Chữ “đời” trong văn chương

29/08/2021 - 12:05

PNO - Văn của Nguyễn Thu Hà cứ ào ào như mạch nguồn của sự dồn nén suốt bao nhiêu năm, chỉ chực chờ tuôn tràn. Từ trong ì ầm của sóng chữ ấy, độc giả bắt gặp một sự tinh tế và trầm mặc.

Nguyễn Thu Hà đến với văn chương muộn mằn, sau khoảng đời nhiều trải nghiệm. Những truyện ngắn của chị mới chỉ xuất hiện khoảng một năm nay trên văn đàn nhưng lại gây xôn xao lạ kỳ. Lâu rồi giới văn chương mới “gặp” được một cây bút sắc lạnh trong từng chi tiết; xoay vần với từng nỗi đau, từng thân phận. Chuyện nhà Cún, Chiếc ghế rỗng, A Múi, Ngày định mệnh, Chạy trốn… là loạt truyện ngắn tạo dấu ấn của Nguyễn Thu Hà trong làng văn tựa đóa quỳnh nở muộn nhưng bung tỏa một làn hương quyến dụ. 

Với Nguyễn Thu Hà, văn chương bắt đầu từ cuộc dạo chơi để trút cho vơi nỗi lòng. Vậy nhưng ngay từ khi bắt đầu, chính chị cũng chẳng ngờ rằng càng bước thì đam mê viết lách càng trỗi dậy và chị cứ thế dấn sâu vào văn chương. Cho đến khi cầm trên tay Mê khúc - tập truyện đầu tiên vừa xuất bản - Nguyễn Thu Hà vẫn còn ngỡ ngàng.

Mê khúc gồm năm truyện vừa do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Từ buổi ban sơ gửi truyện cho trang văn chương Quán Chiêu Văn đến lúc được in trên các tờ báo lớn (Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an…), Nguyễn Thu Hà vẫn luôn cẩn trọng với từng trang viết, tỉ mẩn với từng câu chữ.

Nguyễn Thu Hà viết bằng bản năng tinh tế của một phụ nữ trải đời. Bởi đã đi qua nhiều thăng trầm, đã thấm thía nhiều chua cay chát đắng, đã nếm đủ đầy ngọt mặn vui buồn… nên văn chương của chị gói gọn trong một chữ: “đời”.
Chất “đời” ấy hiện hữu rõ nét trong tập truyện đầu tay của chị. Một cô gái mang trong lòng nỗi đau về sự phản bội của cha nên luôn hoài nghi về tình yêu thực sự. Có chàng trai nhà giàu quyết liệt theo đuổi cô. Những tưởng ông trời sắp bù đắp cho cô sau quá khứ buồn, nào ngờ bến bờ hạnh phúc đâu phải dễ dàng tìm thấy... Cuộc tình trải dài hơn chục năm trường với yêu, hận nhưng vẫn si ấy sẽ thế nào khi người ta luôn phân vân giữa ngã ba cuộc đời?

Truyện Tìm nhau nơi dốc mù sương đem đến cho bạn đọc một nỗi thương da diết bởi đan xen vào câu chuyện tình yêu là những nỗi đau đời thực mà chính những phụ nữ đơn thân làm mẹ mới thấu cảm. Cái đau xoáy tận cùng đến lúc nước mắt chẳng còn rơi, trái tim chai sần cảm xúc nhưng trong lòng vẫn còn mãi một ám thị nguyên sơ dành cho tình yêu.

Nguyễn Thu Hà nén tâm lý nhân vật đến tận cùng rồi bung ra bằng cái kết nơi cuối đường tình khiến độc giả trĩu lòng. 
Văn của Nguyễn Thu Hà cứ ào ào như mạch nguồn của sự dồn nén suốt bao nhiêu năm, chỉ chực chờ tuôn tràn. Từ trong ì ầm của sóng chữ ấy, độc giả bắt gặp một sự tinh tế và trầm mặc. Chị điều tiết dòng chảy một cách bình tĩnh và gãy gọn.

Như trong truyện Mê khúc, Nguyễn Thu Hà chẳng cần dụng công để dựng nên câu chuyện mà chính cách kể đầy hấp lực của một người viết từ bản năng đem đến cho độc giả sự tâm đắc. Cứ thế tác giả dẫn dắt người đọc bước nhẹ nhàng theo từng câu chữ. Những khoảng lắng vừa đủ của mạch truyện khiến độc giả có giây phút chiêm nghiệm. Đi dần về kết truyện, ta lại cảm nhận con tim mình rơi vào một “ma trận”. Cái hay của Nguyễn Thu Hà là lấy “vô chiêu” hóa “hữu chiêu” để chinh phục bạn đọc. 

Với tập truyện đầu tay, Nguyễn Thu Hà đã kịp ghi dấu ấn bằng phong cách văn chương đậm đà sắc nét của riêng mình giữa muôn vàn giọng văn hiện nay. Chị dùng chính đời thường đem vào văn chương nhưng biết nhấn nhá và đẩy cao trào cho chi tiết lẫn tâm lý nhân vật. Nét riêng ấy nằm ở cách kể nhẹ nhàng uyển chuyển mà đau đáu về số phận phụ nữ trước biến thiên thời cuộc và dòng chảy định mệnh. 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI