Chồng giao hết tài sản cho con dâu, để vợ trắng tay, cô độc

28/09/2021 - 11:30

PNO - Bà cực khổ bao năm, không dám ăn một miếng ngon, không ngờ cuối đời lại trắng tay bởi ông chồng chỉ tin tưởng con dâu.

Sau khi làm ăn thất bại, ông bà Năm từ thành phố về quê, sống trên mảnh đất ông bà để lại. Trước kia, cả nhà ông chỉ quen ăn sung mặc sướng, giờ phải học cách trồng cây, dọn cỏ, cấy lúa…

Nhà năm miệng ăn, thu nhập chỉ đếm từng đồng nên ông Năm yêu cầu cả nhà phải tiết kiệm tối đa. Buổi tối chỉ được mở một bóng đèn duy nhất. Gạo thóc, mắm muối, xà bông… phải dùng dè xẻn. Bà Năm là người đơn giản, chồng bảo sao nghe vậy. Ba đứa con cũng ngoan, không dám đòi hỏi.

Cuối mỗi năm, ông Năm họp gia đình, đọc bản danh sách dài ngoằng thu nhập từng buồng chuối, con gà, mấy giạ lúa… kèm bảng chi và kết dư của cả năm. Cô con dâu lớn mới về nhà chồng vài tháng, chịu không nổi cách sinh hoạt như thời bao cấp nên xin cho vợ chồng cô qua ở bên nhà ngoại. Ông Năm bớt được hai miệng ăn, lại không phải chia đất nên vui vẻ cho con trai đi ở rể.

Con gái út thương mẹ nhưng cô quá nghèo nên không giúp được gì - Ảnh minh hoạ
Con gái út thương mẹ, nhưng cô quá nghèo nên không giúp được gì - Ảnh minh hoạ

Cô con út vì cãi ông bà, yêu anh chàng mồ côi nên sau cưới phải ra ngoài ở trọ. Cô con dâu thứ ba vừa ý ông Năm nhất, ông tiết kiệm một, cô tiết kiệm mười. Cô kho cá là không ai ăn nổi, vì mặn quéo. Lẽ ra nấu hai lon gạo thì cô bớt lại hai nắm. Ông Năm khen: “Người giỏi làm ăn mà không giỏi tiết kiệm cũng tay trắng. Người như con Ba không bao giờ nghèo”.

Đầu năm ngoái, dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều gia đình khốn khó. Nhờ con dâu tằn tiện nên nhà ông Năm vẫn đủ ngày hai bữa cơm. Ông càng vừa ý với cách tính toán chi ly của con dâu. Tuổi ngoài 70, sau lần bạo bệnh, ông Năm tính chuyện lập di chúc. Ông xem tài sản như tính mạng nên không muốn sứt mẻ đồng nào, ruộng vườn cũng không muốn chia năm xẻ bảy.

Thằng lớn đã có nhà vợ lo nên ông không phải bận tâm. Thằng thứ ba thì hiền lành, chẳng giỏi tính toán. Con gái út từng cãi lời ông nên việc chia tài sản cô không có phần… Suy tới tính lui, ông Năm quyết định sẽ giao hết nhà cửa, ruộng vườn và hơn chục cây vàng giành dụm được cho con dâu thứ ba.

Ông tin chắc vào tay con dâu, tài sản của ông chỉ có sinh lợi. Nếu giao cho bà Năm, sớm muộn bà cũng chia cho con gái. Mà, con gái là con người ta, thế nào nó cũng gom tài sản đi theo chồng. Nếu con gái khó khăn, ông cho một nền nhà để ở, ở mấy đời cũng được, nhưng chỉ là ở nhờ, đất không được sang tên… Ông Năm tính toán cả rồi. Tuổi già của ông bà trông cậy vào con dâu, làm vừa lòng nó ông bà sẽ được chăm sóc tốt.

Đọc bản di chúc của ông Năm, bà Năm sốc, nằm vùi. Cô con gái gạt nước mắt ra đi. Chỉ có con dâu thứ ba là vui. Một tháng sau, ông Năm qua đời. Tới phút cuối, bà Năm cũng không muốn nhìn mặt chồng. Vợ chồng cực khổ cả đời, không dám ăn một miếng ngon. Số tài sản này có công của bà vất vả tạo nên, không ngờ đến cuối đời lại trắng tay. Mối hận này, bà nuốt không trôi, giận lây cả con dâu.

Bà Năm dọn một góc riêng, nấu ăn một mình. Nhiều bữa bà mệt, tới trưa vẫn chưa có hạt cơm bỏ bụng, con dâu cũng không thèm ngó tới. Anh con trai cả ngày hùng hục ngoài đồng, vào nhà cũng qua loa với mẹ, chẳng dòm ngó trước sau. Con gái thỉnh thoảng về thăm, muốn rước bà Năm ra nhà trọ, nhưng bà biết cô nghèo, không nỡ ăn bám cô.

Rất nhiều gia đình, sau khi để hết tài sản cho con cái thì bị con hắt hủi, bỏ bê không chăm sóc, phải lâm cảnh màn trời chiếu đất. Chiêu “khéo quá hóa vụng” của ông Năm báo hại bà Năm sống trong tuổi già buồn bã và cô độc. 

                                                                                                                                                                                                                                                                 Yến Phượng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI