Chỉ 27% nhân viên y tế ở châu Phi được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ

26/11/2021 - 17:03

PNO - WHO cảnh báo phần lớn lực lượng y tế tuyến đầu của châu Phi hiện vẫn chưa nhận được sự bảo vệ đầy đủ để chống lại dịch COVID-19.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti, cho biết phần lớn nhân viên y tế của châu lục chưa được chủng ngừa 2 mũi vắc xin, vẫn đang tiếp tục tiếp xúc nguy hiểm và có khả năng bị phơi nhiễm trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bà Matshidiso Moeti nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhân viên y tế không chỉ để bảo vệ chính họ mà còn cho bệnh nhân của họ và để đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe tiếp tục hoạt động trong thời điểm vô cùng cấp thiết”.

Tình trạng thiếu nhân viên y tế đang diễn ra vô cùng trầm trọng ở châu Phi.
Tình trạng thiếu nhân viên y tế đang diễn ra vô cùng trầm trọng ở châu Phi

Hiện, chỉ khoảng 27% nhân viên y tế ở châu Phi đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Trong khi đó, một nghiên cứu toàn cầu gần đây của WHO về 22 quốc gia có thu nhập cao cho thấy hơn 80% nhân viên y tế của họ được tiêm chủng đầy đủ. 

Theo dữ liệu của văn phòng WHO khu vực châu Phi, tình trạng thiếu nhân viên y tế ở lục địa này đang diễn ra vô cùng trầm trọng, thậm chí có tới 16 quốc gia có tỷ lệ ít hơn một nhân viên y tế trên 1.000 dân để cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu. Các nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên dân số thấp nhất bao gồm Benin, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Madagascar và Niger.

Cho đến nay, hơn 227 triệu liều vắc xin đã được sử dụng trên khắp châu Phi. Tại 39 quốc gia cung cấp dữ liệu cho WHO, khoảng 3,9 triệu liều đã được tiêm cho các nhân viên y tế.

WHO một lần nữa nhắc lại bất kỳ sự mất mát nào của lực lượng tuyến đầu chống dịch đều ảnh hưởng nặng nề đến năng lực cung cấp dịch vụ cứu chữa bệnh nhân, nhất là trong bối cảnh các nhà khoa học ở Nam Phi tiết lộ rằng họ đã phát hiện ra một biến thể COVID-19 mới với "số lượng đột biến rất cao". Biến thể này cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nam Phi tăng theo cấp số nhân và trở thành mối đe dọa lớn.

“Với sự gia tăng mới về số ca mắc COVID-19 ở châu Phi sau mùa lễ hội cuối năm, các quốc gia phải khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai vắc xin cho các nhân viên y tế” - bà Matshidiso Moeti nói thêm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, đã có hơn 8,6 triệu ca nhiễm bệnh được xác nhận trên khắp châu lục này tính đến hết ngày 24/11.

Chung Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI