"Chim giẻ xanh": Sự nuối tiếc mang tên… không thể làm lại

13/10/2020 - 06:43

PNO - Chỉ 1 bối cảnh, 2 màu đen trắng, 3 nhân vật (kể cả nhân vật phụ) – "Chim giẻ xanh" xứng đáng để nói đến rất nhiều so với bất kỳ phim nào.

22 năm kể từ ngày Amanda rời đi, Jim vẫn một mình. Còn Amada, cô sống một cuộc đời như bao nhiêu người phụ nữ khác, kết hôn và trở thành mẹ của 2 đứa con riêng của chồng. Cô yêu vai trò làm mẹ đó, yêu cuộc sống đang có của mình. Hai cuộc đời đã tách ra, riêng rẽ, với suy nghĩ rằng đó là lựa chọn phù hợp nhất, cho đến khi họ gặp lại nhau.

Tình huống bắt đầu của Chim giẻ xanh (Blue Jay) không mới, tuyến câu chuyện cũng không mới, thậm chí đã quá quen thuộc trong hàng loạt bộ phim nói về tình yêu. Jim và Amada “đụng mặt” nhau trong siêu thị, khi anh về quê để giải quyết ngôi nhà người mẹ để lại sau khi bà mất, còn cô quay lại chốn cũ để thăm cô em gái sắp sinh.

Có điều gì đó khiến họ không thể chào nhau rồi bước đi như lẽ ra phải thế. Họ lừng khừng giữa những ứng xử, cũng là lừng khừng – không rõ rệt trong cảm xúc dành cho nhau. Rồi, là Jim đề nghị cả hai uống với nhau một tách cà phê, và là Amada cho biết cô muốn đến ngôi nhà xưa đó. Một lựa chọn mà sau đó họ nhận ra, thật… chết người. 

Ở quán cà phê Blue Jay với chiếc bàn bên cửa kính; ở bờ đá sóng vỗ; ở cửa hàng rượu cũ; ở ngôi nhà chứa tuổi trẻ của Jim… họ không còn đơn giản là làm một cuộc viếng thăm ký ức nữa, mà lật tung chúng lên, để rồi tìm thấy điều trước đó không hề thấy – vì không hề thấy nên bỏ lỡ nhau. Trong ngôi nhà chứa đầy vật dụng cũ, Jim gào lên khóc nức nở: “Đó cũng là con anh, là con anh mà. Sao em có thể? Sao không cho anh cơ hội nào?”.

Amada, 22 năm trước đã bỏ đi vì cho rằng cuối cùng Jim vẫn chỉ là một đứa trẻ, nên đặt anh vào thế phải đối mặt với việc cô mang thai là một điều quá sức của anh. Nếu như Jim đau khổ vì là người không còn cơ hội, thì Amada cũng tan nát tột cùng với việc phải là người đưa ra quyết định, một mình.

Tiếng khóc của Jim, sau khi cả hai đã cùng nhau chơi một trò chơi mạo hiểm: nghe lại đoạn hội thoại đầy yêu thương của nhau ngày ấy trong băng cát-sét, vào vai nhau của 22 năm trước để tái hiện lại một “phân cảnh” hạnh phúc của nhau, cùng khiêu vũ trong tiếng nhạc. Quá khứ ấy đã khiến Amada nhận ra có một nỗi buồn thẳm sâu trong cô suốt 22 năm qua mà cô chưa từng gọi tên nó.

"Em có một cuộc sống bình thường, không có gì để phàn nàn. Đáng lẽ em nên hạnh phúc. Nhưng rồi với nỗi buồn đang có này, em không biết nó đến từ đâu?" – Amanda thốt lên.

Cảm xúc là điều quyết định

Chỉ có 2 lý do để một bộ phim chỉ mang 2 màu trắng đen: kỹ thuật phim màu chưa ra đời, hoặc hiệu ứng màu sắc – vốn được nhìn nhận là bổ trợ, tạo tính chân thật cho bộ phim – bị cố tình gạt đi. Chim giẻ xanh là trường hợp thứ hai. Phim ra đời năm 2016, thời điểm mà các kỹ thuật hiện đại đã được tận dụng triệt để nhằm tăng cảm xúc cho phim. Nhưng đạo diễn Alex Lehmann nghĩ khác. Chim giẻ xanh là một điển hình của lối làm phim tối giản, lược bỏ tất cả những yếu tố ngoài cảm xúc, một cách điên rồ. 

Ông gạt đi tất cả những yếu tố phụ trợ, từ màu sắc, bối cảnh đa dạng hay bất kỳ kỹ xảo nào, để người xem tập trung vào duy nhất câu chuyện phim và diễn xuất của 2 diễn viên chính. Người ta nói Alex Lehmann đã quá tự tin, đến mức tự phụ khi đưa ra quyết định đó, nhưng tất cả những gì Chim giẻ xanh mang lại đã cho thấy ông không hề làm điều xuẩn ngốc. Màu phim đen trắng đã đưa chiều sâu tâm lý hai nhân vật đạt đến cảnh giới cao nhất, dĩ nhiên còn vì người thủ vai là Mark Duplass và Sarah Paulson. 

99% thời lượng phim chỉ là sự xuất hiện của 2 diễn viên, Mark Duplass vai Jim và Sarah Paulson vai Amanda. Nhân vật còn lại của bộ phim hoặc chỉ là dạng “quần chúng”, nhiều hơn nữa là người chủ tiệm rượu già nua với chỉ vỏn vẹn 2 câu thoại. Diễn xuất chính là chất liệu chính của sự thành công. Ánh nhìn bối rối, sự chán chường hiện tại, nỗi nuối tiếc và yêu thương muộn màng… chỉ bằng một vài trường đoạn đơn giản, hai diễn viên chính đã làm người xem phải thở dốc, vì tìm thấy mình ở đó.

Phim cũng không có diễn biến bất ngờ hay rẽ ngoặt, nhưng tinh tế đến từng milimet. Chỉ với chi tiết Jim chừa lại cho Amada những viên kẹo màu hồng và tím sau khi gặp lại, rất nhỏ nhoi và thoáng qua, lại đủ khái quát về tình yêu của một người dành cho một người như thế nào trong suốt 22 năm qua. 

Mark Duplass không chỉ diễn xuất, kịch bản Chim giẻ xanh chính là do anh viết, nhưng thực tế, rất ít chi tiết, lời thoại của phim dựa trên kịch bản. Nói một cách khác, Mark Duplass đặt ra một câu chuyện, một tình huống và sau đó là anh và Sarah Paulson… tự sáng tạo. Đó là phương thức nguy hiểm, nhưng rất chân thật, vì họ đã thoại, đã khóc, đã cười như chính họ là thế, không phải bằng sự sắp đặt nào. 

Điều gì khiến nuối tiếc hơn ngày xưa?

Là ngày xưa, nhưng thật ra là ngày mai, là sau này, bởi lần đánh mất đó là vĩnh viễn. Có thể đó là yếu tố để Chim giẻ xanh chạm đến cảm xúc của nhiều người đến thế. 

Làm sao Amada giữ vững lòng mình khi sau 22 năm, người xưa vẫn không quên bất cứ điều nhỏ nhặt nào thuộc về cô, màu viên kẹo cô thích, mùi ly cà phê cô uống... Nhưng điều quan trọng hơn hết, Jim làm cô nhớ lại cô từng muốn làm gì và thích trở thành người như thế nào. Cô cũng nhớ, ngày tháng đó vì có Jim, điệu cười của cô cũng rộn rã biết bao nhiêu. Amada và Jim, suy cho cùng, ngày ấy, chỉ là hai đứa trẻ, nhưng là hai đứa trẻ hạnh phúc. Không ai không đau đớn, dù đó là người đưa ra lựa chọn. Rất khó để biết ai đã đau khổ hơn ai. Điều chắc chắn là, họ đã yêu nhau nhiều đến mức, vì nhau nhiều đến mức chính mình tạo ra cuộc rẽ ngang

Như bất kỳ cuộc hội ngộ nào của những kẻ từng yêu nhau, họ luôn có lý do để đưa nhau về với ngày xưa và cũng luôn có lý do để dừng lại. Ai trong đời cũng từng một lần mang niềm nuối tiếc đó, rằng ta đã đi quá xa nhau để có thể quay về. Với Jim và Amada, quán Blue Jay với ly cà phê dở tệ vẫn còn đó, tiệm rượu với người chủ già nua vẫn còn đó, nhưng họ đã là quá khứ của nhau.

Khoảnh khắc cuối phim, khi tiễn nhau, mà biết sau lần này là không còn lần nữa, mà hiểu rằng hoá ra họ yêu nhau nhiều hơn họ tưởng, thật sự là đỉnh điểm của cảm xúc. Đứng trước Jim, nơi cánh cửa xe đang mở, chỉ cần cô bước lên là rời đi mãi mãi, Amada khóc, nước mắt rớt xuống dù môi cô cười, dù cô cố hài hước hoá biểu hiện của cảm xúc mình khi ấy. Phim kết lại ở đó, hoài niệm thanh xuân mãi mãi chỉ là nuối tiếc. 

Tình yêu, hay công việc, lối sống, những lựa chọn lỡ làng với đời mình - bất kỳ ai cũng thế, đều không còn làm lại được nữa.

Trailer phim Chim giẻ xanh:

 

Vàng Phai 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI