Thầy giáo dân tộc Giáy và hành trình 10 năm gieo chữ cho học sinh vùng cao

20/11/2021 - 13:45

PNO - Thương những đứa trẻ vùng cao khát chữ, hơn 10 năm qua, thầy giáo Hò Văn Lợi vẫn miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao Hà Giang.

Nằm cách biệt giữa bốn bề núi đá cao gần 1.200m so với mực nước biển, Pờ Chừ Lủng là một trong những thôn khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang - từng bị mệnh danh là vùng đất... bị lãng quên.

Hơn 5 năm nay, thầy giáo Hò Văn Lợi và các đồng nghiệp vẫn đều đặn “gieo con chữ” cho các cháu người Mông ở tổ 2, thôn Pờ Chừ Lủng, xã Ngam La (Yên Minh, Hà Giang).

Con đường từ nhà đến trường phải đi xe máy mấy tiếng đồng hồ qua những con đường nhỏ hẹp, trơn trượt vắt ngang qua sườn núi cheo leo rồi để xe máy ở ven đường để lội bộ 2 tiếng mới vào đến điểm trường, có những hôm mưa lớn thì phải đi bộ 3 tiếng.

Con đường thầy Lợi và đồng nghiệp của mình đến trường
Con đường thầy Lợi và đồng nghiệp của mình đến trường

Là người dân tộc Giáy nên thầy Lợi càng thêm thấu hiểu những thiệt thòi của con em dân tộc Hà Giang. Vì thế, năm 2015 khi được tuyển về trường, thầy đã xung phong lên tổ 2 dạy chữ cho học sinh người Mông ở Pờ Chừ Lủng, đây cũng là một điểm trường của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Ngam La.

Những ngày đầu nhận công tác, cảm nhận đầu tiên của thầy Lợi là các trường ở vùng cao vô cùng khó khăn, đặc biệt là các điểm trường còn khó khăn hơn gấp bội. 

Mặc dù đôi lúc cũng nản lòng, nhưng tiếp xúc với các em lâu ngày, thầy Lợi lại cảm thấy có một tình cảm rất đặc biệt. Cứ thế, từng chút, thầy Lợi cần mẫn gieo chữ cho học sinh nơi đây.

Thầy giáo Hò Văn Lợi
Thầy giáo Hò Văn Lợi

Sau 5 năm cắm bản, thầy Lợi được phân công về điểm chính công tác nhưng năm học này thầy xin ban giám hiệu được quay về điểm trường cũ thêm một thời gian nữa để đồng hành cùng những học sinh khó khăn tại Pờ Chừ Lủng.

Sau quyết định đó của thầy Lợi, nhiều người gọi thầy là “giáo viên với những quyết định ngược đời".

Nói về những quyết định ngược đời của mình, thầy Lợi tâm sự: “Gắn bó với học sinh ở Pờ Chừ Lủng lâu nay, tôi thực sự không nỡ lòng xa các em. Tôi muốn đem kiến thức, con chữ đến với học sinh, với bà con dân bản, để phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: đi chợ, làm các thủ tục hành chính vì hiện còn nhiều người chưa rõ chữ”.

Dạy học nhiều năm ở điểm bản Pờ Chừ Lủng với vô vàn khó khăn, đến nay điều thầy Lợi nhớ nhất là những khó khăn mà thầy trò ở Pờ Chừ Lủng cùng nhau vượt qua. Thầy Lợi kể, cứ đến khoảng cuối tháng 10 là Pờ Chừ Lủng bắt đầu mưa rét, đường đến trường thì trơn như đổ mỡ.

Học sinh tại điểm trường của thầy Lợi trong giờ ra chơi
Học sinh tại điểm trường của thầy Lợi trong giờ ra chơi

“Khổ nhất là những ngày vừa mưa vừa rét. Học sinh đến trường có lúc ướt hết cả chiếc áo mỏng người run lên theo hơi lạnh. Lập tức tôi phải tìm cây ngô để đốt lửa sưởi ấm cho các em.

Có hôm sương mù bao phủ quanh lớp học nên bảng và bàn ghế bị ướt hết. Lớp học đành tiến hành quanh đám lửa hồng. Nhìn những đôi mắt trong veo học bài dưới ánh lửa bập bùng tôi bỗng thấy ấm áp lạ thường.

Là một giáo viên cắm bản, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất là phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi lẽ, học sinh vùng núi hoàn cảnh rất khó khăn, chưa kể việc tiếp nhận kiến thức cũng chậm hơn dưới xuôi”, thầy Lợi nói. 

Với nhiệt huyết, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trong quá trình công tác, thầy Lợi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. 

Gần 10 năm gắn bó với nghề, trong đó có 5 năm gắn bó với học sinh ở vùng đất Pờ Chừ Lủng thầy Lợi vẫn giữ cho mình một đam mê với nghề giáo. Thầy Lợi chia sẻ, nếu được chọn lại thì thầy vẫn chọn nghề “gieo chữ” cho học sinh...

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI