“Cò” hộ chiếu trước trụ sở công an: Vấn nạn cần dẹp bỏ

06/05/2022 - 06:22

PNO - H. “mập”, bà Th., ông K., ông M… là những tay “cò” có thâm niên ở khu vực làm hộ chiếu của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TPHCM. Nhóm này ngang nhiên chèo kéo, ra giá với khách ngay trước trụ sở công an. Những trường hợp không đủ hồ sơ, họ cũng nói “bao” được.

Muốn nhanh thì phải… nhờ “cò”!

Một ngày giữa tháng 4/2022, dưới cái nắng như đổ lửa, lượng người đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Công an TPHCM (196 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) để làm hộ chiếu vẫn rất đông. Bắt chuyện với chúng tôi, chị Thy Ngân (ngụ Q.6, TPHCM) lo âu: “Hôm nay em xin nghỉ một ngày để đi làm hộ chiếu, tưởng làm nhanh ai ngờ đông người quá. Thứ tự của em chắc phải chiều mới đến lượt, nên giờ em về, đầu giờ chiều sẽ quay lại”.

H. “mập” đứng trước cổng trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh ra giá 4 triệu đồng để làm hộ chiếu cho trường hợp không có đăng ký tạm trú
H. “mập” đứng trước cổng trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh ra giá 4 triệu đồng để làm hộ chiếu cho trường hợp không có đăng ký tạm trú

Chị Thy Ngân định quay gót thì một người phụ nữ xưng tên Th. (“cò” Th.), khoảng 40 tuổi, tiếp cận: “Làm hộ chiếu phải không chị, đưa đây em đăng ký cho, làm nhanh rồi về”. Một người đàn ông khác bước đến chen vào: “Làm lẹ đi rồi về, chỉ cần đưa chứng minh cho nó, đóng 100.000 đồng là xong, trong vòng 15 phút”. 

Thấy chị Thy Ngân có vẻ ưng thuận, người đàn ông “bàn giao” lại cho bà Th. rồi vội vàng đi kiếm khách khác. Chỉ một lát sau, chị Thy Ngân được bà Th. dắt ra con hẻm bên cạnh trụ sở Phòng QLXNC để làm thủ tục, rồi đi chụp hình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần dịp lễ 30/4, lượng người đến Phòng QLXNC khá đông. Hiện nay, dù có thể kê khai thông tin làm hộ chiếu qua online, nhưng do không thạo thao tác trên mạng nên nhiều người vẫn phải trực tiếp đến trụ sở. Cùng với đó, việc chờ làm thủ tục cũng mất khá nhiều thời gian nên không ít người cảm thấy phiền hà. Lợi dụng điều này, “cò” làm hộ chiếu ngang nhiên lộng hành chèo kéo người dân, vây kín cổng Phòng QLXNC.

Ngày 22/4, trong vai người đi làm hộ chiếu, chúng tôi đến cơ quan này và được hướng dẫn sang hẻm cạnh đó gửi xe. Lúc này, “cò” Th. vừa viết phiếu gửi xe, vừa hỏi han, chào mời khách làm hộ chiếu nhanh. Sau khi thu 10.000 đồng tiền gửi xe, Th. bắt chuyện với chúng tôi: “Anh đi làm hộ chiếu hả?”. Chúng tôi gật đầu, chị ta nói tiếp: “Anh đăng ký làm lần đầu phải không, anh đưa 100.000 đồng em đăng ký giúp, anh lên nộp hồ sơ luôn”. 

“Cò” Th. cho biết, qua “dịch vụ” khách sẽ được làm tất tần tật, người phải đi chụp hình và cầm tờ giấy có sẵn thông tin vào nộp rồi về. Tất cả chỉ mất khoảng 20 phút. “Đưa chứng minh nhân dân là xong, em làm hết”, bà Th. nói.

Gần đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi giới thiệu tên K. đang chèo kéo một thanh niên làm “dịch vụ”. Sau khi nhận “phí dịch vụ” 100.000 đồng, ông K. cầm căn cước công dân của thanh niên thao tác trên điện thoại rồi hướng dẫn anh này đi chụp hình và cam kết sau 15 phút sẽ xong việc.

Tại 196 Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài “cò” Th., “cò” K., còn có khoảng năm người khác công khai chào mời khách làm hộ chiếu qua “dịch vụ” của họ. Mỗi buổi sáng, các “cò” í ới nhau rộn cả một góc đường. Điều khiến nhiều người bức xúc là sự chèo kéo ngày ngày vẫn diễn ra ngay trước cơ quan công quyền nhưng không bị xử lý. 

Thiếu hồ sơ, chi tiền là được?

Sau nhiều ngày quan sát tại Phòng QLXNC - Công an TPHCM, phóng viên phát hiện một “cò” khá có máu mặt là H. “mập”. Mỗi khi có chuyện khó xử lý, những tay “cò” khác thường giới thiệu khách đến gặp người đàn ông này.

“Cò” M. nhận hồ sơ để làm hộ chiếu nhanh cho khách (ảnh cắt ra từ clip)
“Cò” M. nhận hồ sơ để làm hộ chiếu nhanh cho khách (ảnh cắt ra từ clip)

Một nguồn tin cho biết, H. “mập” làm “cò” hộ chiếu từ khi Phòng QLXNC còn ở 161 Nguyễn Du (Q.1). Năm 2015, khi đơn vị này chuyển trụ sở về 196 Nguyễn Thị Minh Khai, H. “mập” cũng “chuyển” theo. Có thâm niên nên H. “mập” được những người cùng nghề rất nể trọng.

Biết chúng tôi là dân tỉnh đi làm hộ chiếu, H. “mập” vào thẳng vấn đề: “Em muốn vô làm liền không? Nếu muốn, anh đăng ký cho vô, làm tầm 15 phút là xong. Chi phí hết 100.000 đồng”. Chúng tôi ra vẻ suy nghĩ thì một người đàn ông khác chạy đến gạ gẫm. H. “mập” thị uy: “Trời ơi, chỗ này người ta đang nói chuyện”. Biết “đụng” phải mối của H. “mập”, người đàn ông vội xin lỗi, lủi đi nơi khác.

Nghe chúng tôi trình bày quê ở miền Trung, chỉ có chứng minh nhân dân chín số, không có tạm trú tại TPHCM, H. “mập” ra vẻ: “Cái này khó quá”. Nhưng ngay sau đó, anh ta đổi giọng: “Nhưng nếu em muốn làm, anh xin cho”. H. “mập” cho biết, nếu bỏ ra khoảng 4 triệu đồng thì chỉ cần sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân là xong. Không cần phải nộp sổ tạm trú như quy định.

Những “ca khó” này, ngay cả những người có thâm niên như “cò” Th. và “cò” K. cũng không xử lý được. Đặc biệt, H. “mập” còn cam kết chúng tôi sẽ nhận được hộ chiếu trong ba ngày làm việc. “Anh nói em nghe, mình có tiền là xin được hết à. Anh xin sếp duyệt trực tiếp luôn. Em làm thứ Sáu, thứ Ba sẽ có hộ chiếu. Em tranh thủ đi, chứ trường hợp em chỉ có chứng minh nhân dân và hộ khẩu là thua rồi. Bỏ ra chút tiền, anh giúp cho. Cố gắng làm sớm trước lễ này”, H. “mập” thúc giục.

Ngoài nhóm “cò” chuyên “vòng ngoài” để chèo kéo người dân làm hộ chiếu “siêu tốc” thì một nhóm khác đứng ở “vòng trong”, ngay cửa trụ sở, để “săn” những trường hợp thiếu hồ sơ, thủ tục.

Thấy chúng tôi từ nơi nộp thủ tục bước ra với vẻ mặt rầu rĩ, “cò” M. chạy đến, vẻ quan tâm: “Làm hộ chiếu chưa?”. Nghe chúng tôi trình bày do vướng thủ tục cư trú nên chưa thể làm, “cò” M. bám theo và dắt chúng tôi ra con hẻm để trao đổi riêng. 

“Cò” M. khẳng định sẽ giúp được chúng tôi. Nhưng khi ông này còn chưa ra giá thì H. “mập” xuất hiện và chỉ tay ra hiệu đuổi “cò” M. đi nơi khác. Ông M. sợ sệt nói với chúng tôi: “Thôi, cái này chỗ thằng em, nó báo giá rồi nên anh không làm”.

H. “mập” tiến đến nói với chúng tôi: “Em đi hỏi ai cũng vậy à, cũng giá đó thôi. Mấy thằng kia đôi khi nó làm còn cao hơn anh đó. Đi về chuẩn bị hộ khẩu đi, anh làm cho, không có phải sợ gì đâu”.

Để tạo lòng tin cho chúng tôi, H. “mập” còn lấy điện thoại ra khoe rất nhiều hình ảnh hồ sơ và hộ chiếu của rất nhiều người mà ông ta đã giúp làm thành công. “Nè, em thấy chưa, anh làm cho người ta tùm lum luôn. Hà Nội, miền Bắc còn làm được đầy trong đây luôn nè. Trường hợp của em phải về quê làm nhưng anh giúp làm ở đây được, chứ em về quê tiền tàu xe cũng vậy thôi”, H. “mập” thuyết phục. 

Cần làm rõ xem “cò” hộ chiếu có lừa đảo?

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định hiện hành, hồ sơ làm hộ chiếu bao gồm: tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu; hai ảnh 4x6; chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Đối với trường hợp chưa làm thẻ căn cước công dân và làm hồ sơ tạm trú thì cần phải có thêm sổ tạm trú.

“Từ quy định trên, việc các đối tượng “cò” gạ gẫm người dân tạm trú rằng: chỉ cần có chứng minh nhân dân chín số và hộ khẩu là có thể làm được hộ chiếu là bất thường. Có hai tình huống có thể xảy ra: hoặc là “cò” thông tin không đúng sự thật để lừa đảo chiếm đoạt tiền của dân; hoặc là các đối tượng phải tìm cách móc nối với người thực thi công vụ để “xé rào” làm sai quy định. 

Hình ảnh cò mồi chèo kéo người đi làm hộ chiếu ngay trước trụ sở công an là hết sức xấu xí, phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan công quyền. Cho nên cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng trên cũng như xem có sự lừa đảo hay “xé rào” làm sai quy định hay không”, luật sư Đức phân tích.

Quy định hiện cho phép thực hiện tờ khai điện tử để xin cấp hộ chiếu với những thao tác rất đơn giản, dễ dàng, người dân có thể tìm hiểu cách thức và thao tác trên điện thoại thông minh mà không cần phải qua “cò” để tránh bị mất tiền uổng phí. Ngoài ra, khi cần liên hệ với cơ quan chức năng, người dân cũng không nên liên hệ qua các đối tượng cò mồi. 

“Về lâu dài, cũng cần tính đến giải pháp giải quyết cho những người có nhu cầu làm hộ chiếu nhanh, khẩn cấp bằng cách thu tăng thêm một khoản phí”, luật sư Đức chia sẻ.

 Nhóm phóng viên

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI