Có cách giải bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh

13/01/2020 - 10:39

PNO - Chỉ còn tám tháng nữa, các trường tiểu học sẽ áp dụng dạy học chương trình và sách giáo khoa mới từ lớp Một với tiếng Anh là môn bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Trong khi đó, công nghệ có thể giúp việc học ngoại ngữ hiệu quả, nếu nhà quản lý biết nhìn xa.

Brad Nguyễn, một người Việt ở Mỹ đã manh nha ý tưởng về một dự án học tiếng Anh hiệu quả dành cho mọi người. Ý tưởng này xuất hiện khi anh nhìn thấy những bạn trẻ chơi game trên công nghệ thực tế ảo AR/ thực tế ảo tăng cường VR nói tiếng Anh rất tốt, nhờ có cơ hội nói chuyện  trực tiếp với những người chơi ở nước ngoài.

“Cách học tiếng Anh tốt nhất là có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài, vì học ngôn ngữ là phản xạ, chứ không phải học thuộc lòng. Chi phí học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ đắt đỏ là do cơ sở vật chất và giáo viên người nước ngoài. Nếu có thể tạo các “phòng học” (giống các room chat trên game) để mỗi người học kết nối với một gia sư người nước ngoài ở cùng độ tuổi, thì việc học, giao tiếp tiếng Anh sẽ rất hiệu quả mà giá rẻ hơn rất nhiều. Hơn nữa, công nghệ AR/VA sẽ giúp hai bên “gặp nhau” trong không gian như thật”, Brad Nguyễn cho biết.

Việc học tiếng Anh sẽ hiệu quả nếu giao tiếp với người nước ngoài
Việc học tiếng Anh sẽ hiệu quả nếu giao tiếp với người nước ngoài

Ý tưởng này về sau phát triển thành mô hình Personalized learning (học theo cá nhân), học nhiều môn học khác không chỉ riêng môn tiếng Anh. Khi tìm hiểu về thị trường giáo dục quốc tế, anh nhận thấy rằng cũng như các trung tâm Anh ngữ, các trường quốc tế tốn nhiều chi phí cho việc mua lại các chương trình giáo dục từ nước ngoài, đồng thời cũng tốn nhiều chi phí cho cơ sở vật chất và giáo viên. Trong khi đó, hầu hết các trường trung học và đại học ở nước ngoài đều có chương trình học trực tuyến lấy bằng của trường.

Brad Nguyễn nói: “Một nhóm học sinh hay một trường nào đó muốn học online và nhận bằng trung học của một trường ở Mỹ, tôi có thể xây dựng cho họ dựa trên ứng dụng tôi đang phát triển. Chương trình này sẽ rất rẻ so với việc học ở các trường quốc tế hiên nay, và bằng cấp có giá trị ở Mỹ, Canada và đa số các nước châu Âu”. So với chương trình học tại Viêt Nam, thì chương trình học trực tuyến nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, các môn khoa học, lịch sử, sinh học, nổi bật ấn tượng hơn với sự giúp đỡ của công nghệ AR. Việc tiếp thu, ghi nhớ kiến thức sẽ nhanh hơn, việc dạy và học sẽ hiệu quả hơn.

Thực ra, ứng dụng công nghệ để tạo một không gian giáo dục thuận tiện và chi phí thấp đã được Hùng Trần, một startup thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) xây dựng từ mười năm về trước. Thời đó, Hùng Trần đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ. Anh và bạn cùng lớp Thomas xây dựng mô hình gia sư trực tuyến tên là Tutor Universe.

Lúc đó, phí gia sư tại Mỹ khá cao, từ 50 - 75 USD/giờ. Mô hình này giúp học sinh tương tác trực tuyến với nhau ngay trên nền tảng trung gian kết nối các gia sư mọi cấp độ khắp mọi nơi. Tutor Universe chỉ đóng vai trò trung gian chứ không sở hữu bất kỳ gia sư nào. Theo đó, gia sư có thể tự định giá còn sinh viên thì có quyền lựa chọn gia sư và đôi bên chủ động lựa chọn thời gian phù hợp. Thứ hai, giá gia sư khá rẻ so với việc dạy trực tiếp.

Sau này, mô hình đã phát triển và đổi tên thành Got It, một nền tảng chia sẻ “kiến thức như một dịch vụ” (Knowledge as a Service - KaaS) đầu tiên trên thế giới giúp kết nối người dùng với các chuyên gia ở mọi lĩnh vực với chi phí thấp.        

VR ngày càng phổ biến trong các trường học khi nhiều nơi đang đầu tư ngày càng nhiều vào ngành này, dẫn đến một thị trường lớn hơn với các sản phẩm có chi phí rẻ hơn trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Với công nghệ này, học sinh sẽ trải nghiệm hình ảnh thực của mọi vật chứ không chỉ là những mô tả bằng lời trong sách. Công cụ này cũng giúp học sinh thấy rõ từng kiến trúc lịch sử, văn hóa trên khắp thế giới mà không cần phải rời lớp học.

Cũng dựa trên công nghệ, Nguyễn Tiến Huy, nhà sáng lâp Digital Pencil đã cùng đội ngũ Dream Land đã phát triển một chương trình tiếng Anh tương tác trên nền tảng công nghệ, cùng một chương trình dạy tiếng Anh mua bản quyền từ Hàn Quốc. Các bài học tiếng Anh qua truyện đã được làm thành những nội dung đơn giản tích hợp trong các bộ phim hoạt hình tương tác dành cho tuổi tiểu học. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay chiếc Ipad kết hợp với một màn hình tivi là đủ để mọi giáo viên tiếng Anh trình độ trung bình có thể dạy tiếng Anh cho một nhóm học sinh.

Dự án này nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn của việc dạy tiếng Anh ở trường công cũng như ở các vùng sâu, vùng xa. Giáo viên tiếng Anh khan hiếm và trình độ cũng như khả năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Với app này, giáo viên chỉ là người hướng dẫn còn mọi kiến thức học sinh đều học trên app. Dự án này còn đang kêu gọi tài trợ từ các quỹ đầu tư nhằm có chi phí đầu tư 1.500 thiết bị Ipad và màn hình tivi cho các lớp tiếng Anh dạy trẻ em nghèo vùng xa.

Xuân Lộc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hùng Nam 13-01-2020 20:53:50

    Dẫu hiểu học ngoại ngữ nói chung, và tiếng Anh nói riêng, thì giao tiếp rất quan trọng. Nhưng, với thực tế hiện nay, việc ứng dụng công nghệ là không khả thi, thiết bị đâu ra, liệu có đầu tư đủ chăng? Với việc trẻ tiếp xúc công nghệ sớm (chơi game thì nhiều, học thì ít), vậy ai sẽ quản lý?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI