Chọn mẹ hay vợ?

07/07/2025 - 08:00

PNO - Vợ anh cần một bờ vai, một vòng tay ấm áp để có thể tâm sự những phiền muộn, ấm ức. Anh hãy làm bờ vai ấy.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi cưới nhau xong ở chung nhà với ba mẹ, được 4 năm. Tôi biết vợ và mẹ tôi không hòa thuận nhưng tôi nghĩ bao đời nay nàng dâu mẹ chồng vẫn thường xích mích, chẳng riêng gia đình mình.

Tôi chỉ có một cảm giác khó chịu là càng ngày vợ tôi càng làm phức tạp hóa mọi chuyện. Nhiều khi chuyện chỉ cần im lặng là xong, vậy mà cô ấy cứ lên tiếng để rồi mẹ con cãi nhau, ai đúng ai sai cũng đòi tôi đứng ra phân định.

Hôm rồi cũng vậy, chỉ là chuyện ăn tối xong cô ấy phân công tôi rửa chén. Tôi nghĩ vợ đi làm về mệt, lại tham gia nấu bữa tối cùng mẹ, nên tôi nhận rửa chén. Nhưng lúc ăn xong tôi vào rửa thì mẹ tôi giành lấy, bảo có mấy cái chén để mẹ rửa một chút là xong. Thấy mẹ rửa rất nhanh nên tôi ra phòng khách ngồi xem ti vi. Một lát sau tôi nghe tiếng trong bếp, thì ra mẹ mắng vợ tôi sao bắt chồng rửa chén. Bà nói việc chỉ cần cố một tí là xong, rằng vợ tôi là đàn bà lười, thấy chồng đứng rửa chén mà không thấy chướng mắt, nhục nhã.

Hồi đầu, vợ tôi chỉ thanh minh, tức là giữ tông giọng nhẹ nhàng giải thích. Nhưng mẹ tôi cứ nói đi nói lại mãi nên cô ấy không kiềm được, lớn giọng. Cô ấy chạy ra kéo tôi vào, bảo tôi giải thích với mẹ vì sao nhận lời rửa chén rồi lại không rửa. Mẹ tôi thì bảo tôi nghe lời vợ, không coi mẹ ra gì. Bà cố chấp, nói là vì thương con cháu nên bà mới phải khổ như thế.

Kết cục là cả mẹ tôi và vợ tôi đều khóc. Vợ tôi bắt tôi đứng ra xử lí việc giữa cô ấy và mẹ. Tôi im lặng. Hôm sau, cô ấy đi làm, nhắn tin là có phải tôi không yêu vợ nữa. Tôi bảo chuyện có gì đâu, sao em cứ suy nghĩ rắc rối, phức tạp hóa mọi chuyện. Vợ giận, bảo nếu tôi không giải quyết, cô ấy sẽ về nhà ngoại ở. Tôi thật mệt mỏi, phải làm sao bây giờ?

Huỳnh Tân (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Anh Huỳnh Tân thân mến,

Xung đột mẹ chồng nàng dâu là chuyện phổ biến. Chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu không được giải quyết, mâu thuẫn sẽ trở nên trầm trọng. Vợ anh đang cảm thấy không được chồng hỗ trợ, cảm giác tủi thân khiến cô ấy thấy mình bị tổn thương nhiều hơn.

Anh nghĩ rằng vợ mình đang phức tạp hóa mọi chuyện nhưng hãy thử nhìn nhận từ góc độ của cô ấy. Trong việc rửa chén, vợ anh đã nhờ, anh đã đồng ý nhưng sau đó mẹ anh giành làm, anh nhường mẹ và cô ấy bị mẹ mắng. Khi vợ yêu cầu giải thích, anh lại im lặng. Vợ anh cảm thấy anh không bảo vệ cô ấy trước những lời chỉ trích của mẹ, thậm chí còn ngụ ý cô ấy sai. Với vợ anh, đây là cảm giác bị cô lập và không được chồng ủng hộ, từ đó thành sự thất vọng về chồng. Cô ấy muốn anh đứng ra phân định đúng sai không phải để làm khó anh, mà có thể là để tìm kiếm sự xác nhận, sự thấu hiểu từ người chồng cô ấy tin tưởng. Cô ấy coi sự im lặng của anh là đồng tình với mẹ anh hoặc ít nhất là sự thờ ơ trước cảm xúc của cô ấy.

Anh đang giữ vị trí trung gian vô cùng quan trọng. Sự im lặng của anh có ý tốt là muốn mọi chuyện êm xuôi nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Vợ anh cần một bờ vai, một vòng tay ấm áp để có thể tâm sự những phiền muộn, ấm ức. Anh hãy làm bờ vai ấy. Hãy đưa vợ đi chơi, một bữa tối chỉ có 2 người, không nấu ăn, không rửa chén, chỉ vợ chồng nói chuyện với nhau. Hãy lắng nghe, hiểu những gì cô ấy đang trải qua. Hãy xin lỗi vợ và giải thích lý do anh im lặng, rằng chỉ vì anh không biết phải làm thế nào.

Anh cũng cần nói chuyện với mẹ một cách tôn trọng nhưng rõ ràng. Giải thích rằng anh luôn yêu mẹ nhưng vợ anh cũng là người anh yêu thương và anh mong mẹ nhẹ nhàng hơn để không ai phải buồn. Trong xử sự hằng ngày, anh cố gắng làm cầu nối chứ không phải trọng tài. Thay vì phân định ai đúng ai sai, hãy cố gắng xoa dịu hai bên. Nếu tình hình không cải thiện, việc dọn ra ngoài có thể là một sự lựa chọn để cứu vãn hôn nhân.

Dù có thể khó khăn nhưng một không gian riêng sẽ giúp vợ chồng anh giảm bớt áp lực, xây dựng tổ ấm. Chúc anh chủ động giải quyết một cách thấu đáo và giữ được tình cảm gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI