"Chiếc áo" cơ chế cho chính quyền đô thị

11/05/2022 - 06:19

PNO - Sắp tới, Đảng bộ TPHCM sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, từ đó sẽ kiến nghị những cơ chế, chính sách nhằm giải quyết nhanh những điểm nghẽn làm chậm quá trình phát triển.

Nhiều năm qua, cơ chế đặc thù cho TPHCM luôn được đặt ra, bởi trong thực tế, cơ chế quản lý đối với TPHCM chưa phù hợp với tính chất và đặc điểm của một đô thị đặt biệt. TPHCM cũng đã được cấp Trung ương xem xét, thí điểm cơ chế đặc thù nhưng “chiếc áo vẫn chật” so với sự đòi hỏi của thực tiễn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Nghị quyết 54 của Quốc hội đã cho phép TPHCM thực hiện 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. 

Cụ thể, Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, sử dụng tài sản công để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố; hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại tổ chức kinh tế do UBND làm đại diện chủ sở hữu; sử dụng nguồn tiền còn dư của ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc tối đa 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ…

Nghị quyết 54 có hiệu lực gần năm năm nhưng có hơn hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên không đạt kết quả như kỳ vọng, một số nội dung chậm được thực hiện, cũng có nội dung chưa thực hiện. Trong thẩm quyền được trao, Hội đồng nhân dân TPHCM đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch với gần 1.850ha cho 32 dự án; quyết định sáu dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn từ ngân sách thành phố; thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được 391 tỷ đồng; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hơn 131 tỷ đồng; triển khai cơ chế ủy quyền cho các ngành và địa phương, giúp giảm bớt thủ tục hành chính; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức 1,2  lần…

Một trong những nội dung chưa thực hiện là việc bán tài sản không sử dụng của tổ chức, cơ quan Trung ương trên địa bàn TPHCM. Điều này cho thấy, các bộ, ngành chưa thực hiện xong việc kiểm tra, rà soát tài sản để thanh lý và cũng chưa có sự giám sát kịp thời của cơ quan dân cử. Trong thực tế có bộ, ngành còn đem cho thuê tài sản công không đúng mục đích.

Làm việc với lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên xem xét có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Thiết nghĩ, trong trường hợp chưa thay thế, Nghị quyết 54 cần được gia hạn. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị, trong đó có chương quy định về đô thị đặc biệt như TP.Hà Nội và TPHCM, tránh trường hợp có quá nhiều cơ chế đặc thù.

Tốc độ tăng trưởng của TPHCM gần đây chậm lại một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng phần quan trọng là do còn nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ như thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực... 

Khi có thể chế, chính sách phù hợp, TPHCM có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ. Khi tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM ở mức hợp lý, tình hình ngập nước, kẹt xe sẽ khác. (Năm 2022, tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 21%. Năm 2003, tỷ lệ này là 33%. Các thành phố lớn trên thế giới có tỷ lệ giữ lại 46%, thấp nhất là 33%).

Nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cho TPHCM được đặt ra, trong đó có cơ chế cho chính quyền đô thị, thành phố trong thành phố, cơ chế tài chính mở đường triển khai các nội dung xây dựng “trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM”. Cơ chế, chính sách phù hợp được xem là “bà đỡ” cho tăng tốc phát triển.

Phạm Phương Thảo

(Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI