Con trở lại trường giữa mùa COVID-19: Vui hay lo?

01/03/2021 - 06:34

PNO - Mấy ngày này trên Facebook, các bậc phụ huynh chia sẻ những status như: “Chào mừng ngày giải phóng phụ huynh”, “Mừng cha mẹ được giải phóng”… Đó chỉ là những câu từ cho vui, chứ ba mẹ nào cũng lo lắng khi con trở lại trường giữa mùa COVID-19, nhất là các trẻ tiểu học.

Trong hai ngày hôm nay (1/3) và ngày mai (2/3), học sinh, sinh viên tại hai thành phố lớn nhất nước - TPHCM và Hà Nội - sẽ trở lại trường để tiếp tục hoàn thành học kỳ II năm học 2020-2021 sau kỳ “nghỉ tết” kéo dài vì COVID-19.

Dù tình hình dịch bệnh tại các đô thị được kiểm soát, nhưng lác đác các ca dương tính “bất chợt” trong cộng đồng hoặc vượt biên giới trái phép vẫn làm cộng đồng thấp thỏm. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn có lý do để lo lắng trước câu hỏi: phải bảo vệ bọn trẻ như thế nào?

Tuân thủ 5K nhưng vẫn lo…

Khác với cùng thời điểm năm 2020, ý kiến phản đối việc nhập học năm nay khá thấp, dù vẫn có người kiên quyết cho rằng “khi chưa có biện pháp bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh thì không nên để trẻ con đi học, cho dù xác suất xảy ra thảm họa là rất ít đi chăng nữa”.

Theo chị Vân Anh (Hà Nội), nhà trường, phụ huynh và cả học sinh không còn quá lo lắng, hoang mang như trước, ít nhất là về vấn đề tâm lý, bởi chúng ta đều đã có kinh nghiệm tự bảo vệ bản thân trong phòng chống dịch. Các phương án, điều kiện vật chất để giữ an toàn cho cô trò và phụ huynh cũng đều đã sẵn sàng.

“Chúng ta không ở thế bị động như năm ngoái. Cách đây một tuần, giáo viên của các con tôi đã gửi đường link khai báo y tế để phụ huynh điền vào mẫu và gửi về trường ba ngày trước khi bọn trẻ chính thức đi học trở lại. Điều này có thể phần nào kiểm soát được lịch sử di chuyển của phụ huynh và học sinh để thuận tiện hơn trong quá trình truy vết sau này”, chị Vân Anh cho hay.

Các hoạt động ở lớp trong điều kiện bình thường cho thấy nguy cơ cao lan truyền vi-rút
Các hoạt động ở lớp trong điều kiện bình thường cho thấy nguy cơ cao lan truyền virus

Anh Nguyễn Cao Viễn (Q.10, TPHCM) cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào người dân cũng phải chủ động tuân thủ trạng thái “bình thường mới” để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện “5K” (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế), nhưng phụ huynh vẫn rất băn khoăn về việc thực hiện “5K” nơi trường học. “Thực tế là các cháu không thể nào tuân thủ được. Ngay chính người lớn cũng còn khó nữa là”, anh Viễn thở dài.

Trong đại dịch, người dân lại không ít băn khoăn “ứng” với việc thực hành “5K”. Các con kể với anh Viễn, năm ngoái, trước cửa mỗi lớp học đều trang bị dung dịch sát khuẩn, mỗi học sinh đều phải rửa tay trước khi vào lớp. Nhưng khi dịch đã được kiểm soát tốt thì hình thức này đã không còn được áp dụng. Cả quy định đeo khẩu trang bắt buộc dành cho học sinh và giáo viên khi lên lớp cũng thôi.

“Như thế là vô cùng chủ quan. Việc cần và phải làm triệt để lúc này là duy trì ý thức của từng cá nhân trong việc tuân thủ các quy định phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Làm tốt điều đó, tôi mới có lòng tin các con sẽ an toàn khi trở lại trường. Ở đây, đòi hỏi gia đình và nhà trường phải trung thực, nếu có các dấu hiệu sốt, đau họng phải khai báo và chủ động nghỉ học ở nhà”, anh lo lắng.

Băn khoăn nhất của chị Vân Anh lại không phải vấn đề giải pháp phòng, chống dịch bệnh như thế nào, mà chính là năm nay chị có một con gái đang ở lớp cuối cấp. Cháu phải đối diện với hai kỳ thi khó khăn nhất trong đời học sinh. “Tôi lo việc gián đoạn học hành, ôn luyện, trong khi thời gian thi và khối lượng kiến thức cần cho cuộc thi này là không thay đổi so với những năm trước, khiến các con khó khăn hơn, vất vả hơn khi trở lại trường với sự cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường”, chị nhăn mặt.

Anh Trần Đình Vũ (Q.5, TPHCM) lại thấy một trong những sai lầm lớn nhất là: khi ở ngoài đường thì chúng ta tuân thủ đeo khẩu trang khá tốt, nhưng khi nói chuyện với người đối diện lại không đeo. 

Cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trong tình huống cách ly

Ngoài lo lắng về lây nhiễm, phụ huynh một sinh viên đại học năm thứ ba tại TPHCM còn băn khoăn về khoản tiền học phí đáng kể khi COVID-19 hoành hành. Chị cũng lo về các rối loạn tâm lý của con khi cùng lúc chứng kiến nhiều cú sốc liên quan đến tài chính của bản thân và gia đình… và mong nhà trường có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo, cũng là một cách chia sẻ khó khăn với phụ huynh.

Chị Phạm Bình (Q.3, TPHCM) và anh Vũ Nguyên Hoàng (Q.Gò Vấp, TPHCM) đều muốn giám sát cách nhà trường tổ chức lớp học trong diễn biến khó lường của dịch bệnh. Các phụ huynh này đề nghị trường học nên chủ động giảm sĩ số lớp xuống ít hơn và tiếp tục triển khai dạy online ở những môn có thể.

Không ít ý kiến kêu gọi thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phụ huynh, giáo viên, học sinh trước khi đến trường, nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho là không cần thiết. Bên cạnh khẩu trang, khử khuẩn và khai báo y tế thường xuyên, nhà trường cần tránh các hình thức tụ họp dưới sân, nhắc nhở học sinh đi học rồi về nhà, không la cà, đồng thời phải nhanh chóng tăng cường cho các phòng y tế đủ năng lực ứng phó dịch trong trường học.

Phụ huynh Ngô Hoàng Anh (Q.Tân Phú, TPHCM) lại bình tĩnh và khách quan khi cho rằng: dù có yêu con cái hơn cả bản thân thì chúng ta cũng không thể giấu bọn trẻ vào một góc an toàn nào! Trẻ con vẫn phải sống trong dòng chảy thời cuộc. Vì vậy, phải chung tay với toàn xã hội phòng, chống dịch, thậm chí chấp nhận những sơ sót có thể có của người khác. Bởi nếu ca dương tính hay nghi dương tính rơi vào chúng ta, con chúng ta, thì cũng phải dũng cảm chấp nhận, bản lĩnh vượt qua. “Nói như vậy để phụ huynh và nhà trường càng cần phải nâng cao ý thức, thận trọng và kỷ luật. Phải biết rằng chúng ta vẫn còn phụ thuộc sự may rủi thì mới biết sợ, biết lo, biết cẩn thận từng chút”, chị Hoàng Anh khẳng khái.

Ở phương diện cá nhân, chị Hoàng Anh cho hay, ngoài việc rèn luyện cho chính mình và con kỷ luật 5K, cần trao đổi thẳng thắn với trẻ sự thật về “Cô-Vy” ấy. Rủi ro đến bất ngờ mà trẻ chưa sẵn sàng tâm thế cách ly thì thật tệ! Về phía nhà trường, cũng cần giáo dục học sinh sự thật về dịch bệnh bên cạnh phổ biến 5K.

Sự cảnh giác của người mẹ này thúc đẩy tất cả chúng ta chung tay trong thời đại dịch. Chị Hoàng Anh nói: “Tinh thần trung thực phải như một kỹ năng sống sót để các em trao đổi, biện luận tạo ý thức. Điều này rất quan trọng bởi nhà trường và phụ huynh cần minh bạch và trung thực tuyệt đối khi khai báo y tế, vì đã có trường hợp cả cô giáo cũng không trung thực. Hơn bao giờ hết, sự không trung thực vào thời điểm này hệt như vũ khí sinh học tấn công cộng đồng”. 

Quốc Ngọc

 

Chúng ta lo lắng điều gì nhất?

Liệu phụ huynh và nhà trường phải làm gì để giúp học sinh đến trường an toàn trước dịch bệnh? Học sinh tiểu học và trung học thực sự chưa có ý thức tuân thủ 5K. Có bé đọc vanh vách 5K là gì, nhưng việc tuân thủ thì luôn có vấn đề. Do ham chơi nên bé không vệ sinh tay, đeo khẩu trang không đúng cách và quan trọng nhất là quên giữ khoảng cách, trong khi các thầy cô, giám thị không thể theo sát từng bé được. 

Vấn đề nữa là liệu nhân viên trường học, nhất là bảo vệ, bảo mẫu, phục vụ căng-tin… có tuân thủ 5K không?

Vậy chúng ta cần làm gì? Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở các bé ý thức 5K ở mọi nơi, trong đó, quan trọng nhất là đeo khẩu trang, vệ sinh tay và giữ khoảng cách với các bạn. Luôn có chai sát khuẩn trong cặp và có khẩu trang dự phòng cho bé. Khẩu trang đeo một lần không sử dụng lại và nếu thấy bẩn thì nên thay. Dặn bé không được “tiết kiệm” khẩu trang và đeo khẩu trang đúng cách. Tuân thủ hướng dẫn của nhà trường về phòng, chống dịch như giữ khoảng cách khi xếp hàng vào lớp, không di chuyển qua lớp khác nếu không cần thiết…

Ở nhà, phụ huynh nên nhắc nhở các nguyên tắc phòng, chống nhiễm COVID-19 để tạo thói quen tốt khi bé đến trường cũng như đến các nơi công cộng, trong thang máy… Cha mẹ để ý, quan sát các bé đeo khẩu trang cũng như vứt bỏ khẩu trang đúng cách. Nhắc nhở bé vệ sinh tay liên tục khi ra vào thang máy, nhà hàng. Nếu bé có triệu chứng hô hấp: ho, sổ mũi, sốt… cần đưa bé đi khám và xin ý kiến giáo viên chủ nhiệm để quyết định bé có được đến lớp hay không. Khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế tại https://tokhaiyte.vn nếu bé có di chuyển đến vùng dịch, hoặc ra khỏi thành phố.

Về phía nhà trường, cần truyền thông thật nhiều về tuân thủ phòng ngừa COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, như dán hình ảnh sinh động, vui nhộn cho các bé nhìn thấy và tuân thủ “thông điệp 5K” thông qua hình ảnh hoa mai năm cánh; hình ảnh vệ sinh tay và đeo khẩu trang đúng cách. Các hình ảnh cần bố trí nhiều nơi - cổng trường, trước lớp học, đặc biệt là ở trong lớp học - để các bé thấy và tuân thủ. Phát loa tuân thủ 5K trong giờ ra chơi, giờ chuyển tiết học, khi ra về. Giám thị, bảo vệ giám sát, nhắc nhở nhiều hơn cho học sinh về tuân thủ 5K.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh (TPHCM)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI