Chỉ có giấc ngủ là thật

11/09/2019 - 12:28

PNO - Tôi đi qua những thị trấn miền núi Đông Trường Sơn, nơi lúc thập thò, lúc phô phang ứ hự đặc sản rừng, luôn được nhắc “cảnh giác, có màu rừng nhưng bụng miền xuôi đó”.

Tôi đến lần thứ hai mới gặp. Bà Joi phải một lát sau mới về. Nhễ nhại và bụi bặm. Chiếc gùi nhẹ bẫng sau lưng bà với chút ít rau rừng. Vẫn cái nhìn đằm thắm, nụ cười thân thiện, thật lòng và ngại ngùng. Người miền núi ngại ống kính, nhưng rất thích chụp, có lẽ quanh họ là cây rừng với cái nhìn thật chứ không ảo, bởi rừng sinh họ ra, như mẹ thì không bao giờ dối con. Thả chiếc gùi xuống cạnh cái bếp ám khói, bà ngước nhìn không khách sáo: “Ở ăn cơm nghe, tối rồi, ở uống rượu với ổng, lâu không thấy em lên mà”. “Thì uống, nhưng trước khi uống, cho em xem cái chiếu đi...”. 

Chiếu trải ra. Mát, mịn hơn chiếu cói hay lát, bởi thiết diện to hơn, dịu hơn, màu không vàng óng tự nhiên mà hơi ngà. Những hoa văn vuông, xéo, mô phỏng hình hoa rừng, vốn luôn có mặt trên những váy, áo, tấm tút, tấm dồ con gái mang theo về nhà chồng. “Chiếu làm bằng chi?”. “Bằng dứa rừng đó”. “Dễ tìm không?”. “Trước thì dễ, nay khó rồi! Phải đi xa, rẫy giờ cũng ít rồi, vì không làm lúa bắp mà trồng cao su”.

“Ủa, sao lâu nay em không thấy chị dệt?”. Ông Briu Pố - chồng bà đỡ lời: “Ôi, do người ở Hà Nội đặt đó. Họ làm nghiên cứu miền núi, năm ngoái dệt thử cho họ một chiếc mang về, năm nay họ vô lại, nói thích quá, đặt mười cái”. “Mỗi cái làm bao lâu, hoa văn màu đen đỏ lấy chi nhuộm?”. “Cả tuần mới được một cái đó. Màu đỏ thì cây A păng. Màu đen thì dễ hơn, cũng từ cây thôi, đập ra, lấy nước rồi nhuộm”.

“Mỗi cái bao nhiêu?”. “Ngày công hai trăm ngàn”. “Nó bền không?”. Ông Pố ngước lên: “Chiếu dứa là đồ nằm truyền thống người Cơ tu, mấy chục năm không hư đó em”. “Sao lâu nay không dệt nằm?”. “Ôi, mất công, chiếu nhựa chiếu tre bây giờ tiện, rẻ hơn…”, cái cười hà hà ngượng ngùng của ông chồng khiến bà cười theo.

Chi co giac ngu la that
Vợ chồng ông Briu Pố và bà A Lăng Thị Joi

Ngang mét hai, dài mét tám, nhẹ hơn chiếu lát, cuốn tròn cũng nhỏ hơn. Tiện. Vui chuyện, ông chồng đem ra cái gối cũng bằng dứa. “Họ cũng đặt làm đó, hai ngày xong một cái”. Gối nhẹ tênh, đàn hồi cao. “Bên trong là chi vậy anh?”. “À, lá chuối khô nhồi trong đó, gối sẽ rút mồ hôi nhưng không bay mùi, bền lắm!”. Kinh ngạc! Ngó quanh không thấy khung dệt như dệt vải. “Ủa, khung đâu chị?”. “Làm chi có, chị đan bằng tay”.

Lá dứa chặt về, phơi khô, lấy sợi dây cước nhỏ quấn vào hai đầu ngón tay làm thành lưỡi cưa, đưa lá vào đó tước, đường đi sẽ sắc và đều hơn dùng hai tay xé. Nhìn bà cúi mình trên chiếu, tỉ mẩn luồn, gác, kéo, so, xếp hoa văn, nghĩ đến những khúc đoạn của giấc ngủ. Trừ đứa giả ngủ giả chết để bắt quạ, thì chỉ có giấc ngủ là thật, dù tự nhiên hay uống thuốc, thì khi ngủ nó sẽ không mang một thứ áo khoác, không cần thuyết giảng, học hành, lên lớp, dạy khôn, sợ hãi, câm nín, sang, hèn, đói, khổ...

Bình đẳng hết. Ngủ là điều có thật! Nghĩ điều đó bởi muốn hỏi ông chồng, vốn được xem là cổ thụ ở vùng Tây Giang - Quảng Nam này, một người mà cứ “sợt“ Google “vua trồng ba kích ở tây giang”, là ra; một người Cơ tu đầu tiên có bằng đại học nhưng chán lãnh đạo nên bỏ về khi mới ra trường được bốn năm; giỏi tri thức bản địa, uy tín cao, có tài điêu khắc…

“Vậy chiếu này… làm thật hả anh?”, tôi vừa cười vừa hỏi. Biết tôi “xỏ”, ông cười: “Không giả được đâu em ơi. Biết kỹ thuật đan chiếu như thế này, người Cơ tu ở xã Lăng giờ còn chừng mười bà, bà chị mày là đan giỏi nhất. Giờ chẳng ai thèm làm nữa đâu, mất công, mà sợ lắm lo lắm, bây giờ giả nhiều lắm em ơi!”.

Miền núi không còn nguyên thủy, không hoàn nguyên giấc mơ mọc lên, xanh, rồi rụng, rồi mọc… như lá rừng. Sâm Ngọc Linh giả. Ba kích giả. Mật ong giả. Cao hổ giả. Rượu giả. 

Làm hồ sơ chính sách giả. Heo, gà giả. Suy nghĩ giả nhưng ăn thật. Dự án giả thiệt hại thật. Vẽ chuyện hay nhưng làm giả để lừa đồng bào… Tôi đi qua những thị trấn miền núi Đông Trường Sơn, nơi lúc thập thò, lúc phô phang ứ hự đặc sản rừng, luôn được nhắc “cảnh giác, có màu rừng nhưng bụng miền xuôi đó”. Đồng bào bây giờ cũng lười suy nghĩ, làm lụng; quên tập tục, phong tục; càn lướt văn minh nhanh như điện, học đòi làm theo dưới xuôi, nhưng không phải dại đâu, khôn lắm, cứ đem cái mác miền núi ra mặc cả với nhà nước về quyền lợi.

“Người ở Hà Nội có nói đặt làm nhiều không?”. “Có, nhưng chị mệt quá”. “Họ muốn mua nhiều nhưng mình không có sức thôi em”, ông chồng thêm. “Chị phải đi rẫy, bữa nào rảnh mới làm. Làm chiếu thì thu nhập khá hơn, nhưng không bỏ rẫy được. Ráng làm để con gái nó biết, sau này không biết nó có làm theo không…”. Bà vẫn cúi xuống chiếu và trả lời như dáng cúi mình trên rẫy, cúi mà địu con, quần quật, dẻo dai, nhẫn nhục muôn đời của người đàn bà miền núi.

Đã quá ngán thị thành như trường bắn khổng lồ, man rợ và kinh hoàng, bây giờ người ta tìm đến rừng, lấy màu xanh của núi dát vào thị giác, và rừng từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của du lịch, được gắn bởi đủ thứ tên mỹ miều.

Sự trỗi dậy của người ùn ùn đâu đó đến đi kèm một bảo bối duy nhất là lòng tham, khiến thần linh cũng ngán. Cây bị chặt phá, suối bị ngăn, người bị dồn đuổi và cải tạo. Những điều tưởng chừng không bao giờ có thể bị thay thế, mất đi, ví dụ như niềm tin vào lời thề với giàng, vốn là di sản tinh thần, là chỗ dựa sống chết, cũng bị đánh tráo, lãng quên.

Chẳng ai ở rừng chết cả, mà “được” làm mới, và cay đắng thay, họ từ ngại ngần rồi đi đến tự nguyện, mạnh dạn. Những đoàn thiện nguyện đi về vùng xa, tin đi, hãy đi về thật xa, càng xa thì trọng lượng của niềm tin càng bớt vơi đi. Những đứa trẻ đen nhẻm, rách rưới, mắt trong veo như nước suối, cái ăn cái mặc, sách vở tươm tất nhiều khi mơ cũng không dám, nhìn tội nghiệp lắm, bởi sự thánh thiện, chỉ có sự thánh thiện thôi, trùm bọc.

Nhưng rồi, thử đi, hãy án chừng bao năm sau khi nó trưởng thành, bạn quay lại, sẽ thấy ánh mắt nó khác, nếu như ở đó sức sống trỗi dậy chỉ từ những hào nhoáng vô lý đến từ trợ lực, phù phép bên ngoài, trét phủ bởi những thứ mà ở miền xuôi người ta né tránh, chứ không phải bằng cánh tay lực lưỡng của những tráng sĩ rừng xanh.

Chi co giac ngu la that
Chiếu và gối từ dứa rừng

Chiếc chiếu trên tay bà Joi dài ra. Đã qua ngày thứ năm rồi, còn hai ngày nữa thì xong. Kiếm ăn đúng nghĩa, chân chính, là bật máu. Ở đâu cũng thế. Đồng tiền làm ra bởi những phương thức làm ăn phổ biến từ đám đông, sẽ không cần phải để ý, nhưng nếu nó sản sinh từ bộ óc tài giỏi, đôi tay tài hoa, thì mọi sự mặc cả, đo đếm giá trị lao động của họ, là trò cười chua chát, bởi không đồng tiền nào sinh được sáng tạo nếu không có những bộ óc trời cho.

Đám đông tuy thừa nhận nhưng bảo đãi ngộ đúng đắn thì tắp lự lắc đầu, xem xét, nâng lên hạ xuống như mua mớ rau. Ai nói chi thì nói, xứ này gọi là biệt đãi người tài, với tôi, là trò đùa. “Mình làm kiếm ăn thôi, chẳng ai nói phải làm thêm, dạy thêm, nhân rộng chi đó này nọ đâu…”, ông Pố trầm tư. “Mà nhiều khi chừng này cũng được em à, mình yên tâm, rộng ra tùm lum, sẽ có ngày mang tiếng làm giả”.

“Chiếu này dùng để ngủ chứ ?”, tôi lại “cà khịa”. “Cái thằng này, ngủ chứ làm chi!”. “Ngủ là thật…”. “Ngủ mà không thật, đến lúc muốn ngủ thật cũng không được đâu em!”. Đến lúc này thì bà Joi thở dài: “Già rồi, ngủ ít lắm!”. Hình như chỉ khi nào già rồi, con người ta mới quý chiếc chiếu. Bởi ở đó, lúc đó, thật ra thật, giả ra giả… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI