Cứu hạn Đồng bằng sông Cửu Long: Tặng nhau những giọt nước vàng

30/03/2016 - 14:34

PNO - Theo anh Phước, từ ngày phát nước cho mọi người, bà Hưởn không không đi đâu chơi, chỉ ngồi đợi ở nhà ai đến xin nước thì đưa ra lấy.

Mẹ tôi vui lên, khỏe ra...

Trong những ngày tháng khô hạn tại TP. Bến Tre, nhiều người dân tại xã Phú Hưng và các xã lân cận lại lần lượt kéo nhau đến nhà bà Nguyễn Thị Hưởn (62 tuổi, ngụ ấp Phú Thành) để xin nước ngọt về sử dụng.

Bà Hưởn nổi tiếng trong vùng bởi giữa cơn hạn chung của cả vùng bà lại tiến hành cấp nước miễn phí, hồ hởi mời mọi người về nhà mình lấy nước thoải mái. Bà Hưởn chia sẻ: "Gia đình có 4 người, cả cái giếng to nguồn nước dồi dào làm sao mà dùng hết, trong khi mọi người thì đang thiếu nước nên mọi người cứ lấy thoải mái nếu cần".

Cuu han Dong bang song Cuu Long: Tang nhau nhung giot nuoc vang
Bà Hưởn treo biển "cho nước" để mọi người cùng biết đến. Ảnh: Hoàng Hường

Sợ những người đi đường, ở xa không biết, bà Hưởn làm biển "cho nước" đặt cạnh những chiếc bồn. Thậm chí bà còn kéo nước ra sát đường để ai cũng có thể nhìn thấy.

Anh Lê Văn Phước – con trai bà Hưởn chia sẻ: Việc phát nước cho người dân đã được tiến hành từ đầu hạn hán đến nay, chắc cũng phải được khoảng 2 tháng. Nước cũng tương đối thiếu, lâu lâu các cơ quan  mới chở một chuyến nước về hỗ trợ bà con, gia đình thấy thiếu thì cũng bảo mọi người qua lấy".

Anh Phước cho hay, không chỉ là người trong xã mà nhiều hộ dân ở các xã lân cận cũng tìm đến. Vừa rồi, Đài truyền hình Bến Tre cũng có về, vận động và ủng hộ việc làm của gia đình anh 2 bồn lớn để tích nước.

"Gia đình tôi bơm liên tục, cứ đêm là bơm lên để trong thùng cho nước lắng lại, sáng hôm sau mọi người đến lấy mang về dùng luôn, chứ không mang về người ta không biết xử lý bằng cái gì", anh Phước chia sẻ thêm.

Anh Phước kể lại: "Từ ngày xưa nhà tôi cũng đã làm việc này. Mấy năm trước hạn nhẹ thì mọi người cũng không khó khăn lắm, chỉ có năm nay là nặng hơn nên mẹ tôi mới bảo phát tiếp".

"Nói đúng ra thì mẹ tôi cũng lớn tuổi rồi, mẹ tôi cũng thường đi chùa chiền nên cũng thường có cái tâm là giúp đỡ người khác. Trong gia đình làm được vậy mẹ tôi vui lên, cũng thấy bà ấy khỏe ra, nên mọi người cùng giúp sức để mẹ tôi được vui", con trai bà Hưởn tâm sự.
 
Cũng theo anh Phước, từ ngày tiến hành phát nước cho bà con hàng xóm, bà Hưởn không không đi đâu chơi, chỉ ngồi đợi ở nhà ai đến xin nước thì đưa ra lấy.

Anh Long - người hàng xóm bên cạnh cho hay: "Bà Hưởn sức khỏe đã yếu nên cũng không làm được gì, còn ông Bảy (chồng bà Hưởn) hiện tại vẫn đi làm mướn, nay làm cái này mai làm cái khác".

"Chắc là do gia đình bà ấy cũng làm phúc nhiều nên các con cháu đều ngoan ngoãn, mà cũng không phải khốn khó. Người ta đến lấy nước cảm ơn rối rít vì bình thường mua được một can nước như vậy cũng mất gần chục nghìn đồng", ông Long hồ hởi.

Anh Phước nói thêm: "Gia đình cho đi được cũng thấy tinh thần thoải mái, chứ nước này là của trời cho bán đi biết được bao nhiêu mà lại mang tiếng xấu.

Cái giếng này hồi xưa bố tôi đào, ngày đó mình cũng khó kiếm được mạch nước ngọt. Tôi vẫn nhớ khi mà bố tôi đào ông dặn là bây giờ kiếm chỗ nào có nhiều ổ kiến lửa mạch nước nó ngọt, không bị phèn".

"Bố tôi không muốn phô trương, làm tùm lum lên, cũng có cơ quan báo đài đến quay thì ông cũng bảo là có chuyện gì đâu mà quay, các anh chị nhà báo mới nói là mình phải quay lên thì những người ở xa không biết người ta mới biết để đến xin, và người ta thấu mình làm như vậy cũng bắt trước làm theo nên bố tôi mới đồng ý.

Thì cũng đúng là như vậy, từ hôm báo đài lên nhiều người ở xa cũng biết đến hơn, nên cũng đến xin thoải mái hơn", anh Phước tiếp lời.

Người giàu mà cần thì mình vẫn cho...

Chia sẻ thêm về hành động của mình, bà Hưởn cởi mở: "Tôi cũng có đi chùa, có hiểu được họa, phước, thành ra mình cũng có tâm từ thiện. Giờ người ta khổ giúp người ta đến khi mình khổ người ta giúp mình, chứ bán lấy tiền thì đồng tiền cũng không có tình thương. Tôi nghĩ vậy và tôi có tấm lòng để từ thiện chứ cũng không có gì".

"Cũng có khá nhiều người đến lấy, xe bồn cũng có, xe máy đến thồ cũng có. Trong gia đình đồng lòng vui vẻ phát tâm cũng không có gì buồn phiền hết, dù lấy nhiều hay lấy ít, người ta giàu có mà cần thì mình vẫn cho", bà Hưởn chia sẻ.

Cuu han Dong bang song Cuu Long: Tang nhau nhung giot nuoc vang
Nhiều người dân lân cận cũng đến xin nước. Ảnh: Lao Động

Theo bà Hưởn, việc làm của mình còn ẩn chứa ý nghĩa sâu xa: "Tôi cũng mong muốn cho con cháu học tập theo lối của tôi, phải tích cực giúp đỡ mọi người, tích đức về sau".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI