Chờ bình thường để gặp lại quán quen

27/11/2021 - 07:42

PNO - Hàng quán Sài Gòn dù lớn hay nhỏ đều có khách quen. Nên khi nhịp sống bình thường trở lại, ai cũng mừng khi thấy quán mình yêu thích mở cửa.

 

Cơm tấm là một trong những món được mong đợi nhất khi “bình thường mới”
Cơm tấm là một trong những món được mong đợi nhất khi “bình thường mới”

Dạo gần đây, anh họ tôi đang sống ở nước ngoài thường nhắn tin hỏi quán xá Sài Gòn đã mở cửa lại bình thường chưa, những nơi anh thường ghé có còn bán… Người xa xứ như anh tôi luôn sống trong hoài niệm, lần nào về cũng phải dạo hết một lượt quán cũ, ăn những món xưa, đắm chìm trong hương vị của ký ức dù có khi ăn xong lại thở dài nói không ngon bằng lúc trước. Vậy nhưng đợt sau về, người ta vẫn ghé, như một thói quen.

Điều anh hỏi, tôi cũng đang thấp thỏm, không biết những điểm ăn uống mình hay ghé có mở cửa lại được hết sau thời gian tạm nghỉ vì dịch bệnh. Sài Gòn hàng quán không đếm xuể nhưng mỗi người dường như chỉ có từng ấy chỗ quen, đi nơi khác không thấy hợp vị.

Như anh tôi, mỗi lần về thăm nhà nhất định phải đi đủ các quán phở quen, ra quận 1 ăn tô hủ tíu cá Nam Lợi, về quận 3 ăn dĩa cơm tấm Trần Quý Cáp, vòng xuống quận 5 ghé mì vịt tiềm Hải Ký… rồi cũng phải ráng nhìn xem tiệm kem Bạch Đằng còn bán không dù chẳng bao giờ ăn kem. Xong, anh lại ghé một góc vỉa hè nào đó uống ly cà phê pha phin đậm đặc. Vậy là đã thỏa nỗi nhớ Sài Gòn.

Tôi nói với anh, những nơi anh thường ghé đang dần mở lại. Đó đều là quán lâu đời, khó khăn hơn cũng đã trải qua, sẽ không dễ gì đóng cửa sau một đợt Sài Gòn “ốm nặng” vì dịch. Những tiệm phở anh hay ăn vẫn còn đó, phở Lệ đường Nguyễn Trãi, phở Dậu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Minh đường Pasteur, phở Cao Vân đường Mạc Đĩnh Chi.

Phở Lệ với hương vị đặc trưng kiểu miền Nam rất được lòng nhiều người Sài Gòn
Phở Lệ với hương vị đặc trưng kiểu miền Nam rất được lòng nhiều người Sài Gòn

Người Sài Gòn thích phở không kém cơm tấm, bánh mì nên khi nhịp sống quay về bình thường, các quán phở ngon đều đã bán lại.

Không riêng phở, những tiệm ăn danh tiếng cũng có một hàng dài khách quen chỉ chờ mở cửa để ghé đến. Xa cách một thời gian, thấy quán quen bán lại, khách mừng như gặp được tri kỷ, dẫu có xếp hàng chờ đợi cũng thấy vui. 

Tôi thì ngóng trông những quán nhỏ, xe đẩy vỉa hè mà mình yêu thích. Không danh tiếng lâu đời, món ăn cũng không có gì đặc biệt, sự hiện diện của họ ở Sài Gòn - nơi hội tụ ẩm thực tứ xứ - thật khiêm tốn.

Khi mọi người còn đang ngẩn ngơ về thông tin sữa tươi Mười trên đường Phùng Khắc Khoan (Q.1, TPHCM) đã đóng cửa vĩnh viễn sau mùa dịch, tôi lại nhớ xe bột chiên cuối con đường ấy. Người và xe đều có tuổi rồi, còn lâu đời hơn quán sữa tươi, mỗi chiều tối thường cặm cụi dọn ra, bày ít bàn ghế, hôm nào hết sớm thì nghỉ sớm.

Kể ra thì bột chiên nơi đây cũng không quá đặc biệt. Nó rất giòn nên những ai thích ăn kiểu giòn mềm sẽ thấy không ngon. Thế nhưng, họ vẫn có nhiều khách quen, khẩu vị mỗi người mỗi khác. Cũng có người ghé đến không hẳn vì hương vị mà là muốn ăn ủng hộ đôi vợ chồng già.

Cứ lặng lẽ như thế, xe bột chiên đã tồn tại gần 30 năm, ghi một nét nhỏ trong sổ tay ẩm thực Sài Gòn.

Xe bột chiên trên đường Phùng Khắc Khoan vẫn trụ lại được sau mùa dịch
Xe bột chiên trên đường Phùng Khắc Khoan vẫn trụ lại được sau mùa dịch

Một nơi cũng là quán vỉa hè tôi rất thích là sạp bánh Huế trên đường Hòa Hưng (Q.10, TPHCM). Ngày xưa, tôi ở đó, ăn từ bé đến lớn; sau này chuyển nhà đi vẫn thường ghé để mua bánh, yêu thích đến nỗi đi chỗ nào cũng thấy không ngon bằng. Kể ra sạp cũng gọi là có thâm niên với tuổi đời hơn 70 năm nhưng chỉ là có tuổi, còn tên thì chưa.

Ở Sài Gòn này, tiệm ăn lâu đời nhiều lắm, để khẳng định danh tiếng đâu chỉ dựa vào thời gian tồn tại. Nơi này lại nằm ở góc khuất, người bán cũng không có ý định mở rộng kinh doanh, nên chỉ có khách quen mới biết.

Dù sao thì đối với tôi, đó vẫn là tiệm bánh bột lọc tuyệt nhất. Bánh này chủ yếu công phu ở phần bột, bột khéo thì bánh có độ dai mềm đủ ngon. Ngoài bánh, hương vị khiến tôi lưu luyến còn nằm ở chén nước mắm. Không biết chủ quán nấu kiểu gì mà vị rất thanh, mua bánh mang về mà quên lấy nước mắm thì mất ngon.

Chốn quen của tôi còn có quán canh bún trên đường Bùi Hữu Nghĩa gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM). Quán nằm trong nhà, nhà nằm trong con hẻm chỉ vừa đủ chỗ cho một chiếc xe máy, bên vào bên ra cùng lúc thì phải chờ nhau. Vị trí khó tìm vậy nên tiệm toàn khách quen.

Lúc trước, cũng nhờ người bạn dẫn đi, tôi mới biết thì ra Sài Gòn có một chỗ bán canh bún hợp vị với mình như thế.

Đó là hương vị của ký ức, từ gánh canh bún đầu ngõ nhà bác ruột, mỗi lần qua chơi tôi thường được các chị dẫn đi ăn. Ngày xưa không có chả cây, chỉ đơn giản là riêu cua, đậu hũ và rau muống nhưng tôi thấy ngon lắm.

Canh bún bình dị nhưng là món yêu thích của nhiều người
Canh bún bình dị nhưng là món yêu thích của nhiều người

Sự nhớ nhung hương vị bình dị ấy đã theo tôi rất nhiều năm, thử qua rất nhiều quán, từ tô canh bún rau nhút thanh cảnh ở đường ray xe lửa đến món ăn đầy ắp riêu ốc chả trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TPHCM). Tuy nơi nào cũng ngon nhưng vẫn là không giống. Mãi đến khi ghé quán chợ Bà Chiểu, tôi mới tìm lại được vị quen ngày trước. Canh bún chỉ có riêu cua và đậu hũ, không huyết không ốc, nước lèo ngọt thanh, đặc biệt chả cây rất thơm, vị ngon hơn hẳn nhiều tiệm khác.

Sau này, tôi còn thích xe canh bún cô Mỹ trên đường Nguyễn Bặc (Q.Tân Bình, TPHCM), bán vỉa hè nhưng chế biến sạch sẽ, nhất là huyết, còn có thêm tóp mỡ rất ngon. Chỗ này nổi tiếng ở khu chợ Phạm Văn Hai, lúc nào cũng đông khách. Điều dễ chịu là dù đông đến mấy, cô chủ vẫn nhớ rõ ai đến trước, không để khách chờ lâu.

Đáng tiếc là từ trước dịch, khoảng tháng Ba, cô Mỹ đã nghỉ, nơi này vẫn có tiệm canh bún nhưng hương vị thua kém rất nhiều. Tôi, cũng như nhiều khách quen khác, vẫn hy vọng cô sẽ bán lại. Canh bún là món bình dân nhưng Sài Gòn vốn không phân biệt đắt rẻ mà chỉ đua nhau hương vị, nên chỉ cần ngon thì dù ngồi xổm ở lề đường hay góc hẻm, khách cũng nhớ thương. 

Xúp cua không cần nhiều biến tấu vẫn ngon
Xúp cua không cần nhiều biến tấu vẫn ngon

Nói đến quán yêu thích đã không còn bán, tôi nhớ quán xúp óc heo trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1, TPHCM). Xúp cua thì Sài Gòn rất nhiều chỗ ngon, cũng có nhiều biến tấu, ngoài óc heo còn có thêm tủy heo, trứng bắc thảo, trứng gà lòng đào, bong bóng cá, sò điệp, tôm, thanh cua, bánh mì nướng…

Những địa chỉ quen thuộc có thể kể đến là Nhà thờ Đức Bà, chợ Thiếc, chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Xóm Chiếu… Song, tôi vẫn nhớ cái quán xúp nhỏ ở Q.1 ấy, không cần topping “ngập mặt”, chỉ đơn giản là xúp cua và óc heo nhưng hết sức ngon. Xúp nấu sánh thơm, cua tươi, óc heo làm sạch không tanh, độ sệt là của nguyên liệu quyện vào chứ không hoàn toàn từ bột.

Mỗi lần muốn ăn xúp cua, tôi lại nhớ đến hương vị này, hoài niệm về một nơi đã thuộc về ký ức.

Sài Gòn bình thường trở lại, những tiệm danh tiếng lúc nào cũng có một hàng dài khách quen
Sài Gòn bình thường trở lại, những tiệm danh tiếng lúc nào cũng có một hàng dài khách quen

Hàng quán mở cửa lại, người Sài Gòn vui mừng khi thấy quán mình yêu thích vẫn còn. Những điều ngỡ như bình thường, uống ly cà phê vỉa hè, ăn một món bình dân, khi không có mới thấy thiếu vắng.

Cũng có những nơi vẫn im lìm, không treo cả tấm bảng hẹn ngày mở lại. Vì nhiều lý do, chủ quán đã không tiếp tục buôn bán. Khách quen rồi cũng tìm được nơi khác để đến bởi Sài Gòn thiếu gì chỗ ăn ngon. Chỉ là vẫn thấy nhớ một chốn xưa. Hương vị ấy, có khi sẽ không bao giờ gặp lại. 

Nguyễn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI