Có thể chuyển hóa tế bào ung thư ác tính thành tế bào lành tính

02/09/2023 - 06:44

PNO - Các nhà khoa học Mỹ vừa chứng minh được tính khả thi của nghiên cứu biến tế bào ung thư thành tế bào lành tính.

 

Ảnh chụp các tế bào u, sau khi được biệt hóa đã thay đổi hình dạng và thể hiện các thuộc tính của tế bào cơ bình thường – Ảnh: Cold Spring Harbor
Ảnh chụp các tế bào u, sau khi được biệt hóa đã thay đổi hình dạng và thể hiện các thuộc tính của tế bào cơ bình thường – Ảnh: Cold Spring Harbor

Nhóm nhà khoa học ở bang New York, Hoa Kỳ công bố bước tiến mới trong nghiên cứu điều trị ung thư cơ vân ác tính (rhabdomyosarcoma – RMS), chứng minh khả năng chuyển hóa tế bào ác tính thành tế bào lành tính.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Christopher Vakoc của Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor ở bang New York cho biết: “Sự thành công của mỗi loại thuốc đều có câu chuyện riêng về nguồn gốc. Nghiên cứu của chúng tôi chính là mảnh đất để từ đó các loại thuốc mới được sinh ra”.

Chuyên gia này cho biết, ung thư là loại bệnh phát triển khi các tế bào phân chia không kiểm soát và phá hủy các mô của cơ thể. Người bệnh không thể khỏi bệnh hoàn toàn chừng nào các tế bào ác tính còn tồn tại.

Trong đó, RMS là bệnh ung thư thường thấy ở trẻ em và thanh thiếu niên, thường bắt nguồn từ cơ vân, còn gọi là cơ xương, khi các tế bào trong đó đột biến, bắt đầu sinh sản và lan rộng khắp cơ thể. Ung thư RMS có độ ác tính cao, tỷ lệ sống sót của nhóm nguy cơ trung bình chỉ khoảng 50%.

Trong quá trình nghiên cứu cách điều trị RMS, nhóm của ông Vakoc đã phát hiện lựa chọn khá “hứa hẹn” được gọi là liệu pháp biệt hóa. Các nhà khoa học nhận thấy các tế bào ung thư chưa trưởng thành hoàn toàn có thể được “biệt hóa”, nghĩa là bị ép buộc tiếp tục phát triển và trở thành tế bào trưởng thành lành tính.

Theo đó, giáo sư Vakoc và nhóm của ông đã tạo ra một kỹ thuật sàng lọc di truyền mới. Dựa trên việc triển khai công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà nghiên cứu đã theo dõi các gen mà khi đột biến sẽ buộc các tế bào ung thư RMS chuyển hóa thành tế bào cơ không gây hại.

Nhóm của ông Vakoc đã thử nghiệm loại protein có tên NF-Y nhằm thúc đẩy khả năng tạo ra đột biến nói trên. Bước tiến trong nghiên cứu của ông chính là việc phát hiện mối quan hệ giữa protein NF-Y và ung thư RMS, là cơ sở của phản ứng dây chuyền cần thiết để thực hiện liệu pháp biệt hóa cho bệnh nhân.

Giáo sư Vakoc cho biết: “Khối u mất tất cả các thuộc tính ung thư. Các tế bào ung thư, từ chỗ phân chia không kiểm soát, dần chuyển thành các tế bào chuyên biệt của khối cơ. Một khi tế bào ác tính chuyển thành tế bào cơ lành tính, chúng không thể quay lại quá trình nhân lên như trước”.

Vị chuyên gia cho biết, công nghệ này cũng có thể áp dụng thực tế cho các loại ung thư khác. Nghiên cứu là tiền đề để các nhà khoa học trong tương lai có thể hoàn chỉnh liệu pháp chuyển hóa các khối u thành tế bào khỏe mạnh.

Giáo sư Vakoc giải thích: “Công nghệ này có thể cho phép bạn giải quyết bất kỳ bệnh ung thư nào, miễn là có cơ sở để biệt hóa tế bào ung thư. Đây là một bước tiến quan trọng để làm cho liệu pháp biệt hóa trở nên thực tế và dễ tiếp cận hơn”.

Trường An (theo Wion)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI