nếu kéo dài hơn, cũng cần các chính sách hỗ trợ riêng cho DN”.

Tình trạng thiết hụt hàng hóa diễn ra cục bộ tại nhiều cửa hàng ngày càng nhiều hơn. Ảnh: Quốc Thái
Tình trạng thiết hụt hàng hóa diễn ra cục bộ tại nhiều cửa hàng ngày càng nhiều hơn. Ảnh: Quốc Thái

Ngoài ra, các DN sản xuất hàng xuất khẩu cũng cho biết họ rất cần một kế hoạch chống dịch linh động của UBND TPHCM để chủ động lên phương án sản xuất hay tái khôi phục sản xuất sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động. Theo đề xuất của FFA, UBND TPHCM nên kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có), tổ chức huấn luyện cho các địa phương và DN thực hiện “y tế tại chỗ”. 

Thêm vào đó, dù một số ngân hàng đã giãn nợ, giảm lãi vay… nhưng mức độ hỗ trợ DN không nhiều. Các DN cho rằng, UBND TP.HCM cần kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn, giãn nợ, hoãn nộp thuế, phí, tránh để DN rơi vào tình trạng nợ xấu; duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm thuế, phí hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước.

Các DN ngành nghề đặc thù như lương thực, thực phẩm cần được xếp vào đối tượng được Nhà nước hỗ trợ các chính sách vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay… để bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng TP.HCM cần có cơ chế tác động đến các đơn vị bán lẻ trong nước rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng sớm hơn so với quy định trước đây (từ 15-30 ngày lâu nay rút ngắn xuống còn khoảng ba ngày) để các DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu có vốn lưu động sản xuất, dự trữ. 

Các DN trong ngành thực phẩm còn cho biết họ đang gặp khó trong vấn đề tiếp cận vắc-xin. FFA đã đề xuất danh sách, Sở Công thương TPHCM đã cấp tài khoản cho từng DN và các DN cũng đã cập nhật dữ liệu người lao động lên hệ thống phần mềm tiêm vắc-xin của TPHCM để các quận, huyện triển khai tiêm theo địa chỉ cư trú của người lao động. Nhưng đến nay, tất cả các quận, huyện đều thông báo chưa có danh sách này từ cấp thành phố phân bổ xuống. Như vậy, các DN đã đăng ký thông qua Sở Công Thương chưa được thông báo về chỉ tiêu tiêm đợt này của địa phương.

“Tất cả những DN chưa được tiêm vắc-xin cho người lao động đều đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ” và đã xuất hiện trường hợp F0 tại một số DN, gây hoang mang cho người lao động. DN rất mong sớm tiêm vắc-xin để người lao động an tâm, tiếp tục cùng DN sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian tới” - bà Lý Kim Chi phân tích. 

FFA đề nghị UBND TPHCM cho phép duyệt chỉ tiêu ưu tiên cho những DN sản xuất, kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm thiết yếu còn lại nằm trong nhóm đối tượng được cấp thành phố phân bổ về cho các quận, huyện để khẩn cấp tiêm ngừa vắc-xin (cụ thể là 11 DN với tổng số 1.949 mũi tiêm) và đề nghị có phương án giải quyết cho người lao động trong cùng một DN được tiêm vắc-xin cùng đợt, dứt điểm cho từng DN để thuận tiện triển khai sản xuất, kinh doanh. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - hiện đã có 90% DN thành viên ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khoảng 10% DN còn lại đang sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” nhưng đối mặt với rất nhiều áp lực. Các DN dệt may thường có lượng người lao động rất đông nên việc lo cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ là vấn đề lớn. Ngoài chi phí sinh hoạt, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, rất khó đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 khi người lao động ở lại cùng nhau, sinh hoạt chung. Thực tế, cũng chỉ có DN vừa và nhỏ thực hiện được quy định “ba tại chỗ”, còn DN lớn có nguồn nhân công nhiều rất khó thực hiện. 
“Ngoài thực trạng trên, nhiều DN ngành dệt may còn lo rằng, với tình trạng nhân công nghỉ để về quê hiện nay, sắp tới có thể thiếu hụt nguồn lao động ít nhất 30%. Hiện nay, cũng chỉ có một số DN được tiêm vắc-xin cho công nhân. Số DN còn lại mong UBND TP.HCM quan tâm tiêm vắc-xin cho công nhân để họ yên tâm làm việc, hạn chế nguy cơ nhiễm dịch, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng” - ông Phạm Xuân Hồng nói. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI