Con tôi lúc nào cũng cần tiền, tôi nghi ngờ cháu đang sử dụng ma túy

25/09/2022 - 14:15

PNO - Nếu bây giờ chị gọi con về, bắt con đi kiểm tra ma túy, chị nghĩ rằng chị sẽ giúp được gì con bằng điều đó?

Kính gửi chị Hạnh Dung!

Con trai tôi 19 tuổi, đang học đại học xa nhà. Từ nhỏ tính cháu ít tâm sự chia sẻ với bố mẹ, bố cháu đi làm xa, tính lại khô khan, nóng nảy, ít gần gũi con.

Khi cháu còn nhỏ tôi nói cháu còn nghe lời, càng lớn cháu càng tỏ ra coi thường mẹ, cãi lại khi tôi nói điều gì động chạm đến bạn bè hoặc sĩ diện của cháu. Chỉ có bố cháu nói thì cháu không dám cãi, nhưng tôi biết cháu không thực sự nghe lời, chỉ lặng im cho qua.

Năm cháu học lớp 10, thấy cháu hút thuốc lá điện tử, gia đình đã nhắc nhở, ngăn cấm, sợ trong thuốc lá điện tử kẻ xấu cho ma túy vào nên bắt cháu làm test, kết quả âm tính. Sau lần đó cháu hứa không dùng nữa.

Nhưng gần đây, sau khi cháu vào đại học, thời gian đầu học online ở nhà tôi lại phát hiện cháu hút thuốc lá điện tử, tôi nhắc nhở cháu cháu nói là cháu không nghiện, thích thì hút thôi, mẹ đừng nghĩ hút thuốc lá điện tử là xấu, con không dại mà dính vào ma túy. Và rồi cháu vẫn hút giấu bố mẹ, nhưng tôi biết được qua cảm nhận mùi hương trên phòng cháu.

Bốn tháng nay cháu đi học trực tiếp, xa nhà ở trọ một mình một phòng. Mọi chi phí thuê phòng, sinh hoạt, tôi cho đầy đủ hàng tuần. Chưa kể khi cháu đỗ đại học, các cô bác cho tiền, tôi cũng đưa cháu giữ để chủ động khi cần.

Vậy mà gần đây, tôi thấy cháu lúc nào cũng cần tiền, tìm mọi lý do để xin thêm tiền, tôi còn biết cháu vay nợ trên mạng và học nợ môn.

Tôi lo lắng không biết cháu dùng tiền làm gì? Chỉ lo cháu dính vào ma túy nên định yêu cầu cháu làm test xem, nhưng giờ cháu lớn rồi, nếu không phải có làm tổn thương cháu, và làm cháu càng xa lánh bố mẹ không?

Xin chị cho lời khuyên! Trân trọng!

Mai Lan Anh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Mai Lan Anh thân mến,

Rất thông cảm cho những nỗi lo lắng của chị, và Hạnh Dung hiểu rằng chị bị tác động bởi thông tin bên ngoài khá nhiều về những tệ nạn trong giới trẻ.

Tất nhiên, giá như con mình đừng bắt đầu hút thuốc, dù là thuốc gì đi chăng nữa, thì cũng tốt hơn. Nhưng so với việc những người trẻ hiện nay hút thuốc lá hàng hai chục điếu mỗi ngày, và rất nhiều người gần như không thể cai nghiện được sau vài năm sử dụng thuốc lá, thì việc con chị sử dụng thuốc lá điện tử lại là một điều may mắn hơn nhiều. 

Tuy nhiên, Hạnh Dung nhìn thấy vấn đề lớn hơn nữa ở đây chính là sự giao tiếp của chị và con.

Chị có bao giờ tự hỏi vì sao con không thể trò chuyện, chia sẻ với chị và chồng chị bất cứ điều gì hay không? Trong khi nhu cầu chia sẻ là của hầu hết mọi người, nhất là những đứa trẻ từ thời thơ ấu cho tới khi trưởng thành. Vì sao con chị đóng cánh cửa lại trước mặt chị.

Con người ta, nhất là ở lứa tuổi dậy thì trở lên, thì nhu cầu được lắng nghe, được kể chuyện, được tâm sự, được nói ra những điều mình suy nghĩ, lo lắng hay sợ hãi rất lớn. Nhưng đa phần người lớn chúng ta không biết lắng nghe, chúng ta chỉ thích răn dạy, thích khuyên bảo, thích kết tội, thích trỉ chích trẻ.

Ngay trong câu chị viết đã thể hiện một trong những điều đó: Chị nói rằng khi nhỏ con chị còn "nghe lời", đến lớn, cháu dần hay phản ứng khi động chạm đến bạn bè cháu hay sĩ diện của cháu! Ai không phản ứng với những điều đó hả chị? Người lớn còn phản ứng nhiều hơn là khác. Nhưng chị cho rằng con chị là "con", nên nó "phải nghe lời". 

Chính vì giữa chị và cháu không có được sự giao tiếp, chia sẻ nên chị không thể nào hiểu được con, không biết nó đang có vấn đề gì trong cuộc sống, trong việc học tập, trong suy nghĩ. Chị chỉ luôn "xoi mói" vào cuộc sống của cháu, tìm xem cháu sai chỗ nào, mắc lỗi ở đâu và dạy dỗ cháu với mong muốn cháu phải lắng nghe.

Sự không hiểu biết giữa chị và cháu khiến chị nhìn thấy những nguy cơ xấu trong bất kỳ biểu hiện khác lạ nào của cháu.

Biểu hiện khác lạ đó là gì? Từ một đứa trẻ sống trong gia đình, bước ra đời tự lập, cháu khó lòng có thể học được ngay lập tức cách chi tiêu tiền mình có. Với chị, số tiền đưa cho cháu là đủ, nhưng chuyện các cháu không kiểm soát được tài chính của mình trong một khoảng thời gian đầu, khi mà cháu bắt đầu được độc lập, trong môi trường mới, có bạn bè, giao tiếp mới, mà có khi chỉ một bữa tụ tập cũng làm bay hết tiền cha mẹ cho trong một tháng.

Chuyện này Hạnh Dung đã biết, đã nghe được từ khá nhiều bạn trẻ. Huồng hồ cháu mới chỉ bắt đầu cuộc sống tự lập có bốn tháng, khoảng thời gian quá ít ỏi để cháu học được cách chi tiêu. 

Nếu chị có lòng tin vào cháu, muốn hiểu biết cháu, và thể hiện việc muốn giúp đỡ cháu, chị cần có những cuộc trò chuyện như bạn bè với cháu về việc chi tiêu. Vì sao cháu thiếu tiền? Hãy chỉ cho cháu cách quản lý tài chính của mình thế nào, thậm chí động viên cháu có thể bắt đầu vừa học, vừa làm, tự kiếm tiền cho những nhu cầu bạn bè giao tiếp của mình, để cháu được chủ động. Và đó cũng là những cơ hội để cháu trưởng thành.

Nhưng thay vì tìm hiểu, cảm thông, tin tưởng con mình, thì điều chị nghĩ đầu tiên lại là ma túy. Nếu bây giờ chị gọi con về, bắt con đi kiểm tra ma túy, chị nghĩ rằng chị sẽ giúp được gì con bằng điều đó? Hay kết quả mối quan hệ, thấu hiểu, chia sẻ giữa con chị và chị sẽ càng tồi tệ, căng thẳng, đầy nghi ngờ, đề phòng nhiều hơn?

Chẳng một ai có thể mở lòng với người mà họ biết rằng luôn luôn chờ đợi để kết tội mình, coi mình là một người không nghị lực, ý chí, bản lĩnh, để tin cậy và thương yêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu chị bắt con test, và kết quả âm tính, chị sẽ phải làm gì để sửa chữa vết rạn nứt quá lớn đó? Xin lỗi con hay sao? Hứa rằng từ nay mẹ sẽ không nghi ngờ con nữa hay sao? Hay thản nhiên, mặc kệ tâm trạng tổn thương của con, chỉ cần mình được yên lòng là đủ?

Còn nếu như điều xấu đó xảy ra, là kết quả dương tính, chị sẽ làm gì? Xích chân con lại đưa con đi cai nghiện? Hay báo công an? Hay vật vã khóc than cầu xin đe dọa? Hay cố gắng thuyết phục con dựa vào gia đình để có thể cai nghiện?

Vậy thì sao không bắt đầu mọi thứ từ cái kết quả có thể mà mình đặt ra: Tìm cách hiểu con, khai mở lại con đường giao tiếp giữa bố mẹ và con. Từ đó, chị sẽ cảm nhận được con mình tốt hơn, để hiểu con, và để có thể trở thành nơi tin cậy nhất cho cháu dựa vào, nếu có những vấn đề của cuộc sống khiến cháu hoang mang, lo sợ đến mức có thể phải tìm đến những sự trợ giúp khác ngoài gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI