Chuyện động trời phía sau vụ án VN Pharma

25/08/2017 - 09:56

PNO - Cơ quan điều tra Bộ Công an từng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Cục Quản lý dược, gắn với các cán bộ liên quan trong việc thẩm định hồ sơ giả cho nhập thuốc, nhưng sau đó đều được “phủi” sạch.

Dư luận không đồng tình với quan điểm của cơ quan tố tụng: không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ này.

Chuyen dong troi phia sau vu an VN Pharma
 

Chiều 24/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về trách nhiệm quản lý của bộ này liên quan đến vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm buôn lậu thuốc chữa bệnh”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (Q.10, TP.HCM). Thời hạn để Bộ Y tế trình báo cáo trước ngày 31/8.
Nếu cơ quan điều tra không vào cuộc, liệu...?

Hồ sơ vụ án cũng như cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu rõ “hành vi” của hàng loạt cán bộ Cục Quản lý dược (QLD) thuộc Bộ Y tế, những người chịu trách nhiệm thẩm định bộ hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty VN Pharma.

Cụ thể, thời điểm xảy ra vụ việc vào cuối năm 2013, ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng, Tổ trưởng tổ thẩm định; ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng phòng Pháp chế và bà Lê Thúy Hương - chuyên viên, thành viên nhóm pháp chế có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita của VN Pharma.

Chuyen dong troi phia sau vu an VN Pharma
Nguyên lãnh đạo VN Pharma nhập lậu gần 10.000 hộp thuốc trị bệnh ung thư không đảm bảo chất lượng.

 Thế nhưng, những cán bộ này không phát hiện Công ty Austin Hồng Kông (đơn vị phân phối) đã hết hạn giấy phép hoạt động và một số nội dung không thống nhất trong hồ sơ, mà vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu. Sau đó, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục QLD (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế) - đã ký duyệt, cấp phép cho đơn hàng trên. Cơ quan tố tụng khẳng định, cán bộ Cục QLD chưa làm hết trách nhiệm được giao.

Theo luật sư Phan Trung Hoài - Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bào chữa cho 1 trong 9 bị cáo, từ tháng 1/2016 (thời điểm Viện KSND Tối cao chưa ra cáo trạng), cơ quan điều tra đã có kiến nghị xem xét trách nhiệm của Cục QLD. “Trong quá trình xem xét hồ sơ để cấp phép nhập khẩu lô thuốc, cục không phát hiện được các giấy tờ giả. Cơ quan chức năng đề nghị Bộ Y tế xem xét những hành vi của một số cá nhân trong Cục QLD có dấu hiệu “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, do những cán bộ này thừa nhận sai phạm, có quá trình đóng góp, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn hậu quả của vụ việc (toàn bộ lô hàng không bị phát tán), nên cơ quan điều tra thấy chưa cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ này”, ông Hoài nói.

Chuyen dong troi phia sau vu an VN Pharma
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên tòa

Chúng tôi cho rằng, vụ việc động trời như vậy, nhưng cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự các “quan to” với lý do trong quá trình điều tra, họ đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra là điều rất khó đồng tình. Tương tự, người dân liệu có thể yên tâm khi trách nhiệm ký duyệt của Cục trưởng Trương Quốc Cường - người có trọng trách cao nhất khi đó trong việc gác cửa cho những viên thuốc chất lượng đến tay người dân - lại cũng được “rũ bỏ” và sau những “lùm xùm” vẫn được lên chức Thứ trưởng? Dư luận có quyền đặt vấn đề, đây có phải là lần đầu Cục QLD để “lọt sổ”?

Theo cáo trạng, sau khi cấp phép nhập khẩu lô thuốc của VN Pharma, “do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc” (sau khi đã… cấp phép), Cục QLD đã yêu cầu các bị cáo đầu vụ là Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giải trình, tiến hành thanh tra đột xuất công ty. Cáo trạng cho rằng cục đã kịp thời niêm phong số thuốc H-Capita không cho đưa ra thị trường, đồng thời yêu cầu công ty ngừng nhập khẩu các thuốc do Công ty Helix Canada sản xuất và có công văn đề nghị Bộ Công an phối hợp xác minh vụ việc.

Thử hỏi, nếu cơ quan điều tra không vào cuộc, liệu Cục QLD có tự giác “phối hợp”? 
Thật khó thuyết phục nếu bảo rằng cán bộ cục không biết chứng từ giả trong khi cục vốn được tiếng xưa này rất “khó” trong việc cấp số đăng ký thuốc (VISA). Tại sao khi xét hồ sơ, cục đã phát hiện “một số nội dung không thống nhất” mà không ngưng cấp, chuyển điều tra ngay?

Có ai “chống lưng”?

Theo thông tin chúng tôi có được, trong danh sách sản phẩm đề nghị trúng thầu của Sở Y tế TP.HCM đợt 1 giai đoạn 2013-2014, số thứ tự 68 và 97 trong hồ sơ trúng thầu với tên thuốc H-Capita dạng viên do Công ty Helix Canada sản xuất, kế hoạch 571.000 viên, do liên doanh Công ty dược Nam Anh (ông Hùng làm phó giám đốc) và Công ty CP Dược phẩm TW1 - Pharbaco trúng thầu với giá 14,6 tỷ đồng.

Điều khó tin là nhà sản xuất - Công ty Helix Canada - không hề có trên thực tế. Và, các giấy tờ nhập khẩu lô hàng là giả mạo. Thông thường, quy trình cấp VISA nhập khẩu thuốc, Cục QLD thẩm định hồ sơ, xác minh nhà máy sản xuất. Quan trọng là thuốc đó phải được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam và rất nhiều thủ tục khác nữa trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Việc Công ty Helix Canada “không tồn tại” nếu cần xác minh, là điều không khó. Thế nhưng, không hiểu tại sao cả hệ thống kiểm soát chặt chẽ như thế lại bị “qua mặt”?

Chuyện động trời, sau khi phát hiện thuốc H-Capita lậu, lãnh đạo Cục QLD đã vội rút thêm giấy phép lưu hành 7 số đăng ký thuốc khác do VN Pharma nhập khẩu, gồm H2K Cirprofloxacin 200, H2K Cirprofloxacin 400, H2K Levofloxacin 250, H2K Levofloxacin 500, H2K Levofloxacin 75, H-Cipox 200 và H-Levo 500. Các loại thuốc này đều ở dạng bào chế dung dịch tiêm, truyền tĩnh mạch có số đăng ký lần lượt từ VN-17877-14 đến VN-17883-14. Theo hồ sơ, các thuốc này cũng do đơn vị “không tồn tại” là Công ty Helix Canada sản xuất.

Trong các văn bản chúng tôi tiếp cận được, Công văn 13134/QLD-KD do Cục QLD ký ngày 1/8/2014 gửi Công ty VN Pharma cho thấy, chỉ trong vòng từ tháng 12/2013- 7/2014, cục liên tục cấp phép cho VN Pharma nhập nhiều loại thuốc của Công ty Helix Canada. Vì sao chỉ trong thời gian ngắn, Cục QLD lại có thể cho VN Pharma nhập hàng từ đơn vị “không rõ nguồn gốc” ồ ạt? Ai “chống lưng” cho những phi vụ này?

Do vậy, việc không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ Cục QLD là không thể chấp nhận. Cục là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành dược nên có nghĩa vụ phải phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề. Còn vì “phối hợp tích cực, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan điều tra” nên không xem xét trách nhiệm hình sự sẽ tạo ra một “án lệ” xấu.

Dễ thấy rằng, động thái mới nhất khi yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về trách nhiệm của mình, cho thấy Chính phủ đã “đo lường” được mối quan tâm chính của dư luận đối với những người được giao phó trách nhiệm, chứ không phải chỉ “xử đẹp” kẻ buôn lậu. 

Kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trao đổi với chúng tôi ngày 24/8, một ngày trước khi tòa tuyên án, luật sư Phan Trung Hoài cho biết, các bị cáo trong vụ án VN Pharma bị xét xử về tội danh buôn lậu. Dấu hiệu đặc trưng của hành vi buôn lậu là buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới, dùng các thủ đoạn gian dối né tránh sự kiểm soát của hải quan cửa khẩu để mang vào Việt Nam. 

“Tôi cho rằng 9.300 hộp thuốc H-Capita này được nhập khẩu vào tháng 4/2014, tức là sau 4 tháng được Cục QLD cấp phép, như vậy lô hàng này đã nhập khẩu hợp pháp dựa trên giấy phép hợp pháp của cục”, ông Hoài nói.

Ông Hoài cho rằng có ba vấn đề pháp lý cần đặt ra. Thứ nhất, Cục QLD vừa là cơ quan cấp phép nhập khẩu, vừa là chủ tịch hội đồng giám định về chất lượng thuốc là không bảo đảm sự vô tư, khách quan. 

Vấn đề thứ hai, nổi lên ở kết luận giám định là chất lượng thuốc, dư luận nói là thuốc giả, nhưng thật ra, 97% hoạt chất capectitabine đã dược điển thế giới và Việt Nam công nhận là chất chữa trị ung thư. Như thế, chất lượng giám định có vấn đề. Theo ông Hoài, nếu nói là thuốc không đủ điều kiện tiêu chuẩn để sử dụng cho người thì lại mâu thuẫn với kết quả kiểm nghiệm “thuốc đạt chất lượng” của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM.

Vấn đề thứ ba liên quan vụ án, đó là câu chuyện ai là người làm giả các giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada? Cáo trạng thể hiện ông Raymundo (người Philippines) đưa các giấy này cho Võ Mạnh Cường. Cường đưa cho Nguyễn Minh Hùng. Bản thân hai người này đều tin đây là giấy thật (?).

“Sau này khi cơ quan điều tra tiến hành giám định về kỹ thuật hình sự và xác minh từ phía Đại sứ quán Việt Nam ở Canada mới biết nó là giả. Ban đầu Bộ Y tế cũng tin, các bị cáo cũng tin, như vậy để làm rõ trách nhiệm, cần phải truy xuất cả nguồn gốc phát sinh của các tài liệu giả và điều tra làm rõ. Tôi đề xuất phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Chất lượng thuốc phải được giám định lại bởi những hội đồng giám định khác vì có mâu thuẫn”, ông Hoài khẳng định.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI