Cho học sinh sử dụng điện thoại: Cấm không được phải tìm cách quản

25/09/2020 - 17:30

PNO - Thông tư 32 cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ học tập... Nhưng cho như thế nào để hiệu quả?

Hại nhiều hơn lợi?

Không thể phủ nhận, hiện nay, hiếm có học sinh đến lứa tuổi THCS-THPT mà không sở hữu cho riêng mình chiếc điện thoại di động, phần lớn đều do cha mẹ trang bị. Lý do ban đầu để phục vụ cho việc học nhưng việc chiếc điện thoại có phục vụ đúng mục đích ban đầu hay không rất khó nói.

Tại tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại - Nên hay không?” do báo Tiền Phong tổ chức tại TP.HCM, rất nhiều nhà sư phạm bày tỏ sự lo lắng trước quy định này, nhất là trong điệu kiện học sinh chưa tự ý thức, còn giáo viên thì khó quản vì lớp đông, chưa đủ kỹ năng…

Khi được hỏi có sử dụng điện thoại cho việc học không? Hầu hết học sinh đều giơ tay!
Khi được hỏi có sử dụng điện thoại cho việc học không? Hầu hết học sinh đều giơ tay

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, băn khoăn: Nếu cho đem điện thoại vào lớp, khi có tin nhắn báo đến, học sinh có được mở ra xem không? Như vậy có làm phiền sự tập trung của học sinh vào bài học không?

Ông Trương Tiến Sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn du học ASEP, cho biết: "Tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều em học sinh bị nghiện điện thoại di động. Những em này thường không tập trung khi tham gia các hoạt động nhóm. Ở các trường đại học, những sinh viên bị buộc thôi học thì phần lớn là do nghiện game.

Trên thế giới, phần lớn các nước tiên tiến đều cấm học sinh dử dụng điện thoại trong giờ học. Bởi cái lợi thì chưa biết được bao nhiêu nhưng cái hại thì rất lớn. Đến trường thì phải tương tác với bạn bè, giao tiếp với thầy cô".

Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân TP.HCM, cho rằng, Thông tư 32 ra đời cũng làm ông trăn trở, vì thế ông đã lên mạng tra cứu ngay về tình hình sử dụng điện thoại các nước trên thế giới như thế nào.

Thầy Nguyễn Đình Độ
Thầy Nguyễn Đình Độ: "Cho học sinh sử dụng điện thoại phải có giải pháp quản lý"

Theo thầy Độ, nước ngoài bây giờ cũng đang thiên về xu hướng nên cấm việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Mặt được là tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian… Nhưng cái không được là học sinh bị phân tán tư tưởng, bị bắt nạt, xảy ra gian lận trong thi cử, làm hạn chế năng lực tiếp xúc với thế giới xung quanh. Dẫn chứng cho thấy các nước như Anh, Úc, Pháp… đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động từ tháng 8/2019.

“Cởi mở với công nghệ không phải là trả mọi giá để sử dụng nó. Một số nơi, cho sử dụng rồi cấm đều thấy hiệu quả hơn, điểm số học sinh tăng mạnh. Do đó, phải biết cách sử dụng smartphone. Với Thông tư 32, cho học sinh sử dụng điện thoại thì giải pháp là quản lý như thế nào?”, thầy Độ cho hay.

Theo cô Lê Thị Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh, hiện tại, trường cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho học sinh dùng. Theo cô, để sử dụng điện thoại hiệu quả thì quan trọng tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới quản lý của giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi.

Không thể cấm thì phải quản

Em Đỗ Huyền Anh, học sinh Trường THPT Hùng Vương, chia sẻ: "Trong lớp, tiết học đi quá nhanh, không hiểu hết thì trên YouTube hoặc Google có nhiều người giảng, em vào đó xem. Trên internet cũng có nhiều kiến thức giúp em tự học ở nhà bằng điện thoại, nhiều bài giảng cụ thể và sâu hơn".

Điện thoại, internet hỗ trợ cho việc học rất nhiều
Học sinh cho rằng điện thoại, internet hỗ trợ cho việc học rất nhiều

PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh. Thầy cô cho học sinh mang máy tính vào lớp thì điện thoại cũng là thiết bị tương tự.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng quy định khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên để tiện liên hệ. Tại Mỹ, không phải bang nào cũng cho phép cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học… Còn ở Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học.

“Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có 2 nước là cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho học sinh sử dụng”, PGS Hoài Phương dẫn chứng.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên, học sinh Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Ngành giáo dục TP.HCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi trường và các thầy cô. Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ Thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên.

“Tôi cho rằng, nên cho các em mang điện thoại vào lớp học để sử dụng, bởi các thầy cô hoàn toàn kiểm soát được việc này. Nên có một khóa tập huấn để giáo viên nâng cao kỹ năng quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động”, PGS Hà đề xuất.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI