Con muốn biết về cha

25/04/2021 - 11:42

PNO - Em biết mẹ đã quyết định quên đi, không nhắc chuyện cũ nhưng trong lòng em vẫn nghĩ đến cha ruột của mình.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 25 tuổi, đang làm việc ở thành phố. Từ khoảng hai năm nay, khi ra trường đi làm, bắt đầu có tiền lương tự trang trải cho cuộc sống, em hay nghĩ về việc mình là con ai, ba em thực sự là người như thế nào. Mẹ em không bao giờ trả lời những câu hỏi đó nhưng bà ngoại có lần đã nói chuyện với em.

Bà nói mẹ em hồi trẻ dại dột, lầm lỡ hay ngang bướng cũng không biết nữa, chỉ biết là mẹ theo một người đàn ông đã có gia đình, ông bà ngoại ngăn cản sao cũng không được, cho đến khi có bầu em, người ta chối bỏ, bắt phá thai, mẹ mới tỉnh ngộ và chấm dứt mối quan hệ đó. 

Mẹ sinh em ra, ông bà ngoại nuôi em được hơn hai tuổi thì mẹ lấy người chồng bây giờ, đón em về nuôi, rồi có thêm hai em nữa. Em vẫn gọi chồng mẹ là ba.

Dù không phải là cha ruột của em nhưng ba vẫn chăm lo cho em như những đứa con khác trong nhà, không hề phân biệt. Em được nuôi ăn học đầy đủ, có nghề nghiệp và chỗ làm ổn định cũng từ công chăm lo của ba mẹ.

Em biết mẹ đã quyết định quên đi, không nhắc chuyện cũ nhưng trong lòng em vẫn nghĩ đến cha ruột của mình. Em chỉ không biết mình nên bắt đầu từ đâu, hỏi mẹ như thế nào để mẹ có thể nói thật cho em nghe.

Gia đình em đang yên ổn, hạnh phúc, em không muốn làm cho gia đình xào xáo, không muốn làm mẹ khổ. Em coi đây là chuyện của riêng em, em muốn hỏi cách để giải quyết mà không làm tổn thương những người thân yêu của mình…

Khánh Hiền (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Khánh Hiền thân mến, 

Nỗi băn khoăn của em hoàn toàn dễ hiểu và cũng có thể nói là chính đáng. Ai cũng có quyền được biết về nguồn gốc, xuất thân của mình. Nhất là trong trường hợp của em, là cha con, mối quan hệ huyết thống có sức gắn kết rất lớn.

Tuy nhiên, đến tuổi này, em cũng đã bắt đầu biết cân nhắc, không phải cứ khăng khăng làm theo ý mình. Đó là điều tốt. Điều này cũng chứng tỏ là mẹ và ba em - dù không phải cha ruột - đã nuôi nấng, dạy dỗ em chu đáo, để em trở thành một người sống có trách nhiệm và yêu quý gia đình. 

Em hãy suy nghĩ xa hơn một chút nữa: nếu em biết ba ruột của mình, em sẽ cư xử với ông như thế nào? Hãy chuẩn bị cho mình một quan điểm, chuẩn bị một cách hành xử, để tránh những cảm xúc bồng bột ảnh hưởng đến mình, đến cả những người thân yêu.

Hãy đặt ra một số giả thiết và chọn cách xử sự. Có phải người đàn ông đó đã không liên hệ gì với mẹ em kể từ khi bắt mẹ em bỏ thai? Liệu người ta có biết em hiện diện trên đời không? Nếu người ta yên ổn với gia đình? Nếu người ta sa sút, cô đơn, đau ốm? Nếu người ta giàu có, hãnh tiến? Liệu gia đình ông sẽ phản ứng ra sao khi thông tin này đến với họ?

Khi em mở một cánh cửa của quá khứ, hàng loạt điều lành điều dữ sẽ đổ vào mình. Em cần chuẩn bị, suy nghĩ thật chín chắn. Khi đủ nội lực, mình mới nên cân nhắc việc mở cánh cửa ấy ra. 

Khi đã thật sự suy nghĩ về chuyện đó, em hãy nói chuyện riêng với mẹ. Hãy mời mẹ đi chơi, chọn một không gian riêng hợp lý chỉ có hai mẹ con và nói với mẹ mong ước của mình. Hãy tôn trọng mẹ, đừng thúc ép.

Người mẹ nào cũng sẽ ngại ngần trước quyết định này nhưng rồi mẹ sẽ hiểu: nay em đã trưởng thành, em có quyền được biết cha mình là ai.

Có thể, sau cuộc nói chuyện đầu tiên, mẹ em sẽ cần một thời gian để suy nghĩ và thu xếp mọi việc, kể cả việc phải nói chuyện với người bạn đời hiện tại của mình. Em hãy kiên nhẫn. Em có thể nói với mẹ những suy nghĩ, những giả thiết và dự định của mình, tình yêu thương trân trọng của mình đối với gia đình hiện tại, với người cha hiện tại.

Từ lúc chào đời cho đến bây giờ, em đã có một cuộc sống yên ổn, được yêu thương, trưởng thành tích cực, bây giờ biết thêm về mình là để cho mình đầy đủ hơn, tốt hơn, chứ không phải để mình bị giằng kéo ra khỏi gia đình, mất đi những gì mình đang có.

Chúc em mãi là người con yêu thương của gia đình.

HẠNH DUNG

Nếu tôi là người trong cuộc:

An Nhi (Hà Nội): Đừng mất công sức và thời gian cho một điều mơ hồ

Chuyện của bạn thật ra không có gì lạ mà vẫn thường gặp trong cuộc đời này. Bạn tôi cũng lặn lội đi tìm bố của mình suốt mấy chục năm, để rồi cuối cùng đối diện với một người xa lạ và không nhìn nhận bạn. Bạn ấy có được gì không thì tôi không biết, nhưng tôi thấy bạn mất nhiều hơn. Khi đó, bạn rất buồn bã và thất vọng. 

Theo tôi, công sinh không bằng công dưỡng. Thay vì mất công sức và thời gian tìm kiếm một cái gì đó thật mơ hồ, bạn chỉ cần sống tốt như từ trước đến giờ. Hãy vun đắp tình thương dành cho gia đình hiện tại của bạn - nơi mọi người luôn hết lòng yêu thương bạn. 

Trúc Phương (Q.5, TP.HCM): Hãy sẵn sàng cho mọi khả năng

Tôi từng đi tìm cha ruột của mình để rồi vô cùng cay đắng khi ông ấy đóng cửa phòng và từ chối gặp tôi. Giờ ông đã qua đời. Tôi cũng kịp về để tang. Chỉ là sau lần đoàn tụ bất thành, tôi biết mình có thêm những đứa em cùng cha khác mẹ. 

Bạn hãy xác định thật kỹ tư tưởng của mình trước khi tìm cha. Hãy nói cho mẹ biết ý định. Chỉ là bạn muốn biết về cha chứ chẳng có ý gì khác, rằng tình cảm bạn dành cho gia đình vẫn vẹn nguyên. Hy vọng mẹ bạn hiểu và ủng hộ bạn. Nếu mẹ bạn không vui, hãy quên điều đó đi. 

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI