Cụ bà hơn 30 năm lái đò miễn phí chở học sinh qua sông

23/11/2015 - 15:50

PNO - Nhiều lứa học trò nhờ con đò nhỏ của cụ mà đã không phải bỏ học giữa chừng.

Giúp con trẻ học lấy cái chữ

Nhiều năm nay, cụ Thái Thị Sáng (sinh năm 1928) - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đều thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đò đầu tiên đưa đám con trẻ làng vượt con nước đi tìm con chữ, và cụ chỉ kết thúc công việc đưa đò của mình khi trời về khuya. Âm thầm như con đò, lặng lẽ như mặt nước sông, công việc đưa đò nhẫn nại ấy cụ không nhận bất cứ đồng tiền công nào.

Cu ba hon 30 nam lai do mien phi cho hoc sinh qua song
Cụ Thái Thị Sáng.

Nói về cái duyên đến với nghề chèo đò, cụ Sáng kể lại: “Khoảng năm 1984, trong lúc tôi đi bán hàng về, chèo ghe qua dòng kênh Xáng Thị Đội, thấy mấy đứa nhỏ ngồi trên bờ với vẻ mặt buồn thiu. Lúc đó tôi hỏi “Giờ này đã trễ rồi, sao tụi con chưa vào lớp học?”. Tụi nhỏ trả lời: “Tụi con không có xuồng để qua sông”. Nghe vậy, tôi ghé lại và đưa mấy cháu qua sông để vào lớp học”. 

Việc làm của cụ Sáng khiến không ít người cho là... “dở hơi”, bởi khi ấy cụ “thân cò” một mình nuôi 9 người con khôn lớn trong những năm 70, 80 đầy khó khăn.

Chắt chiu bao năm mua được một chiếc ghe để lái đò kiếm kế mưu sinh ấy vậy mà, ngày nào cụ cũng dành nhiều thời gian đưa học sinh qua sông. Mỗi khi có ai thắc mắc hay thị phi này kia, cụ đôn hậu đáp: “Bởi ước nguyện cháy bỏng nhất của tôi đơn giản chỉ vì mong giúp trẻ em của các thôn ấp trong xã được cắp sách đến trường, không vì chuyện cách sông mà phải bỏ học”.

Dòng kênh Xáng Thị Đội chỉ vài chục mét, nhưng khi lũ về, dòng kênh trở nên mênh mông và hung hãn. Do vậy, khi chèo đò, cụ Sáng lúc nào cũng đề cao cảnh giác, trên ghe bao giờ cũng có vài cái can nhựa, phòng khi có biến cố xảy ra…

Nhờ tính cẩn trọng và “vững tay chèo” trong những năm tháng làm giao liên nên trong hơn 30 chèo đò đưa học sinh qua sông, bến đò của cụ Sáng không xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào. “Lái đò không khó lắm nhưng phải lanh lợi, nhạy bén, luôn phải sẵn sàng xử lý chuẩn xác tình huống nguy hiểm, vì khúc kênh này rất sâu, các cháu hay đùa nghịch dễ rơi xuống sông. Tôi không mong gì hơn là được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một chiếc đò an toàn và làm bến đò cố định giúp bà con an tâm đi lại” - cụ Sáng trải lòng.

Tính đến thời điểm hiện tại, cụ Sáng đã sử dụng 7 - 8 chiếc ghe trong hơn 30 năm đưa học sinh qua sông tìm con chữ. Chuyến đưa đò nào cũng vậy, cụ luôn nhắc nhở đám học sinh phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông và đi học thì phải biết giúp đỡ nhau cùng học tập thật tốt để cha mẹ và thầy cô vui lòng.

Lái đò không công

Với những đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cụ Thái Thị Sáng đã được Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp khuyến học”. Năm 2001, cụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Khi được hỏi về mong ước của mình, cụ bảo: “Động lực duy nhất của tôi là được thấy bọn trẻ học giỏi, chăm ngoan. Thôn ấp dù nghèo đấy nhưng không thể để các cháu bỏ lỡ chuyện học hành. Với tôi luôn đau đáu nuôi mơ ước về một cây cầu nho nhỏ bắc qua kênh Xáng Thị Đội. Trên mỗi chuyến đò tôi vẫn luôn nhắc nhở lũ trẻ cố gắng học giỏi, sau này về xây dựng cây cầu để phát triển quê hương”. Gần 30 năm, cụ Thái Thị Sáng lặng lẽ cống hiến cho cuộc đời. Biết bao người qua đò cụ, nay đã thành danh, cụ không thể nào nhớ hết.

Cụ Sáng chèo đò đến năm 2010 thì “lên bờ” vì sức khỏe và vì yêu cầu của ngành giao thông đường thủy là bến đò phải an toàn, phương tiện lớn, có phao, chứng chỉ hành nghề… Do vậy, cụ Sáng giao bến đò lại cho người con trai thứ 4 là anh Lê Văn Duyên tiếp tục “sự nghiệp” chèo đò của cụ nhưng với điều kiện: học sinh, thầy cô giáo là không được lấy tiền.

Hiện nay dù cụ Sáng đã gần 90 tuổi, xa mái chèo đã lâu nhưng cụ vẫn “nhớ nghề”, cụ Sáng nói: “Không được chèo đò đưa các cháu học sinh qua sông tôi buồn và nhớ lắm! Nhưng chẳng biết làm cách nào để tiếp tục gắn bó với bến đò với các cháu nhỏ nên tôi dựng cái chòi, bán bánh kẹo nhưng cốt để có dịp trò chuyện với các cháu”.

Minh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI