Số chợ truyền thống phải đóng cửa ngày một nhiều thêm, vì sao?

23/07/2021 - 08:08

PNO - TPHCM hiện chỉ có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động, cơ quan quản lý cho biết các chợ đảm bảo yêu cầu phòng dịch mới được tái mở cửa.

Tính đến cuối ngày 22/7, TPHCM có 205/237 chợ ngưng hoạt động. Trong đó, TP.Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và H.Nhà Bè không còn chợ nào hoạt động. Tất cả đều không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hoặc liên quan đến các ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù Sở Công thương TPHCM đã hướng dẫn về cách tổ chức hoạt động chợ để đủ điều kiện tái mở cửa như quầy, sạp cách nhau tối thiểu 2m, bố trí vách ngăn, màn ngăn trong suốt giữa các tiểu thương, giữa người bán và người mua… nhưng ở một số chợ đang hoạt động hoặc vừa mở cửa lại, các yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

Tại chợ An Đông, người mua và người bán đứng san sát nhau - Ảnh: Quốc Thái
Tại chợ An Đông, người mua và người bán đứng san sát nhau - Ảnh: Quốc Thái

Chợ An Đông (Q.5) bố trí quầy khai báo y tế, xịt dung dịch sát khuẩn ngay trước cổng nhưng lối vào chợ rộng chưa quá 2m lại bị một quầy kinh doanh thực phẩm luôn có đông khách đứng mua choán chỗ. Tại khu vực kinh doanh rau xanh, đậu hũ, trứng, các quầy vẫn chưa được bố trí xen kẽ mà mở chung thành cụm, lối đi nhỏ nên người mua dễ va chạm khi đi ngang nhau; nhiều quầy sạp vẫn chưa có vách ngăn giữa người bán và người mua. Mặc dù có lực lượng bảo vệ trực nhưng nhiều khách vẫn túm tụm nói chuyện thay vì mua nhanh, bán gọn để đảm bảo an toàn. 

Tại chợ Ngã Ba Bầu (Q.12), người mua hàng vẫn đứng thành từng cụm “tám” chuyện. Phía sau chợ, ban quản lý (BQL) đã lắp rào chắn để người mua chỉ vào chợ bằng cổng chính (có khai báo y tế) nhưng tiểu thương vẫn vô tư mang hàng ra rào chắn bán qua, còn bên ngoài hàng rào, người dân đứng túm tụm đợi nhận hàng. 

Giá thực phẩm ở các chợ tái mở cửa cũng là một vấn đề. Tại chợ An Đông, có khoảng 15 quầy kinh doanh rau củ, thịt heo. Chị Hoa - tiêu thương bán hải sản - cho hay do không thể nhập hàng từ chợ Bình Điền nên chị phải lấy hàng từ mối ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chi phí vận chuyển cao, cộng với phí xét nghiệm SARS-CoV-2 của tài xế khiến giá hàng tăng mạnh. Giá tôm tăng thêm 30.000-70.000 đồng/kg, các mặt hàng khác cũng đều có giá bán mới: cá thác lác 300.000 đồng/kg, mực ống 350.000 đồng/kg, tôm 250.000 đồng/kg. Giá các loại rau củ cũng cao: bầu, bí, dưa leo 40.000 đồng/kg; cải ngọt, cải xanh 35.000 đồng/kg; rau muống 25.000 đồng/kg; khoai môn 50.000 đồng/kg. Tại chợ Bình Thới (Q.11), giá thịt heo cũng cao: sườn non 250.000 đồng/kg; thịt ba rọi 200.000 đồng/kg; chân giò, thịt nạc, cốt lết đồng giá 150.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng BQL chợ Bình Thới - cho biết BQL chỉ có 15 người nhưng hai người đang bị cách ly, còn lại phải làm việc từ 3g30 đến 14g mỗi ngày. Lực lượng tại chợ chỉ kiểm soát được người ra vào chợ để có thể truy vết khi có vấn đề chứ không thể xác định được ai nhiễm COVID-19, ai không. Theo chỉ đạo của thành phố, khoảng năm ngày thì xét nghiệm ngẫu nhiên một lần đối với tiểu thương, lực lượng làm việc trong chợ, nhưng hiện các phòng xét nghiệm đang quá tải, BQL phải tự liên hệ với đơn vị bên ngoài đến làm xét nghiệm, chi phí 600.000 đồng/người, tiểu thương tự chi trả. Hiện mới chỉ có 122 người (chiếm 20% số tiểu thương, cán bộ BQL chợ) được tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết sở đã hướng dẫn các chợ kẻ vạch giãn cách ở khu vực xếp hàng vào chợ để đảm bảo khoảng cách an toàn và bố trí nhân sự hướng dẫn người đến mua sắm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. BQL các chợ phải phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ để phân luồng di chuyển cho khách giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào đến khi ra khỏi chợ, điều tiết lượng khách mua đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m. Các chợ chỉ được hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng dịch. 

Quốc Thái - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI