Đất thép, đất lửa giữa thời bình

Chuyện mở đường trên đất thép Củ Chi

29/04/2021 - 06:12

PNO - Trước năm 1975, người dân huyện Củ Chi (TPHCM) kiên cường bám trụ, chiến đấu ngay trên quê hương “đất thép, thành đồng” xây dựng con đường dưới lòng đất Củ Chi. Nhiều người đã ngã xuống cho ngày độc lập, tự do. Cuộc chiến đi qua, những người ở lại bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Họ tự nguyện hiến đất để mở ra những con đường thẳng tắp chạy đến tương lai.

Những người đi qua sinh tử

Những năm gần đây, tại vùng “đất thép”, hàng ngàn người dân đã xung phong hiến đất để mở rộng đường, góp phần xây dựng quê hương. Trong căn nhà khang trang ở ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, dì Nguyễn Thị Hiền, 74 tuổi, hồ hởi kể: “Hồi con đường số 55 làm xong, nới rộng thành 6m bê tông, người dân hai bên đua nhau trồng hoa trước nhà. Ai đi qua đi lại cũng khen tấm tắc”. 

Con đường mới được làm xong vào năm ngoái thay cho con lộ sình nhỏ xíu khiến cả xóm như “lên đời”. Nhà dì Hiền hiến 60m dài dọc đường, sâu vô 1m, là một trong số hộ hiến đất nhiều nhất để mở rộng đường. Chúng tôi hỏi có đắn đo gì trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” không, dì Hiền phẩy tay: “Qua cuộc chiến, mình còn lại đây là may mắn rồi, góp một chút đất để xây dựng quê hương thì có gì mà phải băn khoăn”.

Dì Hiền kể, sau phong trào Đồng khởi năm 1960, lực lượng cách mạng yêu cầu hình thành các đội chuyên trách hậu cần tại các vùng căn cứ kháng chiến. Năm 1964, khi mới 16 tuổi, dì Hiền rời gia đình theo cách mạng, đi chiến trường miền Đông (tỉnh Tây Ninh) làm công tác hậu cần, tải thương, khám chữa bệnh, thuộc đơn vị D48, Cục Hậu cần miền Nam. 

Dì nhớ như in trận càn Đông Dương năm 1970 (chiến dịch của quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng hòa nhằm truy quét lực lượng Trung ương cục miền Nam đóng trên lãnh thổ Campuchia): “Trận đó tưởng đâu dì chết rồi. Ban ngày, dì theo lực lượng qua sông ẩn nấp, tối lại lén về căn cứ. Có một đêm, lực lượng của ta gặp lính biệt kích Mỹ. Phía trước tối om, còn sau lưng thì pháo đuổi. Lần khác, biệt kích rải máy ghi âm đầy đường, dì cùng một tốp đi qua, bị dội pháo. Dì quá may mắn, mới sống sót”.  

Ông Lại Văn Út - 53 tuổi, ở xã Tân Phú Trung - kể: “Sau giải phóng, gia đình tôi làm lúa. Sau mấy đợt xã chủ trương thay giống lúa, đổi mới canh tác, gia đình cũng bớt nghèo. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi được chính quyền cho vay 40 triệu đồng chăn nuôi bò. Nuôi dư chút đỉnh, tôi nuôi thêm ốc bươu đen”. Dẫn chúng tôi xem trại nuôi ốc bươu đen của mình, ông Út cho biết, vốn nuôi ốc bươu khoảng 15 triệu đồng nhưng sau vài tháng, có thể thu về cả trăm triệu đồng.

Củ Chi đã phát triển vượt bậc về hạ tầng, giao thông
Củ Chi đã phát triển vượt bậc về hạ tầng, giao thông

Nói về việc hiến đất làm đường, ông Út hào sảng: “Tui nói với chính quyền muốn vô bao nhiêu thì vô, chứ đây đâu tính toán gì, vì tui hiểu làm đường đâu phải cho riêng ai”. Quê hương phát triển chính là khát vọng của mẹ ông Út, bà Nguyễn Thị Hạnh. Bà Hạnh có con trai là liệt sĩ Lại Văn Chen, hy sinh năm 1968 trong trận đánh cầu Sông Bé. Nơi anh trai ông Út hy sinh nằm trong vùng tạm chiếm nên gia đình không thể vào nhận xác. “Tụi tôi chỉ biết anh hy sinh ngày đó, được người dân mang đi chôn. Sau giải phóng, gia đình tìm mãi mà không gặp được người từng chôn anh tôi nên cũng không tìm được hài cốt” - ông Út nghẹn ngào. 

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Hạnh vừa trồng lúa, trồng đậu, vừa làm công tác phụ nữ, vận động người dân khai hoang, trao đổi con giống, cây trồng, để giúp nhau thoát nghèo, làm cho quê hương phồn thịnh. “Tui thừa hưởng chiến công của cha anh, tâm huyết của mẹ nên điều gì giúp quê mình giàu đẹp hơn là tui phải làm rồi” - ông Út chia sẻ.

Hiến đất mở đường, làm giàu đẹp quê hương

 “Bây giờ, mưa to đến mấy cũng không đọng nước” - ông Út “khoe” con đường bê tông chạy thẳng tắp trước nhà. Con đường dài chưa đầy 600m này từng là nỗi ám ảnh của ông Út và người dân hai bên. Mùa nắng thì bụi giăng, mùa mưa thì đất nhão sình. Ông Út hồi tưởng: “Hồi đó, mình đi đâu, ra lộ lớn sạch trơn mà về đến con đường này là dơ không chịu được”. 

Năm 2018, UBND xã thông báo mở rộng, nâng cấp con đường, vận động người dân hiến đất theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông Út đã hiến đất với chiều dài 20m, sâu vô 0,5m để nới rộng đường từ 3,5m lên 6m. Sau khi hiến đất, ông còn tốn khoảng 30 triệu đồng để mua vật liệu sửa sang lại sân, cổng. Các nhà lân cận cũng hiến đất làm đường, cũng tự bỏ tiền túi làm sân, làm cổng như ông Út. 

“Đời sống người dân Củ Chi ngày càng khấm khá. Từ vùng trắng trong chiến tranh, sau mấy chục năm, nhà ai cũng khang trang, nhưng nhìn con đường chỉ vài trăm mét dẫn từ lộ lớn vô nhà mình, cứ thấy chán chán” - ông Đào Văn Sơn, 72 tuổi, ở ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, nói về “sự tích” làm đường. 

Hồi đó, mỗi lần mưa to, đường 54 dẫn vô nhà ông Sơn nước chảy thành sông. Ba năm trước, UBND huyện có chủ trường nâng cấp đường này. Ông Sơn là người đầu tiên trong ấp tự lấy búa đập bỏ bức tường rào nhà mình dài hơn 50m, lùi vào 1,5m. “Phải có người tiên phong, người ta mới làm theo” - ông Sơn nói. Theo gương ông Sơn, 89 hộ dân cũng lần lượt hiến đất để Nhà nước làm lại đường 54. Đường được mở rộng từ 3m lên 6m, tráng bê tông, xe hơi chạy một mạch từ lộ chính vô cuối ngõ. Ông Sơn tiết lộ: “Đường làm xong, tự nhiên đất lên giá gấp 5-7 lần, người dân phấn khởi lắm”.

Từ ngày có đường mới, người dân không còn vứt rác bừa bãi ra đường như trước. Ngược lại, họ còn thay phiên nhau ra đường dọn dẹp, quét sạch rác. 

Ở H.Củ Chi, tính từ năm 2016 đến nay, đã có gần 4.000 hộ dân hiến đất để mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới với diện tích hiến gần 300.000m2. Toàn huyện có 253 tuyến hẻm được nâng cấp, chỉnh trang. Trong số các hộ dân hiến đất, có rất nhiều gia đình thuộc diện chính sách, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng. 

Trở về từ chiến trường Campuchia năm 1989 sau 13 năm tham gia chiến trường K, ông Huỳnh Văn Quế - 62 tuổi, ở ấp Chợ, xã Tân Phú Trung - thấy đất quê mình vẫn chưa kịp hồi phục sau chiến tranh, người dân vẫn sống nghèo khó bằng nghề nông. Năm 2016, UBND xã thông báo về chủ trương mở rộng đường. Ông Quế là người đầu tiên xung phong hiến đất. Trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp, ông còn đến từng nhà vận động bà con hiến đất. “Nhà nước cần bao nhiêu, tôi sẵn lòng cho bấy nhiêu. Nhưng, họ chỉ cần 1m sâu, 20m dài” - ông Quế cười. Con đường số 57 được chỉnh trang nhanh chóng. 

Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết, nhờ sự ủng hộ của người dân, Củ Chi đã xây dựng mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, gồm 2.107 tuyến đường và 213 tuyến hẻm, tổng chiều dài 1.434km. Trong đó có 413 tuyến đường bê tông nhựa nóng, dài 431km; 89 tuyến đường nhựa thường, dài 153km; 1.818 tuyến đường bê tông xi măng, dài 850km. Các tuyến đường này liên thông từ huyện đến xã, phục vụ tốt cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và vật tư phục vụ sản xuất. 

Người dân đóng góp gần 35 tỷ đồng để làm đường
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Củ Chi đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng lên trên tất cả các mặt. Từ năm 2016 đến nay, đã có 3.941 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc để làm đường với diện tích 284.832m2, ước tính kinh phí hơn 139,5 tỷ đồng. Người dân cũng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng 253 tuyến hẻm với tổng chiều dài 46,8km, tổng kinh phí 34,8 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Đức Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi

 

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI