COVID-19 và sự thay đổi tất yếu của báo chí Việt Nam

21/06/2021 - 18:16

PNO - Đánh giá cao vai trò của truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, nhưng các chuyên gia và người trong cuộc đều nhận thấy, hoạt động báo chí cần phải thay đổi.

Phải có “tòa soạn online” đúng nghĩa 

Theo nhà báo Phan Văn Tú (Khoa Báo chí truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM), các cơ quan báo chí đã nỗ lực đối mặt với điều kiện giãn cách xã hội do COVID-19 trong hơn một năm rưỡi qua để phục vụ bạn đọc: “Người làm truyền hình đã phải áp dụng video call để phỏng vấn và dùng luôn hình ảnh đó đưa lên sóng truyền hình. Hình ảnh các tuyển thủ Công Phượng, Tiến Linh trả lời phóng viên VTV qua facetime rất khác so với trước đây. Họ nhìn thẳng vô ống kính như thể đang nói chuyện điện thoại với người thân. Tính năng động đôi khi chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng phản ánh được thực tế tác nghiệp trong đại dịch. Chẳng hạn, trong đợt dịch xảy ra ở TP.Đà Nẵng năm ngoái, biên tập viên truyền hình tại đây đã có sáng kiến cắm micro vào cây sào để bảo đảm khoảng cách”.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Trường Chính sách công  và Quản lý Fulbright) qua công cụ trực tuyến Zoom trong điều kiện giãn cách xã hội
Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) qua công cụ trực tuyến Zoom trong điều kiện giãn cách xã hội

Nhưng cũng theo ông Phan Văn Tú, những điều trên chỉ mới mang tính hình thức, chưa thực sự thay đổi về bản chất. “Tòa soạn dã chiến” thực chất cũng chỉ là di dời tòa soạn vật lý về vị trí khác nhằm tránh phong tỏa. Trong khi đó, chiến lược lâu dài là phải online hóa mô hình tòa soạn. Tòa soạn online này gọi là “tòa soạn phi tòa soạn”.

“Cơ quan báo chí không có tòa soạn là chuyện có thật ở Mỹ. Năm 2020, tờ US Daily News thông báo đóng cửa tòa soạn nhưng vẫn xuất bản bình thường. Tòa soạn online theo nghĩa này hầu như chưa có ở Việt Nam. Chúng ta chỉ tác nghiệp online ở các mức độ khác nhau như làm việc qua email, chat hoặc gần đây làm việc trên công cụ Zoom, Google Meet… Hơn nữa, cơ quan báo chí của chúng ta còn mang tính hành chính cao nên không thể nào “phi cơ quan” được” - nhà báo Phan Văn Tú cho hay.

Theo ông, “tòa soạn phi tòa soạn” sử dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp các công cụ kỹ thuật hỗ trợ truyền thông đa phương tiện (multimedia) và dùng được trên mọi nền tảng. Hầu hết các tòa soạn hiện nay chỉ dựa vào hệ thống quản trị nội dung CMS như là bản điện tử hóa báo giấy. Đó chưa phải là một kênh khép kín làm ra sản phẩm online. Trong khi đó, các tập đoàn truyền thông đa quốc gia đã xây dựng CMS dùng chung, cho phép đội ngũ chia sẻ tài nguyên với các thành viên đa phương tiện toàn cầu để cùng thực hiện một dự án ở nhiều nơi khác nhau. Ông ước ao: “Hy vọng sau đợt dịch này, báo chí Việt Nam nhận ra việc cần thay đổi và chuyển đổi số mạnh mẽ để có tòa soạn online đúng nghĩa”.

Qua khảo sát hệ thống quản trị nội dung (CMS) các trang báo điện tử trong nước, ông Lê Đại Hiệp - CEO King Web - đánh giá, hầu hết sử dụng hệ thống cơ bản, thông thường, không có gì đột phá. Do đó, nhiều phóng viên, biên tập viên cảm thấy khó khăn khi sử dụng CMS trên các thiết bị mobile hoặc tablet. Đó là chưa kể, các CMS rất dễ bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS), làm sập website tạm thời, ảnh hưởng uy tín các báo, như vụ VOV vừa qua.

Ông đưa ra giải pháp: “Các báo nên phát triển CMS đa nền tảng multi-platform hoặc mobile app để giúp phóng viên lên bài dễ như đăng Facebook đồng thời dùng dịch vụ Firewall hay Proxy Server để hạn chế tấn công DDOS và không lưu trữ dữ liệu trên cùng server chạy website để tránh bị mất dữ liệu”.

Báo chí không thể “đơn kênh”

Ông Quách Ngọc Xuân - Giám đốc công nghệ, Đại học trực tuyến FUNiX (thuộc Tập đoàn FPT) - chỉ ra nhiều cái thiếu trong tích hợp công nghệ để có “báo chí không tòa soạn”. Theo ông, trước đây, nền tảng CMS được phát triển để xây dựng các trang blog cá nhân hoặc các đơn vị nhỏ dùng đưa tin trên mạng. Công việc của tòa soạn phức tạp hơn vì liên quan đến toàn bộ quy trình xuất bản một tờ báo. CMS thông thường như hiện nay không đáp ứng được.

Hiện nay, ít có báo nào phát triển ứng dụng lớn chuyên quản trị toàn bộ nghiệp vụ tòa soạn. Về mặt chức năng, nó không chỉ bao gồm CMS, xét duyệt, biên tập, mà bao gồm cả hoạt động của các phòng ban, họp hành, giao ban, dàn trang, thậm chí tổ chức tuyến bài, công tác bạn đọc… Ngoài đáp ứng quy trình hoạt động thông thường của cơ quan truyền thông, hệ thống phần mềm cho tòa soạn còn phải tích hợp công cụ dò, lọc được các kênh thông tin khác để có tin bài chuẩn và kịp thời nhất.

“Thế mạnh của số hóa là phân tích, thống kê lượng xem kênh, truy cập. Cũng đừng quên, yếu tố trực tiếp như livestream rất quan trọng đối với báo chí. Do đó, phần mềm tòa soạn phải cập nhật các tính năng này” - ông Quách Ngọc Xuân lưu ý.

Theo ông, báo chí ngày nay không thể “đơn kênh”, do đó phần mềm tòa soạn phải hỗ trợ khả năng phát tán ra nhiều kênh khác như Facebook, YouTube, TikTok… để tăng lượng view, chứ không thể để phóng viên, biên tập viên làm thủ công. Bên cạnh đó, phần mềm báo chí hiện đại cần hỗ trợ tối đa khả năng hoạt động di động của độc giả do tỷ trọng truy cập từ thiết bị di động lớn hơn trên máy tính rất nhiều. “Hệ thống nào cũng phải liên tục nâng cấp, nhưng phần lớn các báo còn phụ thuộc đội ngũ công nghệ thuê ngoài, ít cơ quan nào có chiến lược phát triển đội ngũ nội bộ để xây dựng công cụ phần mềm cho riêng mình” - ông nhận định.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy (báo Tuổi Trẻ) cho rằng, COVID-19 là cơ hội để báo chí soi lại mình mà bước tới: “Đại dịch ảnh hưởng đến doanh thu, thay đổi cách tác nghiệp lẫn bản chất hoạt động truyền thông. Tôi nghĩ, trong biến động này, báo chí ở Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó đặt ra những kế hoạch mới khi dịch bệnh vẫn còn sống chung với chúng ta”.

Theo ông Nguyễn Trường Uy, khi mọi hoạt động của xã hội đều trực tuyến, báo điện tử trở thành sản phẩm chính của ngành báo chí nhưng nó không thể chỉ đóng vai trò một trang tin của những người đưa tin mà phải thật sự là tờ báo trên mạng. Đây là điều mà hiếm thấy tờ báo điện tử nào làm được, dù vẫn được gọi là báo điện tử. 

Nên xây dựng cẩm nang an toàn tác nghiệp 

Nếu như năm trước, vẫn có một số các phóng viên trẻ trang bị bảo hộ sơ sài khi tác nghiệp ở các cơ sở y tế, khu cách ly thì hiện nay, vấn đề sức khỏe, an toàn đã được đề cao. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phát hành cẩm nang hướng dẫn tác nghiệp báo chí trong các điều kiện nguy hiểm, trong đó chỉ rõ những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho đội ngũ phóng viên khi tác nghiệp trong điều kiện chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh… 

Do vậy, bên cạnh các giải pháp mang tính ứng phó như “tòa soạn dã chiến”, tác nghiệp online, để “chung sống” với dịch bệnh, mỗi tòa soạn cần có những bộ quy chế riêng cho đội ngũ nhân sự của mình. Những quy chế đó như một phần cẩm nang bỏ túi trong thời COVID-19 để bảo vệ sức khỏe phóng viên, biên tập viên như sử dụng hai micro khi tác nghiệp, luôn sát khuẩn, giữ khoảng cách, không quá hai người nếu phải tác nghiệp theo nhóm… 

Hơn bao giờ hết, cẩm nang đó còn cần bao hàm cả thái độ ưu tiên tính xác thực, tính đúng đắn của thông tin trong dịch bệnh. Thông tin cần chính xác nhất hơn là nhanh nhất. Bất cứ một thông tin không chính xác nào về dịch bệnh cũng sẽ dẫn đến những hậu quả, những tác động tâm lý lớn, gây nguy hại cho sức khỏe, kinh tế và xã hội. Các tòa soạn cũng nên ưu tiên kiểm chứng các nội dung do người dùng tạo ra UGC (user-generated content) từ khắp nơi, nhất là mạng xã hội.

Bà Lê Mai Anh - Chủ tịch điều hành Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR)

Quốc Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI