Cuộc chơi thẩm mỹ trong sách phiên bản đặc biệt

25/08/2020 - 17:32

PNO - Khi đời sống kinh tế ngày một phát triển, người ta không đơn thuần đọc sách để tìm điều hay lẽ phải, mà còn để “thưởng” sách. Đánh giá một cuốn sách đẹp, hay, giờ đây, không chỉ ở nội dung, mà còn hình thức nữa.

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, cho biết, những phiên bản sách đặc biệt được chú trọng đầu tư ở nhiều mặt về phần hình thức, gồm định lượng giấy, chất lượng bìa, ruột in trên giấy conqueror (một loại giấy mỹ thuật cao cấp). Các trang sách được gia công sau in hoàn toàn thủ công. Tranh minh họa hoặc phụ bản tranh/ảnh là điều nhất thiết phải có. “Bởi lẽ, chúng tôi muốn đưa đến tay người đọc những cuốn sách không chỉ để đọc, mà còn để trưng bày, ngắm nhìn” - ông Thắng nói thêm. Đây gần như cũng là phương châm xuyên suốt của các đơn vị xuất bản khi giới thiệu các ấn bản đặc biệt ra thị trường.

Theo đó, các đơn vị làm sách không ngừng đầu tư kỹ thuật chẳng kém gì các nước châu Âu. Chẳng hạn, bản S100 (số lượng giới hạn 100 cuốn) quyển Một chiến dịch ở Bắc Kỳ do Đông A phát hành có bản bìa da bò nhập khẩu từ Ý, khâu ruột sách và làm bìa cứng thủ công theo lối cổ điển châu Âu Passé-carton, in hai màu (xanh, đen) trên giấy mỹ thuật cao cấp CLI 12 Contrast Laid Italy 120 gsm, bằng công nghệ mực vi sinh, mạ cạnh sách bằng nhũ vàng, đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách.

Bên cạnh ấn bản thường, bản S100 Truyện ngắn  Nguyễn Huy Thiệp vừa phát hành có thêm  13 minh họa màu của các họa sĩ đương đại Việt Nam
Bên cạnh ấn bản thường, bản S100 Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa phát hành có thêm 13 minh họa màu của các họa sĩ đương đại Việt Nam

Bản Bố già thì gây ấn tượng với 12 bức tranh vẽ bố già của các họa sĩ Việt, với tạo hình mắt bố già là những ô carô dựa trên một câu nói của chính nhân vật. Hay cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa được Đông A xuất bản giữa tháng 8/2020, bên cạnh những tranh minh họa trong ấn bản thường, bản S100 còn có thêm 13 minh họa màu của các họa sĩ đương đại Việt Nam như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Hoàng Phượng Vỹ… và họa sĩ Lena Sjöberg (Thụy Điển).

Trong khi đó, cuốn Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế được Thái Hà Books làm hai độc bản Long và Phụng; bìa sách được chính tay nghệ nhân Phan Hải Bằng tạo hình bằng nghệ thuật giấy Trúc Chỉ.

Nhiều đơn vị làm sách mạnh dạn tham gia cuộc chơi với nhiều ý tưởng thú vị. Sống phát hành bản S500 cuốn Hà Nội quán xá phố phường dạng bìa cứng, có chữ ký của tác giả và tranh pop-up mô hình Hà Nội. Omega+ có bản cao cấp ba quyển Leonardo de Vinci, Napoléon Đại đế, Aldof với bụng sách mạ vàng, bìa và hộp bọc bằng vải gấm tơ tằm, dệt nổi họa tiết, gáy sách thêu hình khối 26 mặt, tên sách và tên tác giả được thêu tay bằng chỉ sợi óng.

Tri Thức Trẻ Books giới thiệu bản giới hạn cuốn Tiêu Sơn tráng sĩ, ngoài bìa cứng, triện tên sách, chữ ký của họa sĩ, độc giả còn nhận kèm một chiếc quạt Tiêu Sơn tráng sĩ do các nghệ nhân làng nghề quạt giấy Chàng Sơn thực hiện.

Mỗi đơn vị phát hành áp dụng những hình thức bán khác nhau, tùy vào mức độ gia công trên từng quyển sách. Mặc dù vậy, các ấn bản luôn được người chơi sách săn đón, tạo nên diện mạo phong phú cho thị trường xuất bản phẩm. Không ít người chơi sách cho biết, cảm giác khi cầm một ấn bản đặc biệt trên tay chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật. 

“Không chỉ hình ảnh/tranh minh họa, mà hình thức bên ngoài như bìa, kỹ thuật làm sách, mạ hay thêu… cũng cần đảm bảo liên quan mật thiết đến nội dung cuốn sách. Có như vậy, cuốn sách mới trở thành một tác phẩm thực sự giá trị. Không phải cứ sơn son, dát vàng, dùng nguyên liệu thượng hạng rồi bán với giá đắt đỏ là được” - anh Mạnh Hùng, một người chơi sách cho biết.

“Cũng như bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật độc lập nào, chơi sách đòi hỏi người chơi và người làm ra nó sự tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết. Tại sao lại chọn bìa này mà không là bìa kia, tại sao lại thêu chữ thay vì mạ vàng, với cuốn này làm pop-up thì hợp nhưng cuốn kia lại không… đòi hỏi sự am hiểu về nghệ thuật, cái tâm trong sáng và thực sự yêu cái đẹp của người làm sách” - biên tập viên Đạt Nhân bày tỏ.

Đây là một thú chơi mà ở đó người chơi sách không chỉ được đọc mà còn được chiêm ngưỡng, ngắm nghía tranh/ảnh, nâng niu từng trang giấy. Người làm sách vì sự đón nhận của người sưu tầm mà nỗ lực làm mới, nghĩ ra nhiều hình thức độc đáo hơn, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các bản sách tiếp theo. Còn những cuốn sách, ngoài đời sống tự thân về mặt nội dung, khi đến tay độc giả, còn có một đời sống khác, mở thêm những chiều kích tiếp nhận đối với một sản phẩm văn hóa đọc. 

Hoàng Linh Lan

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI