Christophe đã ra đi, không một lời từ giã

24/04/2020 - 07:00

PNO - Vào khoảng thời gian cuối thập niên 60, qua đầu thập niên 70, nhạc trẻ rất thịnh hành tại miền Nam Việt Nam. Đó là thời hoàng kim của Johnny Hallyday, của Sylvie Vartan… Nhưng có một cái tên và duy nhất một cái tên ngắn không đi kèm theo họ, đã bước vào lòng thanh thiếu niên thời đó bằng những giai điệu nhẹ nhàng êm dịu: Christophe.

Tôi của thời đó bước vào tuổi "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", mặt trời căng phồng trong lồng ngực, sang sảng tiếng gọi mời của những bình minh rực rỡ, lòng run lên theo những thanh thoát của giọng phát âm tiếng Pháp và tâm hồn hoàn toàn bị quyến rũ bởi những ca khúc của Christophe luôn sẵn sàng phát ra từ bất cứ chương trình ca nhạc trẻ nào, của đài phát thanh hay truyền hình, đến các quán cà phê, cũng như tại những buổi ca nhạc dành cho giới trẻ. 

Khi nghĩ về nhạc Christophe, trong tôi luôn là những bước chân của xôn xao ký ức, khơi dậy trong tim những tình yêu đau khổ nhưng tuyệt đẹp như tiếng thở dài trong đêm vắng, mà sao vầng trăng vẫn nức nở trên cao. Tiếng nhạc trong tâm hồn mới lớn và vụng dại ấy là biết bao ước mơ ấp ủ tưởng chừng đã lãng quên. Có hay không những giai điệu trữ tình và ngọt ngào không ngừng thêu dệt những mộng mơ của thuở mới biết rung động đầu đời, triền miên như nhịp sóng vỗ trên bờ cát xóa đi hình ảnh diễm mộng của ngày thơ, tình thơ?

Tuổi mộng mơ là một thiên đường đầy trăng sao. Ngày 16/4, nghe tin Christophe qua đời, tôi bàng hoàng cảm thấy thiên đường tuổi mơ của mình tan hoang sụp đổ. Tiếng hát đã làm lòng tôi run lên như sợi dây đàn đã đi vào vùng miên viễn, mang theo cả thiên đường hoa mộng của tôi…

Tôi muốn hỏi Christophe, như trong một bài hát của ông: "Rồi một ngày đẹp trời nào đó, anh có muốn cùng tôi tìm lại thiên đường đã mất?/ Peut-être un beau jour voudras-tu retrouver avec moi les paradis perdu?".

Người ta không lý giải được sự quyến rũ của nhạc Christophe. Tuổi trẻ sống theo thời đại và những nhu cầu thời thượng. Nhạc Christophe thuở ấy như một “mode” nhưng điều thu hút tôi nhiều nhất là giai điệu nhẹ nhàng slow-rock, với những ca từ về tình yêu có tuyệt-vọng-giản-đơn, đau-khổ-tuyệt-vời... đáp ứng đúng tâm hồn và rung động của một chàng trai mới lớn, say mộng hoa hương.

Chính Christophe còn ngạc nhiên về lòng yêu mến đặc biệt của người Việt dành cho mình khi ông sang Việt Nam trình diễn cách đây vài năm. Thật sự mà nói, người ta yêu chuộng ông tại Việt Nam còn hơn tại Pháp. Khi tôi định cư tại Pháp, những người bạn Pháp rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói về nhạc Christophe. Đối với họ, đó không phải là điển hình của nhạc Pháp. Thế mới biết ông bà ta thường nói "Bụt chùa nhà không thiêng"!

Ngày ông mất, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiễn chào người ca sĩ: "... những bài hát của ông là sự hòa hợp giữa bình dị và tìm tòi, giữa tầm thường và cao siêu, những bí ẩn và “vẻ đẹp kỳ quái” đương nhiên mà ông đã mượn được từ những vần thơ Baudelaire. 

Cùng với ông, chúng ta gào lên “Aline, em ơi” chúng ta hát những ca từ mang màu thiên thanh, chúng ta khóc những thiên đường đã mất".

Nhạc Christophe không kiêu kỳ nhưng có nhan sắc của một cô gái đẹp bình dị, với những giai điệu tình yêu nhẹ nhàng và trong sáng. Nó đáp ứng được nhu cầu tình cảm của giới trẻ Việt Nam thời bấy giờ sống trong chiến tranh, những mộng mơ xen kẽ với tiếng bom đạn. Nhạc Christophe như một đóa lan nở ra trong khắc nghiệt thì bỗng dưng người ta yêu đóa hoa ấy biết là bao!

Nói đến nhạc Christophe, người ta không thể nào không nhắc đến Aline. Ca khúc này có nhạc điệu rất đẹp, trong đó một tình yêu tuyệt vọng bay bổng lên tan biến theo sóng gió biển rì rào, chìm trong tiếng gào của con tim tan nát "Aline em ơi…", làm người ta liên tưởng đến bài thơ bất hủ của Jacques Prévert với những câu nức nở "Et la mer efface sur le sable/ Les pas des amants désunis…" (Và biển xóa hết trên cát/ Dấu chân của những người tình chia xa...).

Bài "hit" này đã đi vào con tim biết bao nhiêu người với bước chân huyền thoại? Có bao nhiêu cuộc tình đã chớm nở bằng giai điệu slow này? Đã có bao nụ hôn quấn quít? Đã có bao trao đổi nồng nàn...?

Nếu Aline đã được bất tử hóa với lời Việt của cố nhạc sĩ Phạm Duy thì những bài hát của Christophe được hát nguyên gốc bằng tiếng Pháp qua giọng ca của các ca sĩ Việt như Thanh Lan, Elvis Phương, Chánh Tín càng khiến chàng ca sĩ đẹp trai lãng mạn của Pháp gần gũi với người Việt hơn bao giờ hết. 

Trên facebook của họa sĩ Lê Sa Long, một người bạn nghệ sĩ, chiều 17/4, một bức chân dung Christophe đã hoàn thành, những nét chì đơn giản nhưng sâu lắng đã nắm bắt được tâm hồn người ca sĩ, như một níu kéo dĩ vãng xa vời. Gương mặt trầm và mái tóc viễn phương từ nay nghìn trùng xa cách.

Viễn phương mái tóc bay dài/ Nghiêng vai sương lạnh, thương hoài vầng trăng (Đinh Hùng).

Trong vùng miên viễn, có lẽ Christophe biết rằng lời hát bài Aline sẽ vẫn còn thổn thức trong triệu con tim khi nghĩ về ông "… et j'ai pleuré, pleuré, oh j'avais trop de peine…" (Rồi anh sẽ khóc! Sẽ khóc lên… Khóc lên, lòng đau triền miên...).
Và ông đã ra đi, không một lời từ giã (... je suis parti, sans un adieu*...)
 * Lời bài hát Je suis parti (Christophe)

Christophe tên thật là Daniel Bevilacqua, sinh ngày 13/10/1945 ở Juvisy-sur-Orge, ngoại ô Paris. Lên tám tuổi, ông đã bộc lộ niềm say mê âm nhạc và chịu ảnh hưởng của trào lưu rock’n’roll. Năm 1961, ông thành lập ban nhạc Danny Baby et les Hooligans, đảm nhận vị trí ca sĩ chính kiêm chơi ghi-ta. Ban nhạc “cover” những bài rock’n’roll kinh điển và trình diễn tại các vũ trường địa phương.

Năm 1965, ông phát hành bản ballad Aline với nghệ danh Christophe và gặt hái nhiều thành công. Nhà sản xuất là hãng đĩa Disc’Az bán ra được hơn một triệu bản. Sau đó, Christophe gây tiếng vang với loạt ca khúc như Marionnettes, J’ai entendu la mer, Excusez-moi Monsieur le professeur. Năm 1995, Christophe chuyển từ hãng đĩa Motors sang Epic và phát hành album Bevilacqua một năm sau đó. Các bài hát trong album mang dấu ấn của nhạc điện tử, khác với âm nhạc của ông trước đó. Năm 2000, ông ra album Comm’ si la terre penchait.

Năm 2013, Christophe từng đến TP.HCM tham dự đêm nhạc từ thiện Christophe live concert, kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt.

Ca sĩ kín tiếng về đời tư. Ông có sở thích sưu tập và lái các loại xe thể thao. Christophe được đặt theo tên một vị thánh hộ mệnh của dân đua xe.

Tạp chí Télérama đã tưởng nhớ về Christophe: “Những năm tháng trôi qua, sự tôn thờ và gắn bó, cả lòng yêu mến, được biểu lộ rõ bởi khán giả trong những chuyến lưu diễn dày đặc của ông, người nghệ sĩ lãng mạn, lạnh lùng mà thơ ngây này...

Âm nhạc của ông được dệt nên từ những mảnh đối lập, hiện thân bởi một tâm hồn trẻ thơ vĩnh cửu, luôn tìm kiếm những điều kỳ diệu, để rồi biết ban tặng và chia sẻ chúng”.

Ngô Kim Khôi

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI