Chuyển đổi môn học lựa chọn: Đừng đặt học sinh vào "thế đã rồi"

13/01/2023 - 13:35

PNO - Nhiều người trong ngành cho rằng, quy định của Bộ GD-ĐT về thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề vào cuối năm học đang đặt cả nhà trường, học sinh vào "thế đã rồi".

Khó cho cả học sinh, nhà trường

Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), việc chuyển đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho học sinh khối 10 đã được trường hoàn chỉnh ngay giữa học kỳ I. Từ kết quả này, nhà trường thực hiện khảo sát, nếu học sinh có nguyện vọng làm đơn chuyển đổi, nhà trường sẽ trao đổi với học sinh, phụ huynh và có hướng giải quyết phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứng nhắc về thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn thì sẽ gây khó cho học sinh, nhà trường
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứng nhắc về thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn thì sẽ gây khó cho học sinh, nhà trường

"Sau khoảng 8 tuần học tập, học sinh bước đầu định hướng được mình có thực sự yêu thích môn học hay không, có phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em sau này hay không để đề xuất nguyện vọng chuyển đổi. Các trường hợp này sẽ được trường cung cấp đề cương do tổ bộ môn xây dựng để tự ôn tập trong khoảng 1 tháng. Sau đó, các em sẽ làm bài kiểm tra chuyển môn. Nếu đạt từ 5 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện xếp lớp mới" - cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì - cho hay.

Từ thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trong năm đầu tiên với khối 10 tại trường, cô Trúc cho rằng nếu quy định "cứng" học sinh chỉ được chuyển đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập vào cuối năm học thì sẽ vô tình gây khó cho học sinh, nhà trường.

"Kết thúc 1 năm học, để chuyển đổi 1 môn học lựa chọn hoặc nhóm môn học lựa chọn thì khối lượng kiến thức học sinh phải bổ sung sẽ là quá lớn, với nhiều cột điểm học sinh phải hoàn thành. Chưa kể, khi ấn định thời gian cuối năm học, các em sẽ phải kéo dài khoảng thời gian không thích 1 môn học nên chán nản, học tập kém hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm thế học tập của các em...

Ngoài ra, nếu học sinh chỉ được chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề học tập vào cuối năm thì nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng giải pháp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng..." - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Trúc nhìn nhận.

Có con đang học lớp 10 tại TPHCM, anh Lê Văn Thành thông tin, sau khi con có kết quả kiểm tra cuối học kỳ I, nhận thấy con có nguyện vọng đổi nhóm môn học lựa chọn từ tự nhiên sang xã hội, anh đã liên hệ với nhà trường để xin chuyển đổi song nhà trường cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì học sinh chỉ được chuyển đổi sau khi kết thúc năm học, với điều kiện là con và phụ huynh phải làm bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng chương trình của môn học mới.

"Tôi rất bất ngờ với quy định này. Như vậy, học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi khối lượng kiến thức 1 năm học quá nhiều, các con khó có thể tự cam kết ôn tập để đáp ứng được. Đó là chưa kể với quy định này, phụ huynh cũng đang bị kéo vào việc chịu trách nhiệm chuyển đổi môn học lựa chọn của con" - anh Thành bức xúc.

Nên trao quyền chủ động cho nhà trường

Bộ nên trao quyền chủ động cho nhà trường quyết định thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn
Các trường đề xuất Bộ GD-ĐT nên trao quyền chủ động cho nhà trường quyết định thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn

Hiệu trưởng 1 trường THPT tại quận Tân Bình đánh giá, hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của Bộ GD-ĐT quy định việc chuyển đổi thực hiện vào cuối năm học trên hết đã gia tăng thêm trách nhiệm của phụ huynh, học sinh về việc ngay từ đầu phải lựa chọn môn học một cách có trách nhiệm chứ không phải chọn theo cảm tính, chọn đại, chọn bừa mà cần quan tâm đến tính định hướng nghề nghiệp. Về phía trường THPT, cũng phải nhìn nhận để làm tốt hơn nữa công tác tư vấn môn học lựa chọn cho học sinh đầu cấp ở các năm tiếp theo.

"Ngay từ đầu không vội vã lựa chọn môn học và trong quá trình học cũng không nên vội vã chuyển đổi. Học sinh lớp 10 mới chuyển từ bậc THCS nên việc định hướng nghề nghiệp cũng như khám phá sở thích môn học của bản thân chưa thực sự tốt, rất cần nhà trường, phụ huynh phải có sự đồng hành, gợi mở, theo sát ngay từ đầu khi các em chọn lựa môn học. Do làm tốt công tác tư vấn ngay từ đầu nên đến thời điểm này chưa có phụ huynh, học sinh nào có nguyện vọng chuyển đổi" - vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Ông cho biết, nếu tới đây học sinh có nguyện vọng chuyển đổi thì một mặt nhà trường sẽ động viên học sinh theo đến cuối năm học, một mặt trường sẽ bố trí giáo viên tổ chức phụ đạo, hỗ trợ thêm cho các em, đảm bảo đến cuối năm học các em có thể đáp ứng được yêu cầu của môn học mới. Mặc dù vậy, với các môn học không mang tính hệ thống cao như địa, giáo dục kinh tế - pháp luật, học sinh có thể "dễ thở" trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, với các môn học có tính hệ thống cao như lý, hóa, sinh chắc chắn các em sẽ gặp khó, vất vả khi lấy kiến thức trong quá trình chuyển đổi.

Từ những khó khăn trên, nhiều hiệu trưởng tại TPHCM cho rằng để đáp ứng tốt mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo chương trình mới, Bộ GD-ĐT nên trao quyền cho nhà trường quyết định thời gian chuyển đổi môn học lựa chọn và chuyên đề học tập của học sinh khối 10.

"Ở độ tuổi 15, các em chưa đủ lớn để gánh vác trách nhiệm từ đầu phải xác định được đúng nghề nghiệp, môn học mình phải theo đuổi. Chưa kể công tác hướng nghiệp ở bậc THCS chưa thực sự được chú trọng. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp lớp 12 mới chọn lại môn học định hướng nghề nghiệp. Như vậy, nếu cứng nhắc việc chuyển đổi môn học vào cuối năm học sẽ đặt những học sinh có nguyện vọng chuyển đổi vào "thế đã rồi", gây khó cho các em khi tiếp thu kiến thức. Bộ nên trao quyền cho các nhà trường chủ động về thời gian chuyển đổi cho học sinh. Như vậy, sẽ phù hợp với đặc thù của học sinh và nhà trường" - Hiệu trưởng 1 trường THPT tại quận 12 phân tích.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI