Chìa khóa giải quyết việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên

10/03/2024 - 08:18

PNO - 9g sáng 10/3, buổi thảo luận truyền hình (talk show) “Phụ nữ thời đại mới” năm 2024 với chủ đề “Bài toán đào tạo, việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức bắt đầu.

 

Các chuyên gia tham gia chương trình
Các chuyên gia tham gia chương trình. Từ trái sang: Nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM; bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM; PGS. TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học và phát triển.

Mở đầu chương trình, bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: "TPHCM là địa phương có đông lực lượng lao động. Theo thống kê, trong năm 2023 có trên 4,7 triệu lao động tham gia các thành phần kinh tế (trong đó lao động nữu chiếm 46%). Mỗi năm các thành phần kinh tế thu hút khoảng 310.000 lượt lao động vào làm việc. Năm 2003 số lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 10.500 người. Chúng ta biết rằng, trong năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của 1 số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, chịu tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, dẫn đến người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM
Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%, nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% số lao động nữ thất nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng...

Năm 2024, thị trường lao động sẽ còn nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn; nhưng với quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ lãi suất,… giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Và tôi tin chắc trong năm 2024 sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển.

Với dự kiến mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5%, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (thuộc Sở Lao động - TBXH) dự báo cung lao động khoảng 4,8 triệu người; cầu lao động khoảng 300.000 - 320.000 chỗ làm việc. 
Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%. Trong đó yêu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87% tổng nhu cầu nhân lực.

Về phía trung tâm dịch vụ việc làm, Sở có chỉ đạo trung tâm thực hiện tổ chức kết nối việc làm cho người lao động thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp có cơ hội ngồi lại tìm hiểu, trao đổi, thỏa thuận và thống nhất trước khi quyết định vào làm việc. Với thành phố Thủ Đức, Sở đã đề nghị địa phương có sự quan tâm theo dõi về tình hình lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời kết nối, giải quyết trên địa bàn của mình và tăng cường thông tin các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động, thông qua việc cho vay vốn ưu đãi giúp người lao động tự tạo việc làm hoặc tham gia các chương trình làm việc ở nước ngoài. 

Dưới góc độ của Sở, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM, Bảo hiểm Xã hội TPHCM, Ban Quản lý Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM… theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp và chuỗi xây dựng lao động, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, làm ảnh hưởng đến việc làm hoặc mất việc làm của người lao động. Thông qua đó, chúng ta rà soát và tổ chức thực hiện đúng các nghị định, các chế độ chính sách cho người lao động theo đúng quy định pháp luật và giảm thiểu tình trạng biến động lao động trong thời gian qua và sắp tới.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học và phát triển: "Tôi muốn hỏi bà Lượng Thị Tới trong thời gian tới, liệu TPHCM, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM có tái cơ cấu các trường dạy nghề không vì hiện nay, tôi biết nhiều trường đóng cửa hoặc không có học trò. Chúng ta có nhân dịp này để tái cơ cấu, làm thế nào để những người phụ nữ không nghĩ rằng những nghề chăm sóc người già, dưỡng lão trong bệnh viện hay giúp việc nhà là việc làm ở tầm thấp… mà cần phải xác định đó là một nghề đàng hoàng trong danh mục nghề nghiệp, có bảo hiểm xã hội. Với tư cách cá nhân, bà nghĩ như thế nào?''

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội và phát triển
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội và phát triển

Bà Lượng Thị Tới: Đây là một câu hỏi rất hay. Về chiến lược đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được TP rất quan tâm, trong đó Sở LĐTBXH giữ vai trò thường trực tham mưu cho UBND TPHCM. Hiện nay, Sở đã hoàn thành tham mưu quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM và chia thành từng giai đoạn. Tôi tin quy hoạch này sẽ nhắm tới những thay đổi cho thích ứng với nhu cầu làm việc của người lao động. Sở cũng đã và đang tham mưu chiến lược việc làm giai đoạn 2023 – 2025 và tầm nhìn 2030. Những vấn đề băn khoăn đặt ra của giáo sư cũng nằm trong dự tính chiến lược việc làm đó.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: "Như chị đã chia sẻ thì kênh xuất khẩu lao động các chị phụ nữ trung niên vẫn có thể tham gia được. Vậy Sở có kế hoạch nào cho đối tượng này?''

Bà Lượng Thị Tới: ''Vấn đề xuất khẩu lao động phụ thuộc nhu cầu các nước họ cần gì ở mình. Do vậy có những chính sách liên quan lực lượng lao động nữ, Sở LĐTBXH sẽ hết sức chú ý để đưa vào những chương trình giới thiệu rộng rãi thông qua sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động TPHCM, Phòng Lao động các quận, huyện để triển khai rộng khắp''.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: "Qua trình bày của bà Lượng Thị Tới thì có thể thấy những điều tươi sáng hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, để người phụ nữ chờ đợi nền kinh tế khởi sắc lại thì từ giờ đến đó họ sẽ sống như thế nào là câu hỏi rất khó. Hay họ lại kéo nhau về quê? Và tôi muốn chuyển vấn đề này đến bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ TPHCM – câu hỏi là: Hội đã có những chương trình, kế hoạch gì để hỗ trợ cho các lao động nữ đang gặp khó khăn?"

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ TPHCM thông tin: "Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ Nữ TPHCM có nhiều đề án hỗ trợ các chị em phụ nữ tiếp cận thông tin, nhất là các sàn giao dịch việc làm, thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp... Để người phụ nữ có được công việc, tạo thu nhập trong gia đình cũng như có điều kiện lo cho con cái học tập thật tốt luôn là việc mà chúng tôi rất quan tâm, nhất là từ sau dịch COVID-19. Chúng tôi có những kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị, đặc biệt là những nơi đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động với các dịch vụ, hoạt động mà phụ nữ trung niên có thể tiếp cận hoặc khởi nghiệp bằng chính nghề của mình. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Chẳng hạn, trong ngày 8/3 vừa qua, Hội LHPN TPHCM đã ký với các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng gần 10 tỷ đồng cho các chương trình để đào tạo nghề miễn phí cho chị em.

Các chương trình không chỉ hỗ trợ cho các chị em về nghề mà có những trường hợp khó khăn, chúng tôi vận động hỗ trợ các phương tiện lao động. Đây là một trong những việc mà Hội đã, đang thực hiện và sắp tới sẽ đẩy mạnh".

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa chuyển câu hỏi của chị Hoàng Thị Liên (độc giả Báo Phụ Nữ) cho Hội LHPN TPHCM với nội dung: "Có quỹ nào có thể bảo lãnh tín chấp cho cá nhân vay được không vì tôi muốn vay khởi nghiệp nhưng lại không có tài sản thế chấp. Thực tế, có những người chỉ cần khoảng 3 - 4 triệu để bắt đầu bán hàng hoặc 1 gánh mì thôi?''

Bà Trần Thị Phương Hoa trả lời: ''Chúng tôi có quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hoạt động được hơn 20 năm, mức vay cao nhất là 100 triệu đồng, trung bình khoảng 50 triệu đồng. Tất nhiên để cho vay, theo quy định chúng tôi phải thẩm định các chị cần vốn và sử dụng đồng vốn như thế nào. Ngoài ra, có những trường hợp các chị rất khó khăn, chúng tôi có thể hỗ trợ phương tiện, như: máy gia công, máy may công nghiệp và nhiều phương tiện kinh doanh khác.

Bài toán việc làm cho phụ nữ đã được Hội làm rất nhiều năm, không phải đến sau dịch COVID-19 mới thực hiện, chúng tôi cũng đã phối hợp với các dịch vụ lao động. Ngay cả danh mục nghề mình không có như việc nuôi người bệnh chúng tôi cũng phối hợp để đào tạo cho các chị. Phối hợp với trung tâm phục hồi chức năng các quận để đào tạo nghề cho các chị bằng quỹ hoặc vận động từ các doanh nghiệp hỗ trợ các chị.

Một trong những việc mà chúng tôi phối hợp với các trường nghề là thực hiện đào tạo nữ công gia chánh. Chúng tôi cũng đặt hàng những nội dung để các chị bên cạnh việc học có thể thực hành ngay tại các hộ gia đình để có thu nhập.

Khi thời đại chuyển đổi số thì thị trường lao động cũng chuyển đổi và chúng ta phải thức tỉnh để làm sao thực hiện những công việc mới. Đây là cơ hội để phát triển những trải nghiệm và thể hiện năng lực của mình. Ví dụ, những lớp hướng dẫn các chị em livestream bán hàng trên công nghệ, hướng dẫn các chị định vị bản thân, giới thiệu sản phẩm…
Tôi xin nhấn mạnh, quan trọng vẫn là tâm thế của các chị thật sự muốn đi làm và muốn học nghề.

Trong khi đó, theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện có 4 vấn đề:

Thứ nhất, do kinh tế khó khăn nên các doanh nghiệp tự đóng băng, thu hẹp quy mô sản xuất. 

Thứ hai, do sức mua giảm. Lực lượng lao động tại các doanh nghiệp đều làm lao động phô thông nên mất việc sớm.
Thứ ba, hiện nay người lao động đều bị thách thức bởi đầu vào tăng, doanh nghiệp thì chịu sức ép chi phí quản lý, dẫn đến tiền lương của người lao động giảm. Cuối cùng người lao động trung niên phải chịu hết. 

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Những doanh nghiệp bán hàng điện tử, điện máy… ngày trước ồ ạt mua bán, giờ người dân chỉ mua sản phẩm trong ngành thực phẩm thiết yếu. Mật độ sử dụng giảm, chỉ ưu tiên mua hàng ăn hàng ngày. Do đó, các ngành “con gà đẻ trứng vàng” không bán được nữa. Mạng lưới dày đặt của các lĩnh vực này phải đóng cửa, số lượng lao động chính là nữ phải mất việc. 

Hiện nay, nhà nước cũng đang tìm cách hỗ trợ cho lực lượng lao động. Dưới góc nhìn theo dõi thị trường tôi thấy có những cơ hội việc làm cho nữ như sau:

Gần đây, các công ty thâm dụng lao động như may mặc, giày da có đơn hàng lại, bắt đầu tuyển nhân viên nhưng người lao động đã đi về quê hết rồi. Tôi quan sát thấy các địa phương, kể cả các địa phương xa có các xí nghiệp sản xuất khai thác tài nguyên bản địa bằng những công nghệ mới. Đáng mừng là có lớp trẻ đi học đàng hoàng về địa phương mở cơ sở sản xuất nhỏ, đáp ứng và giải quyết nhu cầu lao động địa phương. 

Đi làm nuôi người bệnh trong bệnh viện là dịch vụ có nhu cầu lớn và nhiều dịch vụ khác dành cho phụ nữ trung niên. Ngay cả nhu cầu tìm người giúp việc cũng khó khăn dù lao động thất nghiệp nhiều. Nhà tôi có nhờ các bạn trung niên làm việc nhà, họ phải chạy sô như ca sĩ. Qua đó cho thấy cuộc sống đô thị thay đổi, cấu trúc công việc phong phú hơn. Tôi tin rằng có những doanh nghiệp tư nhân sẽ có sáng kiến góp sức nhà nước giải quyết lao động và hiện tôi có 1 người bạn cũng đang có 1 doanh nghiệp như thế.

Phải làm sao dạy nghề nhưng người lao động tiếp thu và nhớ, phải làm sao cho cung cầu đi song hành nhau. Nhiều người kêu ca không tìm được người giúp việc, trong khi nhiều người lại thất nghiệp. Các bạn ở Báo phụ Nữ TPHCM nghĩ ra chủ đề này không chỉ tạo ra nhịp cầu mà có thể kết nối cả hệ thống truyền thông của trung ương để kết nối cung cầu lại. 

Ví dụ chúng ta có hệ thống bán lẻ, có nguồn lực về công nghiệp rộng khắp là “mama shop” - tự tạo việc ở nhà. Các bạn tự bán hàng live stream, có thể mở các chương trình huấn luyện đơn giản cho các bạn làm. Có nhiều bà má vừa đưa võng ru con ngủ nhưng vừa live stream bán hàng rất… mát trời. Nhiều người live stream xong, kêu shipper trong xóm giao hàng, tự nhiên hình thành mạng lưới phân phối. Họ có khát vọng tạo ra được công việc có thu nhập và lợi nhuận, Hội LHPN TPHCM và Sở LĐTBXH cần quan tâm vấn đề này.

Trước các thông tin trên, chị Nguyễn Thị Ngọc (độc giả Báo Phụ Nữ) hỏi: "Em năm nay 36 tuổi, có kinh nghiệm làm công nhân da giày 15 năm, hiện đang thất nghiệp. Xin hỏi Nhà báo Vũ Kim Hạnh em có nên tiếp tục đi xin việc ở công ty da giày hay đi học nghề mới. Nếu học nghề, xin cô tư vấn giúp em học nghề nào sẽ dễ tìm được việc làm?"

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết: "Tôi không thể rà các công ty để thông tin, bạn phải rà soát thêm. Theo tôi, các bạn cứ bình tĩnh, ngồi bàn bạc với gia đình. Nếu nghề "tay mặt" mà mình đã lớn tuổi thì cần coi lại nghề "tay trái'' là gì, có đủ kiên nhẫn không, có biết công nghệ thông tin không. Mới biết mình có khả năng như thế nào rồi tìm cách. Chỉ có bạn mới biết bạn thuận nghề gì, tìm nơi dạy, tìm nơi thuê mình. Đó là chặng đường cần kiên nhẫn. Bạn có thể gửi thư cho tôi, hoặc gửi đến Báo Phụ Nữ để giới thiệu cho bạn có thể đi học... 

Bạn Hữu Nguyên - sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM (độc giả Báo Phụ Nữ) đặt tiếp câu hỏi: "Chị em phụ nữ đang thiếu thông tin việc làm. Muốn tìm kiếm thông tin việc làm trên thị trường thì tìm kiếm đâu ra?''
Bà Vũ Kim Hạnh, đề nghị: ''Tôi muốn hỏi Hội LHPN, Sở LĐTBXH có các nhóm chát tư vấn việc làm không? Nếu chưa, thì nên tạo để có nhịp cầu và tương tác nhanh với người lao động''.

Hỏi: Lao động nữ trung niên khi bị sa thải thì được hưởng những chế độ gì và làm gì để được bảo vệ quyền lợi khi bước ra khỏi nhà máy?

Chị Hoàng Thị Thương, Q.Gò vấp, TPHCM

Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM:
Để bảo vệ chính mình, người lao động phải có sự phát triển nghề nghiệp của mình, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để gắn bó và không bị sa thải, tự tìm hiểu về các luật lao động để tự nâng cao nhận thức, tham gia quá trình tự thương lượng đối thoại với chủ lao động để có sự hài hoà, tránh tranh chấp lao động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và lao động. 
Theo quy định doanh nghiệp phải thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì người lao động có thể phản ánh đến Phòng Lao động thương binh xã hội địa phương, hoặc liên hệ với Thanh trả Sở LĐTBXH để chúng tôi kiểm tra và làm rõ nội dụng doanh nghiệp chưa thực hiện với người lao động”

Người lao động khi bị sa thải nên liên hệ đến các trung tâm dịch vụ việc làm công lập, các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ việc làm để được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo năng lực, chuyên môn. Ở Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH luôn có sàn giao dịch viêc làm trực tuyến, người lao động có thể truy cập website để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp phù hợp với chuyên môn của mình, dịch vụ này hoàn toàn miễn phí. 

 

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM (ngoài cùng, bên phải) tặng hoa cảm ơn các chuyên gia tham gia chương trình.
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM (ngoài cùng, bên phải) tặng hoa cảm ơn các chuyên gia tham gia chương trình. Ảnh: Tam Nguyên

Xem trực tiếp:

 

Hiện nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM đang xảy ra tình trạng phụ nữ trên 40 tuổi bị mất việc làm. Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước khiến cho các nhà máy, cơ sở sản xuất không có đơn hàng, buộc phải sa thải người lao động.

Thứ hai, việc đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng thành quả của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa dẫn đến không cần nhiều lao động phổ thông nữa. Do vậy, một số nhà máy buộc phải sa thải công nhân, mà đối tượng đầu tiên là nữ công nhân lao động phổ thông trên 40 tuổi. Nguyên nhân họ bị sa thải một phần là lớn tuổi, trong khi ngoài cổng nhà máy luôn luôn có những người trẻ đang chờ. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là họ không theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thiếu kỹ năng ở trình độ cao và đã ở độ tuổi trung niên nên rất khó thích ứng với hoàn cảnh mới.

Talk show “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” sẽ là diễn đàn để bàn bạc giải pháp về việc làm cho phụ nữ trên 40 tuổi bị mất việc.

Tham gia talk show có các chuyên gia, đại diện các sở, ngành. Trong đó có:

- PGS. TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học và phát triển

- Nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

- Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM

- Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM

Chương trình được ghi hình trực tiếp tại trụ sở Báo Phụ nữ TPHCM, phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên Fanpage, trên Báo Phụ nữ TPHCM điện tử (phunuonline.com.vn), trên Fanpage của Hội LHPN TPHCM và các cấp hội phụ nữ.

Ngọc Tuyết - Thanh Hoa

Ảnh: Nguyễn Quang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Lệ 10-03-2024 09:45:02

    Tôi bị mất việc nửa năm xin đâu cũng không được. Giờ đi làm lao công theo giờ thì cũng có tiền nhưng bấp bên quá, bảo hiểm không có

  • Ánh Ngọc 10-03-2024 09:41:53

    Cho em hỏi, hiện nay, Hội LHPN TPHCM có tổ chức những mô hình gì tại các khu nhà trọ để giúp đỡ, hỗ trợ các nữ công nhân về đời sống, tinh thần cũng như việc làm hay không ?

  • Bình Nguyễn 10-03-2024 09:35:13

    Lao động chân tay lúc nào cũng khổ, dù thiếu lực lượng này là không được. Phụ nư lao động chân tay càng khổ hơn. Trí thức thì trung niên được đánh giá là có kinh nghiệm nên được làm quản lý, còn lao động chân tay mà trung niên thì bị coi là già, năng suất kém.

  • Nguyễn Thị Ngọc 10-03-2024 08:31:40

    Em năm nay 36 tuổi, có kinh nghiệm làm công nhân da giày 15 năm, hiện đang thất nghiệp. Xin hỏi Nhà báo Vũ Kim Hạnh là em có nên tiếp tục đi xin việc ở công ty da giày hay đi học nghề mới. Nếu học nghề, xin cô tư vấn giúp em học nghề nào sẽ dễ tìm được việc làm ?

  • Le Thi Thu 10-03-2024 08:30:31

    Thực tế hiện nay, lao động nữ, đặc biệt là lao động ngoài 35 tuổi có nguy cơ cao bị cắt giảm nhân lực, thì bản thân người lao động cần phải làm gì để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân?

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu