Cổ phục trong phim Việt: Cái đúng là cái đẹp

12/09/2020 - 16:59

PNO - Những tranh cãi xung quanh cổ phục của dự án phim "Quỳnh hoa nhất dạ" cho thấy công chúng cần cái đúng trước khi cảm nhận được cái đẹp của phục trang.

Hầu như dự án phim cổ trang Việt nào cũng tạo sóng dư luận về khâu phục trang, nên không có gì lạ khi dự án mới của người mẫu-diễn viên Thanh Hằng làm về nhân vật lịch sử Thái hậu Dương Vân Nga vừa tung hình ảnh đầu tiên về phượng bào của nhân vật đã nhận nhiều tranh cãi, góp ý.

Mấu chốt dư luận phản ứng nằm ở chỗ bộ trang phục màu đỏ - một trong năm lớp áo giao lãnh - được nhân vật chính mặc lại mang hơi hướm triều đại Mãn Thanh Trung Quốc rất rõ với phong cách tà áo kéo từ trái qua phải và giữ lại bằng hàng nút tàu.

Trong khi đó, áo giao lãnh của Việt Nam có thiết kế và cách mặc đúng là khoác ngoài yếm lót, mặc cùng váy đen và thắt lưng như áo tứ thân, chỉ có điều hai vạt trước buông thả chứ không buộc trước bụng.

Việc một bà hoàng Việt Nam thời thế kỷ thứ X được các nhà làm phim trong nước khoác lên người bộ xiêm y hao hao những phụ nữ Trung Hoa ở thế kỷ thứ XVII rõ ràng không thể chấp nhận.

Phượng bào trong dự án Quỳnh hoa nhất dạ bị phản ứng vì có dạng thức giống trang phục triều Mãn Thanh Trung Quốc
Phượng bào trong dự án Quỳnh hoa nhất dạ bị phản ứng vì có dạng thức giống trang phục triều Mãn Thanh Trung Quốc

Phim dã sử cổ trang là dòng chảy hiếm của điện ảnh Việt, do đó nỗ lực đưa một nhân vật lịch sử như Thái hậu Dương Vân Nga lên màn ảnh, nhất là từ một ê-kíp nữ như nhà sản xuất Thanh Hằn và nhà thiết kế Thủy Nguyễn, là điều đáng quý. Càng trân trọng hơn khi qua những hình ảnh hậu trường phục trang cho nhân vật chính, người xem thấy được đây là dự án đầu tư nghiêm túc, thể hiện qua độ tỉ mỉ công phu của quá trình sản xuất bộ phượng bào.

Mất 6 tháng bàn thảo, bộ phục trang “đinh” này mới thành hình thì không thể nói ê-kíp làm việc qua loa, chiếu lệ mà hẳn phải có sự tìm tòi, nghiên cứu khá kỹ. Tuy nhiên, sự tìm hiểu ấy hoặc chưa đủ tới nơi tới chốn, hoặc vì chọn chạy theo cái đẹp nên những người thực hiện đã đem đến một bộ trang phục lai căng.

Giả thiết thứ hai được nghiêng về hơn khi trong phản hồi của ê-kíp thiết kế phục trang phim, mà đứng đầu là nhà thiết kế Thủy Nguyễn, cho rằng: "Chúng tôi đã có thể thiết kế nút áo không 'mang âm hưởng Mãn Thanh' nhưng rồi chọn kiểu nút áo này vì nó hài hòa với trang phục. Nút áo là yếu tố trang trí, là chi tiết nhỏ nhưng làm cho bố cục trang phục không lỏng lẻo. Nếu chúng tôi dùng một sợi dây thắt nút giản dị thì chắc chắn không có được sự trang trọng cần có của trang phục hoàng hậu".

trong 5 lớp áo chỉ có lớp màu trắng này được cho đúng là áo giao lãnh
Trong 5 lớp áo chỉ có lớp màu trắng này được cho đúng là áo giao lãnh

Vậy ra, không phải ê-kíp không biết về trang phục thời Đinh-Tiền Lê nói chung hay áo giao lãnh nói riêng (vì 1 trong 5 lớp trang phục - bộ màu trắng - được Thanh Hằng mặc trong hậu trường, có thiết kế và cách mặc đúng) nhưng vì xem trọng cái đẹp, sự hài hòa nên bỏ qua chuyện  đúng-sai và kết quả là bị công chúng phản ứng gay gắt.

Tất nhiên dự án này là một tác phẩm dã sử, không phải chính sử nên nhà làm phim có quyền sáng tạo từ nội dung, bối cảnh đến nhân vật, phục trang. Nhưng một khi đưa một nhân vật lịch sử có thật lên phim, khâu bối cảnh và phục trang cần mô phỏng đúng vì người xem sẽ liên tưởng thời đại đó qua hình ảnh trong phim.

Yếu tố đúng còn quan trọng vì ngày nay phong trào cổ phong khá phát triển, kiến thức của công chúng về trang phục xưa đã “dày” hơn nên bất cứ sự sai lệch nào trong thiết kế phục trang phim xưa đều bị phát hiện và bị phản ứng. Vì vậy, trước khi muốn cho khán giả cảm nhận được cái đẹp của trang phục, ê-kíp làm phim hãy làm đúng đã. Đẹp-xấu tuy nằm ở mắt người nhìn nhưng chí ít, khi trang phục đã được thiết kế “chuẩn”, tự khắc sẽ toát ra vẻ đẹp cần có.

tổng thể trang phục được cho giống Tàu, nhất là thiết kế hàng nút
Tổng thể trang phục được cho giống Tàu, nhất là thiết kế hàng nút

Phục trang trong phim cổ trang Việt đã cho thấy sự tiến bộ từ bộ phim gần đây: Phượng Khấu. Hiện tượng làn sóng áo Ngọc Bình lan tỏa khắp đời sống giới trẻ sau khi phim ra mắt cũng cho thấy, phục trang trên phim hoàn toàn có thể tạo hiệu ứng văn hóa tốt.

Là một dự án ra đời sau, công chúng mong muốn Quỳnh hoa nhất dạ tiếp nối hiệu ứng tốt đẹp đó để phim ảnh làm tròn chức năng quảng bá văn hóa dân tộc. Mọi thứ ở Quỳnh hoa nhất dạ chỉ mới khởi động, ê-kíp còn nhiều thời gian lắng nghe ý kiến khán giả để đưa ra những thay đổi. Việc tiếp thu hay bảo lưu sáng tạo của mình để “hài hòa” như lời nhà thiết kế Thủy Nguyễn giải thích là lựa chọn của đoàn phim nhưng thiết nghĩ, cái đúng mới là cái đẹp.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI