Cuộc "cách mạng" của phim zombie Hàn Quốc

12/09/2020 - 13:12

PNO - Sự thắng thế của "Tôi còn sống", "Bán đảo Peninsula", "Kingdom2"… tiếp tục khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của các bộ phim Hàn Quốc về thây ma (K-zombie) trên toàn thế giới.

Tiếp nối thành công của thể loại K-zombie, #Alive (tựa Việt: Tôi còn sống) xuất sắc vượt qua nhiều siêu phẩm khác, trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix toàn cầu. Dù chỉ mới ra mắt trên nền tảng này vào ngày 7/9 nhưng tác phẩm đã nhanh chóng chinh phục người xem bởi cốt truyện chặt chẽ cùng những tình huống rùng rợn đối đầu với thây ma.

Tôi còn sống xếp vị trí đầu tiên trong tơp 10 phim được yêu thích nhất trên Netflix toàn cầu.
"Tôi còn sống" xếp vị trí đầu tiên trong top 10 phim được yêu thích nhất trên Netflix toàn cầu.

Trước Tôi còn sống, Chuyến tàu sinh tử và loạt phim Kingdom (tựa Việt: Vương triều xác sống) chính là những nhân tố đầu tiên đặt nền móng cho thể loại zombie bùng nổ tại Hàn Quốc. Zombie không mới trên toàn cầu nhưng điều khiến các tác phẩm của xứ kim chi gây tiếng vang nằm ở sự sáng tạo trong hình tượng ẩn dụ và cách thức hoạt động của thây ma.

Khác với quan niệm phương Tây về zombie (xác chết biết đi) bắt nguồn từ Haiti và Bắc Phi, nơi ma thuật và thuật chiêu hồn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sống lại của người chết. Nó dần biến đổi thành hình ảnh của những kẻ thù quái dị, phổ biến qua bộ ba phim zombie của George Romero: Night of the Living Dead (1968), Dawn of the Dead (1978) và Day of the Dead (1985). 

Sau đó, zombie được phát triển, tiến thêm một bước xa hơn trong 28 ngày sau (2002) của đạo diễn Danny Boyle, nơi các thây ma được mô tả nhanh hơn, mạnh hơn và thông minh hơn. Chúng trở thành mối đe dọa thực sự đối với con người và nền văn minh nhân loại nói chung.

K-zombie gây tiếng vang trên thế giới.
K-zombie gây tiếng vang trên thế giới.

Các đơn vị sản xuất phim xứ kim chi đã nghiên cứu rất kỹ cơ chế hoạt động trước khi xây dựng hình tượng zombie độc đáo "made in" Hàn Quốc. Nhìn bề ngoài các thây ma trên phim cũng có vẻ gớm ghiếc, mang những động tác đặc trưng của zombie nhưng nếu tìm hiểu sâu kịch bản, khán giả sẽ thấy chúng là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho thân phận người bị áp bức, bị ruồng bỏ, những nạn nhân chết bất đắc dĩ chỉ vì lòng tham của con người.

Bản thân các thây ma không có cảm xúc và bị mù, nhưng từ hành động chiến đấu quyết liệt của họ vẫn man mác nỗi phẫn uất trước sự bất công và đau khổ chưa được giải tỏa. Đây chính là nét riêng trong cách khắc họa hình tượng xác sống Hàn Quốc.

Yoo Ah In diễn xuất ấn tượng trong Tôi còn sống.
Yoo Ah In diễn xuất ấn tượng trong "Tôi còn sống".

Tiêu chuẩn thây ma của Hàn Quốc bắt đầu được thiết lập từ Chuyến tàu sinh tử do đạo diễn Yeon Sang-Ho chỉ đạo, nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển đình đám, làm thay đổi bối cảnh rạp chiếu phim xác sống trên toàn thế giới.

Nhưng điều khiến siêu phẩm gây ấn tượng nhất với các nhà chuyên môn lẫn công chúng là sự không ngại va chạm, châm biếm xã hội về các vấn đề tồn đọng, như quản lý thảm họa thất bại và đấu tranh giai cấp - những mối đe dọa rất thực tế, khiến khán giả liên tưởng đến thảm họa chìm phà Sewol. Hai năm trước khi bộ phim ra mắt, 305 người, bao gồm 250 học sinh trung học trong một chuyến đi chơi đã thiệt mạng bởi sự cố chìm phà do công tác quản lý yếu kém. 

Xác sống khát máu trong Kingdom2.
Xác sống khát máu trong "Kingdom2".

Tương tự, tình huống trong Chuyến tàu sinh tử cũng xuất phát từ lỗi cá nhân đã cho phép một thây ma nhiễm bệnh lên đoàn tàu. Và rồi toàn bộ hành khách sớm nhận ra rằng họ cần phải dựa vào bản thân để tồn tại, vì chính phủ đã từ bỏ hy vọng, không có khả năng giúp đỡ họ. Ngay cả trong tình huống nguy cấp, tầng lớp thượng lưu tiếp tục cho thấy sự ích kỷ và phân biệt giai cấp khiến số người chết ngày càng lan rộng.

Chính sự thay đổi trong tư duy làm phim, không ngại lồng ghép những vấn đề thời sự đã giúp Chuyến tàu sinh tử gây dấu ấn mạnh mẽ với khán giả toàn cầu.

Có lẽ, một bộ phim thậm chí còn phù hợp hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 bây giờ là #Alive của Cho Il Hyung, xoay quanh nhân vật chính Joon Woo (Yoo Ah In) cố thủ trong nhà, chờ quân đội đến giải cứu khi cuộc tấn công của các thây ma đang càn quét quốc gia. Anh buộc phải tìm kiếm sự sống sót, sau khi các nhu yếu phẩm cơ bản trong căn hộ cạn kiệt,

Ngoài nội dung, điểm khác biệt thứ 2 giữa phim zombie Hàn Quốc so với thế giới đến từ cách thức hoạt động của thây ma. Cách xác sống trên màn ảnh Hàn ngày càng tiến hóa, khi sở hữu thể chất và phản ứng nhanh nhạy với ánh sáng và âm thanh, khiến khán giả ghê rợn trong một số phân đoạn tấn công con người.

Thành công từ loạt phim zombie giúp phòng vé Hàn Quốc phục hồi sau dịch COVID-19.
Thành công từ loạt phim zombie giúp phòng vé Hàn Quốc phục hồi sau dịch COVID-19.

Đến hiện tại, dấu ấn đậm nét nhất của thể loại K-zombie không thể không nhắc đến loạt phim Kingdom của Netflix. Lấy bối cảnh triều đại Joseon, zombie bị lây lan khi đói nghèo khiến dân làng chọn cách nấu thịt của người bị nhiễm bệnh đã chết để ăn, và rồi toàn bộ người dân nhanh chóng biến thành những thây ma khát máu.

Cũng từ đây, lòng tham của tầng lớp thượng lưu và sự tranh giành quyền lực được nhân cách hóa, dưới hình thức những thây ma tấn công không phân biệt đối xử với bất cứ ai, dù giàu hay nghèo trong cuộc săn lùng của họ, bộc lộ rõ mặt tối của chế độ phong kiến.

Theo Allkpop, sau thắng lợi vang dội của Bán đảo Peninsula, Tôi còn sống, Kingdom... chắc chắn đề tài zombie sẽ tiếp tục trở thành xu hướng của giới làm phim xứ kim chi trong thời gian tới, hiện thực hóa tham vọng tấn công thị trường quốc tế.

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI