Chồng tự quyết chuyện lớn trong nhà

13/04/2022 - 17:00

PNO - Hãy chia sẻ với anh cảm giác của em khi không được cùng chồng bàn bạc một chuyện lớn như thế.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Ăn tết xong, chồng em gọi một chủ thầu xây dựng tới nhà làm việc và tiện thể thông báo với em rằng anh sắp xây một căn phòng nhỏ cho mẹ. Lúc ấy em khá sượng. Việc xây thêm phòng cứ thế được bàn bạc và tiến hành nhanh chóng. 

Công bằng mà nói thì việc mẹ chồng về sống cùng vợ chồng em cũng hợp lý. Tuy nhiên, điều khiến em buồn là anh tự quyết mọi việc mà không bàn với vợ. 

Anh là người gia trưởng. Mặt tốt là anh đóng vai trụ cột, lo liệu mọi việc lớn và rất trách nhiệm với tài chính gia đình. Ở mặt còn lại thì anh hiếm khi hỏi ý kiến, cũng hiếm khi quan tâm đến cảm xúc của em. 

Sinh ba đứa con, em ba lần về quê cách TP.HCM 400km để nhờ mẹ ruột giúp. Việc em về nhà mẹ chỉ vì một mục đích duy nhất là để không phải đi bệnh viện sinh con một mình.

Ba lần sinh con là ba lần em khóc thầm vì không có chồng bên cạnh, lại thêm cảnh mẹ già yếu và lóng ngóng.

Sinh xong một tháng, em vào TP.HCM và tiếp tục một mình nuôi con. Anh chỉ mải kiếm tiền và quan hệ xã hội, không mảy may phụ giúp chuyện nhà cửa, con cái.

Ngày tháng bận bịu đã cuốn đi từng “cơn” cô độc của em. Đến khi nghe về căn phòng cho mẹ, em chán ngán đến tận cùng và muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này.

Khi em trách anh không bàn bạc thì anh nói anh là người phải lo liệu hết nên không cần bàn với em.

Liên Hương (Q.12, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Liên Hương mến,

Dường như vợ chồng em đã phân công vai trò trong gia đình rất phù hợp với năng lực của từng người. Nhưng cũng chính vì sự “chuyên môn hóa” quá sâu này lại dẫn đến tình trạng phần ai nấy biết và mất kết nối vợ chồng.

Chồng em xây thêm phòng trong nhà, mời mẹ về sống cùng mà không bàn bạc với vợ là thiếu sót lớn.

Với đặc tính riêng của gia đình em thì đây là biểu hiện của việc “cát cứ” vai trò trong gia đình: mỗi người phụ trách một vùng và toàn quyền với phần việc đó. Trong những chuyện như xây nhà thì chồng em có vẻ “chuyên quyền”.

Ngược lại, anh cũng để em “chuyên quyền” trong chuyện bếp núc, con cái, thu xếp gia đình. Khi một mình chu toàn chuyện nhà cửa, em đã ấm ức, buồn tủi nhưng không thay đổi.

Vậy, ta cũng có thể đặt câu hỏi rằng đằng sau vẻ “chuyên quyền” với những chuyện lớn, có khi nào chồng em cũng có lúc mệt mỏi, cô độc mà không chia sẻ? 

Hạnh Dung đặt những giả thuyết như thế để em hiểu sâu hơn về vấn đề. Nếu chỉ dừng lại ở một chuyện, em sẽ chỉ thấy lỗi của chồng và chỉ thấy chán nản, bế tắc.

“Chuyên quyền” và không chia sẻ khó khăn của mình là vấn đề của vợ chồng em và em đã im lặng góp phần tạo ra và duy trì một gia đình như thế suốt mười năm qua.

Để tạo kết nối vợ chồng, em có thể bắt đầu bằng việc khơi gợi để chồng nói về những khó khăn của anh ấy.

Có thể khơi từ chính câu chuyện xây phòng cho mẹ, hãy hỏi xem áp lực đã đến từ đâu, mẹ khó khăn thế nào, anh đã tính toán ra sao, đã gặp thử thách gì khi giải quyết chuyện này.

Khi em khơi gợi bằng sự chân thành, có lẽ anh ấy sẽ mở lòng. Đồng thời, em hãy chia sẻ với anh cảm giác của em khi không được chồng bàn bạc chuyện lớn như thế. 

Hãy đề nghị chồng điều chỉnh cách phân công công việc trong gia đình. Mỗi người phụ trách một việc là hợp lý, nhưng cần có sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.

Để có được điều này, cả hai em cần xác định giao tiếp vợ chồng không chỉ nhằm vào tính hiệu quả, “có cần thì mới nói”.

Giao tiếp là nhằm chia sẻ, giữ kết nối, và giữ sự hiện diện của nhau, trong nhau. Em hãy đề nghị được biết về những khó khăn, buồn vui của chồng, và chia sẻ điều tương tự với anh ấy.

Chuyện này bắt đầu càng sớm càng tốt. Chúc em thành công! 

Hạnh Dung

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI