Chỉ có gần một tháng, làm sao chọn được sách giáo khoa?

26/12/2019 - 09:34

PNO - Kết thúc tháng 1/2020, dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách mới hoàn tất việc lấy ý kiến. Không ít thầy cô muốn tranh thủ quãng thời gian hiện tại để nghiên cứu trước cũng không được, vì tới giờ vẫn chưa có sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải chọn xong sách giáo khoa lớp Một mới trước tháng 3/2020. Nhưng kết thúc tháng 1/2020, dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách mới hoàn tất việc lấy ý kiến. Không ít thầy cô muốn tranh thủ quãng thời gian hiện tại để nghiên cứu trước cũng không được, vì tới giờ vẫn chưa có sách.

Muốn nghiên cứu trước cũng không có sách 

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, mỗi trường sẽ phải lập một hội đồng ít nhất mười một người để chọn SGK. Trong đó, có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Có những địa phương yêu cầu giáo viên phải đọc hết 32 cuốn SGK lớp Một để giúp ban giám hiệu chọn ra bộ SGK. Riêng việc phải đọc hết 32 cuốn SGK đã là điều không dễ dàng về thời gian với các thầy cô.

Chi co gan mot thang, lam sao chon duoc sach giao khoa?
Chỉ có gần một tháng, thầy cô không biết sẽ phải đọc và chọn sách giáo khoa như thế nào - Ảnh minh họa

Thầy giáo Nguyễn Văn Diện (tỉnh Yên Bái) trăn trở: “Việc lựa chọn SGK không đơn thuần là đọc một loạt. Tôi muốn dùng từ “nghiên cứu” cho việc đọc SGK, bởi ngoài việc đọc, các thầy cô còn phải nghiền ngẫm phân tích, ghi chép cụ thể từng cuốn để so sánh bộ sách này với bốn bộ sách khác”.

Là người đứng đầu trường tiểu học như thầy Diện, ngoài nhiệm vụ đưa ra thảo luận, góp ý, phản biện; thầy cũng phải “nghiên cứu” cả 32 cuốn sách như các thầy cô giáo khác. Mà, chọn SGK chỉ là một phần công việc trong triển khai chương trình mới. Các thầy cô trong ban giám hiệu, giáo viên cốt cán của trường còn phải tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (TP.Hà Nội) có cùng nỗi lo. Bởi kết thúc tháng Một, Bộ GD-ĐT mới hoàn tất việc lấy ý kiến cho dự thảo thông tư, thì phải thêm một thời gian nữa bộ mới ban hành chính thức thông tư này. Sau đó, bộ còn phải có văn bản hướng dẫn các địa phương, rồi các sở GD-ĐT ra công văn gửi các phòng GD-ĐT. Cuối cùng, phòng GD-ĐT hướng dẫn các trường. Có nghĩa, chỉ khi nào thông tư được ban hành và sở, phòng GD-ĐT hoàn tất các văn bản hướng dẫn, thì các trường mới có thể thành lập hội đồng lựa chọn sách.

Chắc chắn, kể từ khi hoàn tất lấy ý kiến dự thảo (ngày 30/1/2020) đến khi phòng GD-ĐT có văn bản hướng dẫn về các trường, thời gian không thể tính bằng ngày. Với lịch trình gấp rút như vậy, làm sao các trường có thể chọn xong SGK trước tháng Ba?

Không ít thầy cô giáo muốn tranh thủ quãng thời gian hiện tại để nghiên cứu trước, nhưng cũng không được, vì tới giờ SGK vẫn chưa có.

Yêu cầu “thoáng” trong “chiếc áo” chật

Định hướng chung của chương trình mới là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Học sinh được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp…

Và một trong những thay đổi hình thức, phục vụ cho hướng tiếp cận năng lực, là học sinh sẽ ngồi quây theo nhóm để tự học và trao đổi, thảo luận. Thực tế, mô hình ghép nhóm đã được triển khai ở một số địa phương (mô hình trường học mới - VNEN); nhưng dường như mô hình lớp học chia nhóm chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình trường lớp hiện tại.

Sĩ số chuẩn là 35 học sinh/lớp. Nhưng nhiều năm qua, rất ít địa phương có được sĩ số “vàng” này. Chưa kể ở các đô thị lớn, trường lớp luôn rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều giáo viên dạy ở các lớp học có sĩ số “vàng” 35 chia sẻ, với diện tích lớp học 50m2, chia sáu nhóm là lớp không còn chỗ cho học sinh hay giáo viên đi lại.

Với những lớp quá tải, không thầy cô nào dám tự tin có thể dạy theo yêu cầu tiếp cận năng lực. Chưa kể phòng học chật chội, các nhóm học sinh đông như vậy, sẽ rất khó để giáo viên có đủ thời gian đến hết các nhóm để kiểm tra (theo chương trình mới, mỗi tiết học không quá 35 phút).

Đặc biệt, các thầy cô lo mô hình học nhóm khó có thể thực hiện với học sinh lớp Một. Bởi học sinh lớp Một có đặc thù riêng, các em là tờ giấy trắng bước đến trường; chưa biết đọc, chưa biết viết. Thầy cô phải cầm tay uốn nắn từng nét bút, điều chỉnh phát âm từng chữ cái...

Thầy Diện chia sẻ: “Với học sinh lớp Một ở miền núi, mọi việc còn khó khăn hơn rất nhiều. Học sinh của tôi hầu hết là dân tộc thiểu số, còn chưa nói được tiếng phổ thông. Nên thời gian đầu, chúng tôi phải dạy các em học “ngoại ngữ”, “vỡ lòng” được tiếng phổ thông rồi mới dạy chữ được”.

Cũng bởi là chương trình mang tính bước ngoặt, nền tảng, nên có lẽ Bộ GD-ĐT cần cân nhắc, điều chỉnh ở từng “tiểu mục”, để từng thay đổi có thể chậm, nhưng phải chắc chắn; chứ không nên vì để kịp “tiến độ” mà “chạy nước rút” như hiện nay. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI