Cha mẹ bị tật khúc xạ cần lưu ý gì cho con?

11/07/2023 - 06:04

PNO - Phụ huynh nên cho trẻ đi khám tầm soát mắt mỗi 6 tháng/lần. Cha mẹ cần để ý nhằm nhận biết các dấu hiệu tật khúc xạ ở trẻ.

Nhiều người cứ nghĩ trẻ bị mắt kém do thói quen sinh hoạt gây ra mà quên mất yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân của tật khúc xạ.

Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy - giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM - nhằm giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa cha mẹ bị tật khúc xạ với con cái, từ đó đưa trẻ đi khám tầm soát mắt kịp thời. 

Bác sĩ Trần Đình Minh Huy đang khám tầm soát tật khúc xạ cho trẻ - ảnh: N.L.
Bác sĩ Trần Đình Minh Huy đang khám tầm soát tật khúc xạ cho trẻ - Ảnh: N.L.

Nguy cơ gấp 6-8 lần nếu cha mẹ đều bị cận thị

Phóng viên: Thưa bác sĩ, cha mẹ có tật khúc xạ thì con có nguy cơ mắc các tật khúc xạ cao hơn bình thường không? Nguyên nhân nào gây ra điều này?

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy: Tật khúc xạ là hậu quả từ sự mất cân bằng công suất khúc xạ của mắt và chiều dài trục nhãn cầu. Bởi thế, hình ảnh sẽ không được rơi đúng trên võng mạc. Nếu hình ảnh rơi ra phía trước võng mạc được gọi là cận thị còn rơi ra phía sau võng mạc được gọi là viễn thị. Trong đó, cận thị chiếm đa số (đến 90% trường hợp của tật khúc xạ).

Đến nay, các nghiên cứu toàn cầu đều đồng thuận sự hình thành của tật khúc xạ chịu tác động từ cả hai yếu tố là di truyền và môi trường. Đối với yếu tố di truyền, đã có bằng chứng từ nhiều nghiên cứu quy mô xác định chính xác các đoạn mã di truyền của người có vai trò quan trọng trong việc hình thành và tiến triển của độ cận thị.

Ngoài ra, các nghiên cứu đó cũng chứng minh trẻ sinh ra trong gia đình có cha hoặc mẹ bị cận thị sẽ tăng nguy cơ mắc cận thị gấp 2-4 lần thông thường. Ngoài ra, nguy cơ này tăng lên 6-8 lần nếu trẻ sinh ra trong gia đình cả cha và mẹ đều bị cận thị. 

Nguyên nhân cũng được các nhà khoa học phân tích bao gồm cả những tác động từ yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, trẻ sinh ra trong gia đình cận thị thường có thói quen sinh hoạt nhìn gần nhiều, ít hoạt động ngoài trời - ảnh hưởng thói quen sinh hoạt của cha mẹ. 

Ngày nay, đối với cận thị, việc đeo kính đúng độ và áp dụng kèm các phương pháp điều trị kiểm soát cận thị bằng thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp đang là một xu hướng điều trị phổ biến trên toàn thế giới - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Ngày nay, đối với cận thị, việc đeo kính đúng độ và áp dụng kèm các phương pháp điều trị kiểm soát cận thị bằng thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp đang là một xu hướng điều trị phổ biến trên toàn thế giới - Ảnh minh họa: Internet

Những trẻ có cha mẹ bị tật khúc xạ nên được khám tầm soát mắt sớm nhất từ độ tuổi nào?

- Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và các trang thiết bị hiện đại, việc tầm soát tật khúc xạ (cận thị và viễn thị) có thể được thực hiện từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Ngoài ra, ở trẻ có tình trạng khúc xạ thuộc nhóm có nguy cơ gây nhược thị, phụ huynh cũng nên đưa con đi khám tầm soát mắt sớm. Việc phát hiện sớm tật khúc xạ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển thị giác của trẻ. Quá trình phát triển thị giác chủ yếu diễn ra trong 6-8 năm đầu đời.

Hiện nay, đối với việc phát hiện và kiểm soát cận thị, đã có các bằng chứng nghiên cứu trên lâm sàng cho rằng có thể thực hiện khi trẻ từ 4 tuổi. Mặt khác, các hiệp hội lớn về điều trị kiểm soát cận thị cũng thống nhất đưa ra khuyến cáo về lứa tuổi điều trị kiểm soát cận thị. Theo đó, thời điểm đạt hiệu quả can thiệp cao nhất là khi trẻ từ 6-13 tuổi.

Nếu phát hiện nhược thị trễ, trẻ có nguy cơ mù lòa

* Những hậu quả nào sẽ xảy ra nếu cha mẹ bị tật khúc xạ mà không đưa con đi khám tầm soát để phát hiện bệnh lý về mắt kịp thời, thưa bác sĩ? 

- Thông thường, khi sinh ra, trẻ thường tồn tại một độ viễn thị. Tình trạng viễn thị này giảm dần theo tuổi và ổn định lúc trẻ từ 6-8 tuổi. Lúc này, trẻ có thị giác tương đương người trưởng thành, cùng tình trạng nhãn cầu ở mức chính thị. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ trẻ phát triển bất thường.

Chẳng hạn tình trạng khúc xạ của 2 mắt ở trẻ lệch nhân. Đây chính là lúc các vấn đề nặng nề hơn có thể xảy ra. Một trong các tình trạng nguy hiểm nhất phải kể tới là nhược thị - 1 trong 2 mắt có sức nhìn yếu hơn sẽ không phát triển thị giác tiếp (do não bộ chỉ tiếp nhận và xử lý hình ảnh từ mắt tốt).

Ngoài ra, có 1 khái niệm thường được dùng để chỉ tình trạng này: mắt lười (lazy eye). Nhược thị hay gặp ở những trường hợp bất đồng khúc xạ, đặc biệt là bất đồng khúc xạ với 1 mắt là viễn thị.

May mắn vì những trường hợp nhược thị này vẫn có thể điều trị với tiên lượng khả quan nếu được phát hiện sớm (khi trẻ dưới 6-8 tuổi). 1 mắt nhược thị sẽ khiến mắt còn lại trở thành duy nhất, làm mất hoàn toàn khả năng nhìn thấy nếu chẳng may mắt này gặp bệnh lý hoặc bị chấn thương. Nhược thị không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn cản trở sinh hoạt, học tập. Nếu phát hiện nhược thị trễ sẽ dẫn đến tình trạng hỏng mắt, mù lòa.

Trẻ hay nheo mắt, mỏi mắt là một trong những dấu hiệu của tật khúc xạ ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Trẻ hay nheo mắt, mỏi mắt là một trong những dấu hiệu của tật khúc xạ - Ảnh minh họa: Internet

* Nếu được phát hiện sớm tật khúc xạ, trẻ sẽ được can thiệp bằng các phương pháp nào?

- Một trong những biện pháp điều trị đơn giản nhất là mang kính gọng giúp trẻ có thị lực tốt để đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt thường nhật và học tập. Nhờ vậy, trẻ có được sự phát triển thị giác tốt, tránh các nguy cơ phát triển nhược thị hoặc hình thành các bất thường vận nhãn như lé. Ngoài ra, điều này còn hỗ trợ để trẻ có sự phát triển thị giác 2 mắt, phối hợp hoạt động giữa 2 mắt tốt.

Ngày nay, đối với cận thị, việc đeo kính đúng độ và áp dụng kèm các phương pháp điều trị kiểm soát cận thị bằng thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp đang là xu hướng điều trị phổ biến trên toàn thế giới. Phương pháp này được áp dụng mạnh ở những quốc gia tại khu vực Đông Á, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), nơi tỉ lệ cận thị được dự đoán có thể đạt mức chiếm đến 2/3 dân số vào những năm 2050.

* Xin bác sĩ nêu vài trường hợp điển hình từng gặp để cảnh báo cho cộng đồng…

- Tôi đang điều trị cho một bé gái 7 tuổi, tên N.P.D. (ngụ tại TPHCM). Cách đây 2 năm, bé được cha mẹ đưa đi khám trong tình trạng mỗi mắt cận gần 10 độ. Gia đình không hề phát hiện các dấu hiệu bất thường trước đó. Mãi tới khi cha mẹ thấy con đi cứ bị vấp té và lúc muốn nhìn gì bé cũng phải đưa thật sát mắt thì mới nhận ra con mình mắt kém.

Sau khi thăm khám, tôi xác định đây là một trường hợp cận thị bẩm sinh và được phát hiện khá trễ. Lúc này, độ cận của bé D. rất cao mà chiều dài trục nhãn cầu cũng rất dài (>28mm khi bé mới lên 5 tuổi). Việc điều trị cho D. khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì. Tới thời điểm này, nhờ đeo kính đúng độ và điều trị tích cực, sự phát triển thị giác của bé đang đi đúng hướng. Được biết cả cha và mẹ của D. đều bị cận thị.

Trường hợp điển hình tiếp theo mà tôi ghi nhận là bé trai 6 tuổi, tên P.M.Q. (ngụ tại TPHCM). Mẹ bé được đồng nghiệp giới thiệu, đưa bé tới gặp tôi. Chị cho biết mình vô tình phát hiện 1 bên mắt của con cận 5.5 độ trong khi mắt còn lại bình thường.

Trường hợp này rất hay bị bỏ qua do các bé thường có thói quen mở cả hai mắt khi sinh hoạt nên rất khó nhận biết được mắt còn lại yếu hơn. Bé được xác định bị nhược thị. Tôi đã hướng dẫn bệnh nhi mang kính đúng độ. Ngoài ra, Q. còn được phối hợp điều trị giữa kính gọng với kính áp tròng để đảm bảo sự phát triển thị giác của mắt lệch khúc xạ.

Qua đó, phụ huynh nên cho trẻ đi khám tầm soát mắt mỗi 6 tháng/lần. Cha mẹ cần để ý nhằm nhận biết các dấu hiệu tật khúc xạ ở trẻ (trẻ hay nheo mắt, nháy mắt khi nhìn, lé mắt, khi nhìn thường phải nghiêng đầu…).

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI