Chưa thấy yếu tố phá hoại trong vụ 'thuê máy bơm, đường vẫn ngập'

06/07/2018 - 07:55

PNO - Không có cơ sở để kết luận có sự phá hoại khiến máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vận hành không hiệu quả. Đây là khẳng định của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM trong báo cáo vừa gửi UBND TP.HCM.

Chua thay yeu to pha hoai trong vu 'thue may bom, duong van ngap'
Dù có máy bơm “khủng”, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập sau trận mưa lớn khuya 1/6, rạng sáng 2/6. Hình do hệ thống camera ghi lại - Ảnh: D.C.

Tối 1/6 đến rạng sáng 2/6, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng dù máy bơm chống ngập của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung vẫn vận hành. Chủ máy bơm cho rằng, nguyên nhân đường ngập là do “có kẻ phá hoại” làm tắc cống nên nước không chảy về trạm bơm.

Lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao lãnh đạo Sở GTVT chủ trì, làm việc với các bên liên quan để tìm ra nguyên nhân, xử lý, khắc phục. Qua tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến nhiều đơn vị liên quan, Sở GTVT vẫn không tìm được bằng chứng nào liên quan đến nhận định của chủ máy bơm.

Cả Trung tâm Chống ngập TP.HCM, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, UBND Q.Bình Thạnh đều loại trừ khả năng có người phá hoại làm cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh bị tắc nghẽn, máy bơm không có nước để bơm.

Cụ thể, lãnh đạo Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, qua theo dõi hệ thống camera cùng hình ảnh ghi nhận thực tế, trận mưa lúc 22g10 ngày 1/6 kéo dài đến 0g30 ngày 2/6 làm đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập cả 4 làn xe, mức độ ngập sâu từ 30-40cm. Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung có vận hành máy bơm trong khoảng 30 phút đầu trận mưa nhưng do triều thấp nên nước tự chảy ra sông Sài Gòn, đến 0g55 ngày 2/6 thì đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập.

Theo xác định của Trung tâm Chống ngập TP.HCM, tại thời điểm mưa, nước ở hệ thống cống cũ đường Nguyễn Hữu Cảnh thoát ra sông Sài Gòn rất nhanh, do đó có thể lượng nước chảy về trạm bơm (theo đường cống mới) bị hạn chế. Trung tâm này khẳng định nước vẫn chảy về trạm bơm và cho rằng, nhận định “có người phá hoại làm cho cống tắc nước, không về trạm bơm” là chưa có cơ sở.

Về lượng rác trong lòng cống, Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP.HCM xác định đoàn kiểm tra chỉ tìm thấy 3 bao cát, khi vớt lên chỉ nhét đầy vào một thùng sơn. Chướng ngại vật này không thể làm cống tắc nghẽn vì lòng cống rộng đến 1,6x1,6m. Theo công ty này, lần ngập đường trước đây, cống thoát nước cũng thông thoáng.

Qua tính toán khối lượng rác tìm thấy trong lòng cống, đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM xác định, khối lượng chiếm chỗ tối đa của các chướng ngại vật chỉ khoảng từ 15-20% so với tiết diện cống hiện hữu.

“Với tình trạng chướng ngại vật nêu trên, không thể cho rằng đường cống tắc nên nước không chảy về trạm bơm. Nếu cống tắc thì tại sao khi mở cửa phay (cửa ngăn), nước lại chảy được ra sông” - đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM phân tích và đưa ra giả thuyết rằng, chỉ có thể xảy ra tình huống các chướng ngại vật dồn vào một vị trí gây tắc cống, sau đó chướng ngại vật bị phá vỡ trùng với thời gian mở cửa phay nên nước mới thoát được ra sông.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung vẫn cho rằng, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập là do có yếu tố tác động. “Những bao cát và cục bê tông không thể chui qua lưới chắn rác được mà phải có sự tác động của con người mở nắp cống ra để đưa vào lòng cống” - phía công ty này lập luận và đề nghị UBND TP.HCM không tính trách nhiệm cho các bên liên quan trong trận mưa ngày 1/6. 

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI