Chuyện vợ chồng giáo viên cùng cắm bản trên "cổng trời bốn không"

07/01/2022 - 07:07

PNO - Để những đứa trẻ ở vùng “cổng trời bốn không” này đến trường học là bấy nhiêu gian khó, hy sinh của giáo viên cắm bản nơi này.


Điểm trường Pa Tết (thuộc Trường mầm non Tà Tổng, xã Tà Tổng, H.Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nằm chon von trên núi cao. Đi từ huyện lị, phải từ sớm hôm trước đến sáng hôm sau mới lên được Pa Tết. Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, nhiều nơi không có đường đi, dấu chân gia súc trên đường mòn còn dày hơn dấu chân người. Để những đứa trẻ ở vùng “cổng trời bốn không” này đến trường học là bấy nhiêu gian khó, hy sinh của giáo viên cắm bản nơi này.

Chính những khó khăn, thiệt thòi của bọn trẻ trên cổng trời Pa Tết đã giữ chân thầy Thích, cô Mừng
Chính những khó khăn, thiệt thòi của bọn trẻ trên cổng trời Pa Tết đã giữ chân thầy Thích, cô Mừng

Đi đường phải dừng xe để… khóc

Đường mòn từ Nậm Ngà đến Pa Tết ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt qua hết quả đồi này đến núi khác. Con đường dài cỡ 20km ấy có những đoạn một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi lởm chởm. Ngày nắng, sương lẫn mây bảng lảng vắt ngang sườn núi. Chạy xe máy, chỉ sơ sẩy một giây là lao xuống vực. Ngày mưa, đường trơn trượt, bùn lầy cuộn đầy bánh xe, dắt bộ còn khó. Vậy mà đã 5 - 6 năm nay, nếu không phải mùa lũ thì một tuần hai lần, cô Chim Thị Mừng và thầy Đao Văn Thích vẫn chạy xuống, chạy lên giữa Pa Tết và thị trấn Mường Tè.

Thầy Thích và cô Mừng cùng là giáo viên mầm non, nên duyên chồng vợ, tổ ấm của họ ở ngay thị trấn Mường Tè. Từ nhà, thầy Thích chạy ngót trăm cây số đồng rừng lên dạy học ở xã Ka Lăng; cô Mừng đi theo chiều ngược lại, lên Trường mầm non Tà Tổng. Năm 2016, đang ở điểm trường chính, cô giáo Mừng xung phong lên Pa Tết làm giáo viên cắm bản.

Cùng một xã, nhưng cô cũng chỉ nghe nói Pa Tết là nơi thâm sơn cùng cốc, đường lên chốn cổng trời ấy không dành cho kẻ… non gan. Bấy giờ, nghĩ mình đang sức trẻ, yêu nghề, thương đám con nít thiệt thòi nơi vách núi cheo leo nên cô Mừng xung phong. Chẳng ngờ ngày lên cổng trời làm giáo viên, đi được nửa đường, cô đã dừng xe, ngồi bên suối khóc nức nở. Đường đi khó, đồng nghĩa với những chuyến về thăm con cũng sẽ thưa dần.

Sau hai năm vò võ giữa cổng trời, cô giáo Mừng có thêm một đồng nghiệp cùng lên cắm bản. Niềm vui nhân lên gấp nhiều lần khi người đồng nghiệp ấy chính là thầy Thích - chồng cô. Ngày ấy, cô Mừng phải chống gậy leo lên đỉnh núi ngoài bản, dò mãi mới có một vạch sóng điện thoại để được nghe duy nhất câu nói của chồng: “Anh đang từ Ka Lăng sang…”.

Thầy Thích xin lên cổng trời cắm bản vì “lần đầu tiên đến Pa Tết tôi mới biết cô ấy vất vả đến thế nào”. Ngay cả thầy Thích, lần đầu lên Pa Tết cũng “đi khoảng vài ki-lô-mét là dừng xe ngồi… khóc một lần”. Thế là thầy quyết định xin chuyển để san sẻ gian truân cùng vợ dạy những đứa trẻ ở nơi này những con chữ đầu đời. 

Neo lại vì bọn trẻ vùng cao

Điểm Trường mầm non Pa Tết không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại. Những ngày không có nắng, mây phủ, trong những lớp học ghép tạm từ cây rừng, cả thầy, cô và trò thường phải căng mắt đánh vần từng chữ trên bảng vì không có đèn thắp sáng. Tối, cô Mừng, thầy Thích ăn cơm bên ánh sáng của chiếc đèn pin. “Nhà” của thầy cô cắm bản cũng tạm bợ như lớp học - nền đất, vách gỗ chẳng bao giờ đủ khít để làm vơi đi tiếng rít của những trận gió đông.

Cô giáo Mừng bảo: Không có điện, không sợ bằng không có nước. Nguồn nước duy nhất của trường phải dẫn về từ mạch suối tít trên cao. “Nhưng đến mùa khô, nước từ trên ấy cũng cạn, chúng tôi phải hứng từng giọt hoặc ra suối cách đó khá xa để gạn từng thùng nước mang về”, cô Mừng kể.

Ngày thầy Thích chưa lên Pa Tết, anh chị có một quy ước, nếu muốn gọi điện thoại cho nhau thì phải trong một khung giờ nhất định. Bởi phải hết giờ dạy trẻ, cô Mừng mới có thể leo lên tận ngọn núi ngoài bản để dò sóng điện thoại. Sau này, thầy Thích “thiết kế” một “chiếc bàn” gỗ, mấy cái ghế kê ở nơi gọi là có sóng điện thoại khỏe nhất bản. Rồi từ chiều đến tối, hai người thay nhau dò mãi mới có sóng để gọi về cho hai đứa con và ông bà dưới thị trấn.

Từ ngày thầy Thích cùng lên đây cắm bản, cuối tuần nào anh chị cũng xuống núi thăm con, “nhưng mùa lũ thì chịu, có khi vài tháng mới về một lần. Mà cũng chỉ có thể đi bộ, men theo đường mòn thôi” - giọng thầy Thích đều đều, vừa như đã quen lắm với cảnh đường sá ngặt nghèo, vừa như giấu đi nỗi nhớ những đứa con thơ ở với ông bà nhiều hơn bố mẹ.

Cắm bản, cũng là thầy Thích, cô Mừng “bỏ” con mình để chăm con người theo đúng nghĩa. Sáng, những tia nắng vén sương rơi xuống dãy lớp học đơn sơ cũng là lúc tiếng trẻ tíu tít đến trường làm ấm lòng cô Mừng, thầy Thích. Gần 60 đứa trẻ từ 2 - 5 tuổi, hầu hết là người H’Mông. Thầy Thích phụ trách nhóm trẻ 2 - 3 tuổi, cô Mừng dạy nhóm 4 - 5 tuổi. Chừng đó đứa trẻ đầu trần, chân đất, mặt mũi lem nhem đến trường.

Thầy Thích đón từng đứa đi rửa mặt mũi, chân tay; cô Mừng thì chải đầu, buộc tóc cho các bé gái. Thầy Thích, cô Mừng không bao giờ quên được những ngày đầu cắm bản Pa Tết. Bấy giờ, những đứa bé đến trường, trên tay đùm một ít cơm trắng, măng cay. Ngày mưa, đường trơn, có đứa ngã sõng soài, cơm trắng, măng cay vãi đầy trên đất; nó vội vàng nhặt nắm cơm, phủi phủi rồi lại ôm vào lòng… Mấy năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà bữa cơm của những đứa trẻ đã là cơm nóng có thịt tại trường.

Thầy Thích tâm sự: “Ngày mới lên đây, tôi cũng buồn và chán nản, không ít lần tính bỏ nghề. Mỗi lần về thăm con hay từ thị trấn lên cổng trời, tôi cứ nghĩ đời mình và đời Mừng sao lại phải chọn cái nghề gian khổ thế... Nhưng nghĩ lại, chúng tôi cũng thấy rất vui, có cả một chút tự hào vì đã được thay cha mẹ uốn nắn các cháu từ tấm bé. Chính điều đó đã giữ tôi và Mừng ở lại cổng trời này”. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI