Chất vấn Chánh án TAND Tối cao: Kiến nghị bỏ hình thức phiên tòa lưu động

18/11/2017 - 08:19

PNO - Sáng nay, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tôi xin chuyển đề xuất của cử tri TP.HCM, hệ thống tư pháp của chúng ta đóng góp phòng chống tham nhũng cực kỳ quan trọng. Cho nên bây giờ, các chức danh như Điều tra viên, Công tố, Thẩm phán và cả Luật sư khi nhận quyết định bổ nhiệm kết nạp thì phải đọc lời tuyên thệ rằng: 1. Tuyệt đối trung thành với Hiến pháp; 2. Bảo vệ công lý; 3. Tuyệt đối không tham nhũng.

Nếu như bốn ngành này tuyên thệ như thế tôi nghĩ sẽ góp phần tạo sự đột phá trong phòng chống tham nhũng, giúp người dân giám sát tốt hơn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình xét xử, theo dõi quyết định khởi tố, TANDTC nhận được sự hợp tác của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đối với các vụ việc tòa khởi tố ngay tại tòa.

“Tôi có thể lấy ví dụ như vụ Oceanbank, chúng tôi đã thực hiện khởi tố ngay tại tòa. Hay vụ Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi bổ sung khởi tố Trịnh Xuân Thanh ở tòa phúc thẩm về hành vi tham ô hàng chục tỷ đồng. Ngoài Trịnh Xuân Thanh cũng bổ sung khởi tố thêm 3 bị can khác”, ông Bình nói

Về vụ án 3 người oan sai ở tỉnh Điện Biên là điều đáng tiếc. Vụ án này đã xảy ra 27 năm trước, đến nay, có người bị oan sai đã chết.

Khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ này, tôi thấy có dấu hiệu oan sai. Thực chất, vụ án này TAND Tối cao đã hủy từ năm 2003. Nhưng khi hủy xong, Tòa lại chưa có kết luận cuối cùng. Tôi căn cứ vào việc trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu xác định nguyên nhân chết là vỡ sọ. Khi khai quật lần 2 hộp sọ còn nguyên, tôi khẳng định là án oan.

Tôi gọi điện cho Bí thư Điện Biên để phối hợp. Trong thời gian ngắn, chúng tôi họp liên ngành khẳng định đây là án oan và đình chỉnh vụ án. Đại diện 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điên Biên phải xin lỗi 3 người bị oan.

Vấn đề bây giờ là phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm cũng phải được đặt ra. Đầu tiên là 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại để kiểm điểm từ điều tra đến xét xử. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra theo quy định.

Trước đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, năm 2017 toà án xét xử nhiều vụ án tham nhũng trong đó có vụ án Hà Văn Thắm. Trong cuộc chiến không khoan nhượng với phòng, chống tham nhũng, cử tri mong muốn nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Vậy kinh nghiệm qua những vụ án tương tự là gì?", bà Mai nêu câu hỏi.

Bà cũng băn khoăn, vụ án Trương Hồ Phương Nga được dư luận quan tâm vì không chỉ đơn giản là tranh chấp tài sản mà còn liên quan đến giá trị đạo đức nhưng đang tạm dừng. Vậy kế hoạch xét xử thời gian tới và hướng giải quyết vụ việc như thế nào?

Có nên dừng xét xử lưu động?

Phiên tòa lưu động phát sinh các yêu cầu khác như không đảm bảo an toàn, tốn kém. Mỗi năm tòa án chi khoảng 70 tỷ, chưa kể kinh phí do địa phương hỗ trợ. Trong khi nguyên tắc tố tụng khẳng định bị cáo chỉ có tội khi có bản án. Việc đưa xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến người thân bị cáo, từ đó dẫn đến sự việc đang tiếc. Dó đó, chúng tôi yêu cầu Quốc hội dừng xét xử lưu động.

Theo thống kê, tỷ lệ án treo trên thế giới chiếm 60%, còn Việt Nam là 20%. Tỷ lệ án treo tập trung ở các loại án liên quan đến giao thông 46%, án đánh bạc 39%... Thực tế cho thấy tâm lý các thẩm phán là ngại xử án treo, mà xử án giam. Việc này dẫn đến tỉ lệ án treo của chúng ta thấp. Các thẩm phán, hộ đồng xét xử ngại xử treo vì sợ dư luận cho rằng có vấn đề gì trong xử án. Hơn nữa, đối với các vụ án xử treo, chúng tôi sẽ xem xét đầu tiên khi thanh, kiểm tra.

Tuấn Minh - Trường Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI