Chùa Cầu, sắp... chết lâm sàng vẫn loay hoay thuốc chữa

09/09/2019 - 07:29

PNO - Nhạy cảm, đó là điều ngán ngại nhất khi trùng tu Chùa Cầu. Bởi mỗi chi tiết ở đây đều có linh hồn riêng, không thể để mất đi, cũng không được làm trẻ hóa.

Cùng với sự kiện 20 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản thế giới, thì việc Chùa Cầu - một biểu tượng của di sản này, bị xuống cấp và ô nhiễm, vẫn là câu chuyện mở đầu nhưng không có hồi kết cho những tranh luận về trùng tu. Để nó mục nát thì không thể, nhưng sửa chữa thế nào lại là điều vô cùng khó khăn. Nhiều người nói rằng, khó nhất không phải kỹ thuật, mà quan trọng hơn là tâm lý mới - cũ đè nặng chẳng biết làm sao hóa giải. Những hội thảo, tranh luận trong và ngoài nước mở ra liên tục, nhưng nói hết hơi cũng đành… bất lực để đó.

Cây cầu bốn trăm tuổi, đi cùng những thăng trầm của Hội An, khảm vào bao thế hệ người dân Phố Hoài và du khách, là một trong những chứng nhân của thương cảng rực rỡ một thời. Nhưng dẫu là gì thì cây cầu gỗ đâu phải thần thông mà cưỡng lại thời gian khắc nghiệt. Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, quanh năm ngập nước, tuổi thọ đã lớn, lượng du khách đến ngày một đông… Tất cả đè lên vai cây cầu chênh vênh hai chữ tử - sinh.

Đánh giá mới nhất của cơ quan chuyên môn tại Hội An là phần móng lẫn phần thân trên cầu đã hư mục nghiêm trọng đến 50%. Hệ cột, giằng và vì kè bị nát, mộng bị vỡ và giãn, liên kết bị cong, đầu cột, chân cột bị mục, có chỗ liên kết mộng hở ra từ 10-17cm, phần mái dột nhiều chỗ khiến rui, kèo cũng mục theo… Rất nhiều lần người của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phải lội xuống gầm di tích để kê, chống tạm thời.

Chua Cau, sap... chet lam sang van loay hoay thuoc chua
Phần móng Chùa Cầu đang bị mục nát

Bao lần nhận diện nguy cơ và kết quả vẫn là y chang, càng gây lo ngại lộ thêm nguy cơ, nhưng bài toán cuối cùng vẫn không có cách giải. “Đến ngày 30/10 năm nay, chúng tôi phải trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phương án trùng tu Chùa Cầu”- ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa - Thể thao Hội An - cho biết. Theo ông Hưng, cơ quan chuyên môn của Hội An đang làm hồ sơ. Đã bao lần các chuyên gia trong và ngoài nước nêu ra hai phương án: một là hạ giải hết, làm mới; hai là sửa chữa từng phần.

Phương án một vấp phải phản ứng của địa phương, nói như một lãnh đạo Hội An thì làm kiểu đó khác chi biến Chùa Cầu từ bà lão thành đứa trẻ một tuổi. Phương án hai xem ra khả thi hơn, nhưng không biết sửa chữa thế nào, bắt đầu từ đâu. Các chuyên gia Nhật Bản từng đưa ý kiến để họ hạ giải hết và làm lại cây cầu hệt như bản chính. Phương án này không được chấp nhận, bởi không ai đảm bảo được cách thức tối ưu nhất là gì, kết cấu của cầu đã được đánh giá đúng chuẩn hay chưa. Nhưng quan trọng hơn là tâm lý hoài cổ của người Việt.

Ông Hưng nói: “Đó chính là áp lực của Hội An. Nếu làm mới, họ sẽ nói còn gì là di tích nữa. Đã là di tích thì phải bảo tồn, không thể làm mới, nhưng hư hại thì phải sửa chữa. Chúng tôi vẫn nghiêng về sửa chữa từng phần; thi công, kỹ thuật là của Hội An, không có yếu tố nước ngoài. Tôi tin là Hội An làm được”. 

Khi được hỏi Chùa Cầu đang là nơi thu hút du khách; có cả yếu tố tâm linh của người Hội An, thì địa phương sẽ tính toán ra sao với dư luận khi tiến hành trùng tu? Ông trả lời: “Đây là chuyện khó khăn, tế nhị, nếu không khéo sẽ to chuyện. Quan điểm của Hội An là trước khi tiến hành trùng tu, sẽ thông báo rộng rãi cho dư luận biết. Chúng tôi sẽ quây khu vực trùng tu lại, phần không sửa chữa vẫn để nguyên, để ai cũng thấy Chùa Cầu còn đó chứ không phải đập bỏ hoàn toàn. Khi tiến hành sửa chữa, chúng tôi sẽ ghi hình, đo đạc, khảo tả, tập hợp thành sách để người ta biết, rằng như thế này thì phải sửa chữa dù tốn kém đến đâu. Không làm thì sập, làm thì đắn đo, âu lo. Làm sao khi đang tiến hành trùng tu, du khách vẫn đến thăm được, mới là chuyện đáng nói”.

Chua Cau, sap... chet lam sang van loay hoay thuoc chua

Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, từng cho rằng: kiến trúc gỗ hư hỏng thì phải hạ giải mới xác định được. Ý kiến khác của một chuyên gia tại Viện Bảo tồn di tích là hư thì phải sửa, cấu trúc gỗ của Chùa Cầu khá đơn giản, nên với kỹ thuật bây giờ, chuyện sửa chữa hoàn toàn khả thi. Đã có vài ba hội thảo cấp tỉnh, gần mười hội thảo tổ chức tại Hội An về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có giải pháp chốt hạ, bởi các ý kiến của những người làm công tác bảo tồn vẫn chưa thống nhất. Lần này trình Trung ương, chắc chắn và hy vọng, nhưng liệu có chắc đây là lần cuối cùng? 

Nhạy cảm, đó là điều ngán ngại nhất khi trùng tu Chùa Cầu. Bởi mỗi chi tiết ở đây đều có linh hồn riêng, không thể để mất đi, cũng không được làm trẻ hóa. Một ý kiến không thành văn nhưng được người Hội An truyền nhau lâu nay là “huyệt đạo” chính của Chùa Cầu nằm ở phần dưới móng, kéo dài rộng ra, ẩn chứa nhiều bí mật, nên chuyện giao cho nước ngoài hạ giải, làm mới hết, là tuyệt đối không thể. Chuyện này chính xác hay không, là thuyết gì đi chăng nữa, thì sự thật hiển nhiên là Chùa Cầu đã mục nát ở mức báo động rất nhiều năm nay. Cứ mãi cãi vã, e ngại, lo lắng, có ngày nó sập cái rầm. Khi đó, phải đối diện với sự giận dữ của cộng đồng, thì xin đừng đưa vũ khí quen thuộc lâu nay ra, là đổ thừa. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI