Chợ truyền thống chậm mở cửa lại

19/08/2021 - 06:43

PNO - Sau gần một tháng được cho phép mở cửa trở lại, các chợ truyền thống, chợ đầu mối ở TPHCM vẫn đóng cửa. Hiện toàn thành phố vẫn chỉ có 40/239 chợ đang hoạt động, trong khi hàng hóa đang thiếu hụt ở nhiều nơi.

E dè mở cửa vì sợ rủi ro

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều chợ, số nhân viên, tiểu thương được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn chưa nhiều; ban quản lý (BQL) các chợ lo ngại việc mở chợ trở lại thời điểm này có nguy cơ phát sinh ổ dịch mới khi đã có nhiều ca từng nhiễm COVID-19 ở chợ không rõ nguồn lây. 

Sau hai lần mở cửa rồi lại đóng, chợ An Đông 1 (Q.5) hiện vẫn chưa hoạt động trở lại và cũng chưa biết khi nào sẽ mở lại. Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng BQL chợ này - cho biết, sau đợt đóng cửa lần thứ nhất do có ca F0, BQL chợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, chỉ bố trí cho khoảng 10 tiểu thương ngành hàng thiết yếu (thịt, hải sản, rau củ, trái cây) bán lại. BQL chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương và khách tuân thủ nguyên tắc phòng dịch 5K, người bán trang bị màn, vách ngăn giọt bắn nhưng khi test định kỳ, vẫn xuất hiện các ca F0 trong tiểu thương không rõ nguồn lây, chợ lại phải đóng cửa tiếp.

Sau ba ngày mở lại, hàng hóa ở chợ Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa nhiều, chủ yếu là rau củ và thực phẩm khô, ít hải sản, thịt
Sau ba ngày mở lại, hàng hóa ở chợ Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa nhiều, chủ yếu là rau củ và thực phẩm khô, ít hải sản, thịt

“Để không phát sinh ổ dịch mới, chúng tôi tạm thời chưa mở chợ trở lại. Ngoài việc chợ được thiết kế thiếu thông thoáng, một số tiểu thương ở tỉnh về quê nay vẫn chưa lên lại và số tiểu thương tiêm vắc-xin cũng chưa nhiều, chưa kiểm soát được dịch bệnh ở khu vực xung quanh chợ nên BQL chưa yên tâm mở lại chợ. BQL chợ đang chờ hướng dẫn của Phòng Kinh tế Q.5 mới có kế hoạch mở chợ trở lại” - ông Đinh Hồ Duy Ngọc nói. 

Đại diện BQL chợ Phùng Hưng (Q.5) cũng cho hay, chợ này vẫn đang bị phong tỏa, chưa biết khi nào mở lại được. Một số tiểu thương tranh thủ bán hàng qua mạng, qua điện thoại cho khách quen nhưng số lượng hàng ít và chủ yếu bán cho khách gần nhà.

Chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) đang duy trì hoạt động khu bán trái cây, đồ khô nhưng chưa mở lại khu bán rau củ, thịt cá do xung quanh chợ còn nhiều ca nhiễm COVID-19. Theo đại diện BQL chợ, trung bình mỗi ngày, có khoảng 100 lượt khách đến chợ mua sắm, thực hiện các bước đo thân nhiệt, khai báo y tế, cung cấp thông tin cá nhân, thời gian đến chợ. BQL chợ khuyến khích tiểu thương bán hàng online trên ứng dụng của Sở Công Thương TP.HCM nhưng số lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều. Bên cạnh đó, tiểu thương cung cấp hình ảnh, giá hàng hóa, BQL chợ sẽ kết hợp với chính quyền quảng bá kênh bán hàng đến người dân, xác nhận đơn hàng và tìm đội ngũ giao hàng hỗ trợ tiểu thương.

Sau ba ngày mở lại, chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) vẫn chưa thu hút nhiều khách. Tiểu thương đều trang bị vách ngăn để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách, bán hàng theo combo để “mua nhanh, bán gọn” từ 7g đến 9g. Tuy nhiên, hàng hóa về chợ vẫn chưa phong phú, chủ yếu là rau củ, ít hải sản, thịt tươi sống. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương - thành viên BQL chợ - cho biết, dù chợ chưa từng có ca nhiễm COVID-19 nhưng phải tạm ngưng hoạt động theo yêu cầu phòng dịch và các chợ truyền thống ở Q.Phú Nhuận đều đóng cửa. Hiện ở quận này, chỉ duy nhất chợ Nguyễn Đình Chiểu được mở lại, có 16 tiểu thương bán hàng và đã tiêm vắc-xin COVID-19.

Trong khi các chợ chưa mở lại thì ở nhiều nơi, xuất hiện các điểm bán nhỏ không có người quản lý, giám sát. Một điểm bán trên đường B, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức chỉ có khoảng 4-5 sạp, bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, rau củ. Những lúc cao điểm, lượng người đổ đến mua đông đúc, không ai thực hiện các nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch. Cách chợ này chưa đầy 1km, một điểm bán tương tự cũng xuất hiện trên đường Tam Bình. Ở nhiều quận, huyện, những ngày gần đây cũng xuất hiện các điểm bán tự phát hoạt động gần như công khai.

Khó bảo đảm khoảng cách an toàn

Theo BQL một số chợ, yêu cầu giữ khoảng cách 2m giữa người với người ở chợ truyền thống là khó thực thi, chỉ có thể phòng dịch bằng vách chắn giọt bắn. Mặc dù BQL chợ phát loa, nhắc nhở trực tiếp nhưng vẫn khó đảm bảo việc tuân thủ về khoảng cách 2m. Bên cạnh đó, môi trường trong nhà lồng chợ thiếu thông thoáng, tiểu thương có lúc lơ là việc đeo khẩu trang.
Một số chợ tận dụng bãi xe, khu vực xung quanh chợ để tổ chức, bố trí cho tiểu thương bán hàng bên ngoài nhà lồng hay mở điểm bán thực phẩm ở sân bóng, khu đất trống, như chợ Bình Thới (Q.11) hay ba chợ dã chiến ở các xã Phước Vĩnh An, Hòa Phú và Bình Mỹ của H.Củ Chi. Tuy nhiên, mô hình này chỉ áp dụng được ở các quận, huyện còn nhiều khu đất trống và mật độ giao thông thấp. 

Hiện cả ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức vẫn chưa có kế hoạch mở lại chợ, còn việc mở trạm trung chuyển cũng “im hơi” khi thương nhân không mặn mà tham gia. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - nêu khó khăn: “Yêu cầu tổ chức chỗ ăn, ở lại cho người lao động và xét nghiệm ba ngày/lần khó thực hiện, tốn kém nên phần lớn thương nhân e ngại, không tham gia. BQL chợ đã chi hơn 40 triệu đồng để xét nghiệm định kỳ cho nhân viên trong khi chợ không có nguồn thu”. 

Theo ông, công ty đang lên kế hoạch bố trí mỗi dãy sạp chỉ có hai thương nhân bán thay vì 10-15 người bán như trước để đảm bảo khoảng cách an toàn, nhưng còn trình duyệt, chờ nhất trí nên vẫn chưa thể triển khai trong tháng này. Công ty đang xúc tiến việc tiêm vắc-xin đầy đủ cho nhân viên, thương nhân, người lao động tại chợ nhưng cũng chỉ mới đạt 2/3 số lượng (2.000/3.000 người đã tiêm mũi 1, chỉ một số ít người đã tiêm mũi 2). Ông nói: “Khi nào hoàn tất việc tiêm vắc-xin đầy đủ, mới yên tâm mở lại chợ, tránh tình trạng khi mở, lại xuất hiện ca nhiễm rồi phải đóng cửa tiếp”. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI