Chuyện của nam bác sĩ… “bắt ma” cho bệnh nhân

27/02/2022 - 22:48

PNO - Chỉ khi chính bản thân mắc bệnh, bác sĩ Nguyễn Thái Duy mới cảm nhận rõ ràng nỗi đau mà bệnh nhân của mình đang hứng chịu.

"Bắt ma" cho bệnh nhân

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Duy từng lúng túng trước bệnh nhân đầu tiên bị… ma hành. Bà cụ đến khám vì đau chiếc chân trái. Cúi xuống định thăm khám, bác sĩ Duy ngỡ ngàng bởi chân của bà là chân giả.

“Chân trái của tôi bị cụt vì nổ bom mà tối đến nó vẫn… hiện về gây đau nhức. Tôi đi khám nhiều nơi, ai cũng nói tôi khùng, nhưng tôi tỉnh và tôi đau thật bác sĩ à, đau lắm”, nghe bà cụ van nài, bác sĩ Thái Duy chạnh lòng. Chính anh cũng một vài lần đau nhức khi “ngón trỏ ma” quay về.

Bác sĩ Duy cho biết trước đây anh đã từng biết đến Hội chứng đau chi ma. Đây là hội chứng thường xảy ra với những người không chấp nhận sự thật khi đột ngột mất đi tay, chân hay một bộ phận của cơ thể vì tai nạn, bệnh… Tùy theo sự quan trọng và ảnh hưởng vận động của phần mất đi đó, đau chi ma xuất hiện với tần suất tăng dần, kèm theo đau đớn, nhức mỏi giống như phần chi đó chưa từng bị mất.

Hiện tại, bác sĩ Duy đã luyện tập để ngón tay giữa làm các việc thay thế ngón trỏ, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn cảm nhận được sự có mặt của ngón tay này với cảm giác tê cứng, đau nhức
Hiện tại, bác sĩ Duy đã luyện tập để ngón tay giữa làm các việc thay thế ngón trỏ, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn cảm nhận được "sự có mặt" của ngón tay này với cảm giác tê cứng, đau nhức

“Người bệnh thực sự cảm thấy đau, tê nhức, mỏi, nóng rát… ở những phần tay, chân bị cắt. Ban đầu có thể bệnh nhân sẽ sợ hãi, ám ảnh vì các cảm giác này, nhưng nỗi khổ lớn nhất là khi nói ra, người thân, người xung quanh không ai tin họ. Mặt khác còn nghĩ họ bị tâm thần, ảo giác.

Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đã gặp hiện tượng này sau tai nạn, có người nói ra nhưng có người lại hoang mang không hiểu bản thân mình đang gặp chuyện gì. ”, bác sĩ Duy chia sẻ.

Theo bác sĩ Duy, nguyên nhân đau chi ma có thể do não mỗi người đều có phần lưu trữ thông tin riêng và “chưa kịp xóa” hoặc do người bệnh quá luyến tiếc phần bị cắt cụt, càng nghĩ về nó, càng muốn sử dụng thì não sẽ “không thể quên” được. Lúc này “chi ma” sẽ xuất hiện gây ra hiện tượng đau, tê, mỏi,… Như vậy, để “đuổi ma”, người bệnh cần có các liệu pháp giải tỏa tâm lý, chấp nhận sự thật, tập vật lý trị liệu sử dụng liệu pháp thay thế bộ phận đã mất đi, giúp não “xóa thông tin”. Bằng cách này kết hợp với sử dụng thuốc, dần dần bác sĩ Duy đã điều trị cho cụ bà và nhiều bệnh nhân khác.

Khi được hỏi vì sao chấp nhận và “bắt ma” được cho bệnh nhân, bác sĩ Duy cười: “Ngay cả bác sĩ nếu không trải qua đau chi ma cũng khó có thể nghĩ về hiện tượng này trên bệnh nhân của mình. Bản thân tôi cũng vậy, mấy năm trước ngón tay trỏ ở bàn tay phải đôi khi “hiện về” gây đau nhức và đồng cảm với người bệnh”.

7 năm trước, ngón tay trỏ của bác sĩ Duy được chẩn đoán u xương, phải phẫu thuật cắt bỏ. Với một bác sĩ cơ xương khớp, mất đi một ngón ở bàn tay cầm dao, đây là cơn ác mộng đối với anh. 

Khi đột ngột mất đi một phần cơ thể, sự tiếc nuối, khó chấp nhận dễ làm người bệnh rơi vào hội chứng đau chi ma
Khi đột ngột mất đi một phần cơ thể, sự tiếc nuối, khó chấp nhận dễ làm người bệnh rơi vào hội chứng đau chi ma

“Gần một tháng sau ca phẫu thuật đó, tôi xin đến bệnh viện lại. Khi tôi vào phòng mổ, lúc thấy các bác sĩ bát đầu thực hiện ca mổ cho bệnh nhân, bỗng nhiên ngón trỏ đã bị cắt của tôi… hiện về, tê cứng và đau vô cùng. Hay những lúc tôi gõ bàn phím, sử dụng điện thoại,… cảm giác rất hụt hẫng vì tôi không thể làm gì được hoặc thao tác rất chậm”, bác sĩ Duy nhớ lại.

Ung thư không phải là hết

Để vượt qua trạng thái này, anh mất hơn 1 năm để làm quen, luyện tập cho ngón tay giữa, thay thế ngón trỏ từ việc nhẹ, đơn giản như sử dụng thiết bị điện tử, tập viết, cầm nắm,… đến vận động tỉ mỉ là cầm dao mổ. Trong khoảng thời gian đó, không ít lần “ngón tay ma” gây đau nhức, tê buốt. Dặn lòng không được tiếc nuối, phải từ bỏ để thoát ra. Đến nay, bác sĩ Duy đã quên được sợ hãi, dày vò, tủi thân không chỉ quay lại phòng mổ, anh còn có thể chơi đàn... và “bắt ma” cho nhiều bệnh nhân khác.

Ngoài ra, anh còn nghiên cứu y khoa, cùng các đơn vị, tổ chức xuất bản sách về y học, cẩm nang giáo dục sức khỏe để người dân nâng cao ý thức, nhận biết, chăm sóc sức khỏe ban đầu của bản thân và chủ động phòng bệnh cho chính mình.
Bên cạnh việc tiếp nhận, thăm khám cho bệnh nhân có vấn đề về xương khớp, hiện tại bác sĩ Duy còn đảm nhận chức vị phó Đơn vị Tầm soát và Phát hiện sớm ung thư với quyết tâm tìm ra căn bệnh được cho là “bản án tử hình” của bệnh nhân cũng như “sát thủ” làm không ít bệnh nhân rơi vào khiếm khuyết như mình. Không buồn bã như trước, trong lúc thăm khám, tư vấn cho người bệnh, bác sĩ Duy còn lấy mình làm ví dụ điển hình để bệnh nhân đồng cảm và bớt lo lắng hơn nếu chẳng may mắc bệnh.

Ngoài bắt ma, bác sĩ Duy còn muốn thay đổi nhận thức của người dân rằng ung thư không phải là hết
Ngoài "bắt ma", bác sĩ Duy còn muốn thay đổi nhận thức của người dân rằng ung thư không phải là hết

Anh cho biết: “Có nhiều người cho rằng “sống chết tại trời” nên cứ mặc sức khỏe mình diễn biến đến mức xấu mới đến bệnh viện. Tuy nhiên, ngày nay các tổ chức y khoa trên thế giới đều khuyên mọi người tầm soát ung thư, bởi đây là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng và gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Nếu chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp, cổ tử cung, tuyến vú,... vẫn có thể điều trị khỏi hoàn toàn, ít di căn khi phát hiện sớm”.

Trên hết, mong muốn lớn nhất của anh là thời gian tới các dịch vụ y tế có thể tiếp cận được tất cả người dân, và ai cũng có bảo hiểm y tế, thậm chí là những bảo hiểm bên ngoài để hỗ trợ thêm vấn đề sức khỏe.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI