PHỤ NỮ TPHCM: SÂU SÁT VỚI ĐỜI SỐNG ĐỂ MẠNH MẼ TRONG TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN - Bài 1

Có mặt ở từng ngóc ngách để bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em

08/12/2021 - 06:12

PNO - Vì quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, họ sẽ tiếp tục có mặt ở từng ngóc ngách của cuộc sống.

Với chức năng đại diện của giới, trong năm năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở TPHCM đã chủ động lựa chọn các nội dung trọng tâm để thực hiện giám sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Trong năm năm qua, các cán bộ Hội Phụ nữ ở TPHCM đã đi đến không biết bao nhiêu khu phố, bao nhiêu con hẻm, bao nhiêu ngôi nhà, phòng trọ hay các ngôi chợ lớn nhỏ… Vì quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, họ sẽ tiếp tục có mặt ở từng ngóc ngách của cuộc sống. 

Kiên trì với những số phận 
Theo dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021- 2026, năm năm qua Hội LHPN TPHCM đã tổ chức giám sát độc lập 11 nội dung; Hội Phụ nữ các cấp cũng đã tổ chức giám sát hơn 2.000 vụ việc. Để có kết quả này, có thể nói, trong hoạt động của mình, chị em cán bộ Hội đã hết sức nỗ lực hướng về cộng đồng. 

Mới nhất, ngày 26/11/2021 vừa qua, nhận được quyết định tạm hoãn thi hành buộc giao bé N.Q. (10 tuổi) cho mẹ theo quyết định của tòa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cùng các cán bộ Ban Chính sách luật pháp, Hội LHPN TPHCM thở phào. Bé Q. là nạn nhân được các tổ chức Hội can thiệp khẩn cấp đưa về ở với cha do nghi cháu bị xâm hại trong thời gian ở với mẹ.  

Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa trái) - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đang tiếp xúc với bé N.Q. - nạn nhân trong cuộc tranh quyền nuôi con giữa cha và mẹ kéo dài
Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa trái) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đang tiếp xúc với bé N.Q. - nạn nhân trong cuộc tranh quyền nuôi con giữa cha và mẹ kéo dài

Khi cha mẹ ly hôn vào tháng 4/2019, Tòa án nhân dân Q.5 đã giao bé Q. cho mẹ nuôi dưỡng. Hai bên thỏa thuận, khi cha rảnh rỗi, cháu sẽ được đón về nhà ông bà nội chơi. Tuy nhiên, vào ngày 5/1/2020, khi mẹ cháu tới nhà ông bà nội đón cháu về thì Q. khóc xin được ở lại nhà nội.

Thấy lạ, cha cháu gặng hỏi nguyên nhân thì cháu kể đã bị bạn trai của mẹ sờ soạng vào những vùng kín nhạy cảm khi ngủ chung. Gia đình liền đến cơ quan chức năng Q.2 trình báo sự việc. Ngày 6/1/2020, tại Công an P.Bến Nghé, Q.1, mẹ cháu Q. đã đồng ý giao con cho cha và bà nội chăm sóc. Thế nhưng sau đó, chị lại làm đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự Q.5 (nơi cha bé Q. sinh sống) tổ chức thi hành án, giao con cho chị. Kể từ đó, một cuộc tranh giành cháu Q. giữa cha và mẹ bắt đầu và kéo dài. 

Từ tháng 1/2020 tới nay, cháu Q. ở với cha và ông bà nội, có cuộc sống và học tập ổn định. Tuy nhiên, vào ngày 29/10/2021 vừa qua, Tòa án nhân dân Q.5 đã ra quyết định yêu cầu người cha giao cháu Q. cho mẹ của cháu chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngay ngày hôm sau, 30/10/2021, cháu Q. đã viết thư kể lại sự việc và cầu cứu “các cô, các chú” can thiệp để được ở với ba vì “khi ở với mẹ, con cảm thấy lo lắng và nguy hiểm. Con không tin tưởng mẹ nữa mà chỉ tin tưởng mỗi ba”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết: “Sở dĩ suốt hai năm qua, chúng tôi nhất trí không can thiệp để bé Q. được về ở với mẹ là vì: vụ việc dù không được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.2 khởi tố (vì ngoài lời khai của bé Q. thì không có căn cứ nào xác định bạn trai của mẹ bé Q. có hành vi dâm ô đối với bé) nhưng một sự thật là khi ở với mẹ, bé Q. đã phải ngủ chung giường với người đàn ông lạ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy cần để bé ở với cha. Chưa kể, bé Q. đã trên bảy tuổi, việc ở với ba hay mẹ còn tùy vào nguyện vọng của bé”. 

Vụ việc bé Q. tạm khép lại, nhưng còn rất nhiều vụ việc, những số phận khác đang được các cấp Hội kiên trì đeo bám. Từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN thành phố đã phân công luật sư của Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí thuộc Hội tham gia hỗ trợ pháp lý, đeo bám theo dõi việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Có thể kể các vụ việc nổi bật như vụ can thiệp, đòi công lý cho chị Mai Thị Ngọc Vân (P.2, Q.Tân Bình) - người tố cáo thư ký tòa “chạy án”; vụ các bé gái bị nam bảo vệ Trung tâm Hỗ trợ xã hội xâm hại; vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho chị Nguyễn Thị Thanh Huyền từ TPHCM sang Pháp đòi quyền nuôi con…

Trăn trở sau mỗi chuyến đi 

Những ngày cuối năm 2016, đầu năm 2017, để nắm bắt đúng và thực hiện hiệu quả đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ”  giai đoạn 2017 - 2021 (một trong năm công trình trọng điểm của Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ X), chị em cán bộ Hội đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến đi thực tế đến các phòng trọ của những người lao động nhập cư ở khắp thành phố để lắng nghe tâm tư của họ.

Điều băn khoăn đọng lại ở mỗi cán bộ Hội sau mỗi chuyến đi là: Công nhân nhà trọ ở thành phố này thứ gì cũng thiếu. Kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị vốn là lỗ hổng lớn, nhưng cái chật vật kinh tế, cái khoảng trống đời sống văn hóa tinh thần của nữ công nhân làm cho các chị càng trăn trở hơn. Sau đó, cứ mỗi lần có dịp tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề cho công nhân, Hội LHPN thành phố lại tính toán đưa thêm các chương trình văn nghệ và tìm thêm quà tặng để vừa tạo sự cuốn hút, vừa góp thêm chút sắc màu cho cuộc sống vốn đơn điệu của các nữ công nhân, lao động.

Bà Trần Thị Huyền Thanh (bìa phải) - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - giám sát an toàn thực phẩm tại chợ Xóm Chiếu
Bà Trần Thị Huyền Thanh (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - giám sát an toàn thực phẩm tại chợ Xóm Chiếu

Tâm tư, trăn trở đến mất ăn mất ngủ là trạng thái thường gặp phải của nhiều cán bộ Hội trong quá trình giám sát và phản biện xã hội. Tháng 9/2020, sau nhiều chuyến đi thực tế giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chị em trong đoàn cán bộ Thành hội lại canh cánh một nỗi lo khác. Đó là chuyện các chợ truyền thống đang bị chợ tự phát “tấn công, bao vây”.

Chị Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, trưởng đoàn giám sát - nói: “Thương nhân bán trong nhà lồng chợ phải chịu thuế, tiền thuê sạp, lại phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Nếu không quản lý được các khu vực chợ tự phát xung quanh bên ngoài, thì sẽ là quá thiệt thòi cho các thương nhân lẫn người tiêu dùng”. Vậy là thêm một kiến nghị từ cuộc giám sát được trình lên chính quyền thành phố.

Tương tự, trong lần cùng đoàn đại biểu HĐND thành phố giám sát về tình trạng xâm hại trẻ em tại các quận huyện, chị Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố - phát hiện và đã phát biểu thẳng thắn về chuyện địa phương cố tình “che giấu” số liệu trẻ bị xâm hại. Chị nói: “Nếu chúng ta không thẳng thắn nhìn vào thực tế, thì việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này sẽ không đến nơi, đến chốn”. Tiếng nói thẳng thắn ấy đã góp phần cảnh tỉnh các cấp chính quyền, các ban ngành chức năng liên quan phải quan tâm, có thái độ nghiêm túc, thẳng thắn và công tâm trước vấn đề bảo vệ trẻ. 

Nghi Anh - Thiên Ân

Kỳ tới: Bài 2 - Tăng cường tiếng nói của giới vào các chính sách pháp luật

Từ năm 2018, để công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các vấn đề pháp lý nảy sinh được chặt chẽ, hiệu quả hơn, Hội LHPN TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã phối hợp thực hiện tư vấn - trợ giúp pháp lý hằng ngày (trừ Chủ nhật và các ngày lễ, tết) tại trụ sở Hội LHPN thành phố (32 Trần Quốc Thảo, Q.3). Ngoài ra Hội cũng tăng cường hoạt động tư vấn, trợ giúp miễn phí qua số điện thoại 028 39 330 078; 028 62 915 393 hoặc 18009069. 

Từ năm 2017 đến ngày 30/10/2020, các cấp Hội tại TPHCM đã tiếp nhận 190 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực gia đình, bị bỏ rơi, bị bóc lột. 80 vụ việc đã được thụ lý giải quyết, đưa ra xét xử, số vụ còn lại đang được giải quyết. 

(Theo dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ XI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI