Cắt “cơn” bệnh nhân tâm thần

12/04/2021 - 15:13

PNO - Vụ nữ công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội đang đẩy xe chở rác trên đường, bất ngờ bị một nam thanh niên tâm thần dùng gạch đập vào đầu đến chết đã khiến dư luận hoang mang. Vậy cách nào để ngừa bệnh nhân tâm thần “trở tính” đột ngột?

 

Bệnh nhân tâm thần phân liệt được học nghề may khi điều trị nội trú tại Cơ sở Lê Minh Xuân Bệnh viện Tâm thần TP.HCM
Bệnh nhân tâm thần phân liệt được học nghề may khi điều trị nội trú tại Cơ sở Lê Minh Xuân Bệnh viện Tâm thần TP.HCM


Người nhà không tự ý cắt bớt liều thuốc 

Trưa 6/4, chúng tôi ghé thăm ông S., 50 tuổi, ngụ ở P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức - một bệnh nhân tâm thần phân liệt (dạng tâm thần nặng). Nhiều người hàng xóm đã quen cảnh ông S. lẩm bẩm một mình nên không còn sợ hãi. Có chăng chỉ còn lại chút bất ngờ khi vừa nghe ông trả lời mình xong đã chuyển sang trò chuyện tiếp với “người vô hình” trong cơn hoang tưởng.

Bà N.T.S., vợ bệnh nhân, khẳng định chồng mình không có gì bất thường: “Ổng bị bệnh hơn mười năm nay, lúc đầu điều trị ở trạm y tế nhưng không hiệu quả nên hằng tháng tôi chở lên Bệnh viện Tâm thần TP.HCM lấy thuốc. Ổng chỉ bị căng thẳng quá nên lâu lâu nói nhảm một mình, chứ không quậy phá. Do đó, tôi chỉ cho uống thuốc một lần vào buổi tối thay vì uống cả sáng và tối theo toa. Bởi nếu uống thuốc buổi sáng, ổng buồn ngủ, không thể chở hàng đi giao cho khách”. 

Bác sĩ CK2 Trần Minh Khuyên, nguyên Trưởng phòng khám Tâm thần, Trung tâm Y tế Q.3, TP.HCM, nhận định: “Về nguyên tắc, thuốc bao giờ cũng chỉ được giao cho người nhà, không giao cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ lưu ý người nhà khi cho bệnh nhân uống thuốc phải quan sát họ có thực sự uống hay chưa. Bởi, có khi người bệnh chỉ ngậm thuốc dưới lưỡi chứ không chịu nuốt.

Hoặc do tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, buồn ngủ… làm bệnh nhân khó chịu nên bỏ thuốc. Trường hợp, người nhà tự ý cắt bớt liều lượng, có thể khiến bệnh tái phát bất thình lình. Đó là lý do có những bệnh nhân lên cơn đột ngột rồi giết người. Mặt khác, nếu gia đình có người mắc bệnh tâm thần thì không nên che giấu hay sợ kỳ thị, mà cần kết nối với mạng lưới quản lý của thành phố để người bệnh được chữa khỏi bệnh, hoặc ổn định lâu dài”.

Bác sĩ CK2 Vũ Kim Hoàn, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chia sẻ hiện thành phố có 10.555 bệnh nhân tâm thần được giám sát thông qua chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Người bệnh được khám và cấp thuốc miễn phí. 

Khi nào bệnh nhân tâm thần dễ lên cơn?

Nhiều người nghĩ rằng, người bệnh uống thuốc đầy đủ là không tái phát. Nhưng thực tế, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thông tin: khoảng 1/3 bệnh nhân tâm thần phân liệt vẫn có thể lên cơn, dù đã được điều trị thuốc men đầy đủ; trong đó có lý do kháng thuốc. Những đối tượng có nguy cơ rơi vào nhóm kháng thuốc thường là nam giới, khởi phát bệnh sớm, tiền sử gia đình có người bị tâm thần phân liệt…

Chưa kể, một số người bị tái phát do stress vì người xung quanh giễu cợt; người thân hắt hủi, ngược đãi, bỏ rơi, hành hạ; đồng nghiệp phân biệt đối xử trong phân công công việc, mất mát về tình cảm, danh dự, cái chết của người thân… Và khi thời tiết trở nên nóng bức, ngột ngạt hoặc người bệnh bị sang chấn tâm lý, nhớ lại những ám ảnh trong quá khứ… thì càng dễ bị kích động. Như trường hợp của chồng bà S., ông rơi vào tâm thần do gặp cú sốc lớn vì nợ nần tiền bạc, bị giang hồ truy sát, bị đánh, phải tán gia bại sản… nên thi thoảng lên cơn nói nhảm. Do đó, bên cạnh việc điều trị thuốc thì việc tư vấn tâm lý thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân ổn định sắc khí.

Khi thấy người bệnh xuất hiện những dấu hiệu tâm thần, rơi vào cơn kích động thì cần báo ngay chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân viên ở trạm y tế để hỗ trợ khống chế cơn kích động của người bệnh. Có hai loại kích động: kích động ngôn ngữ với biểu hiện vô cớ chửi bới, la hét; kích động hành vi như vô cớ đập phá, đánh người, tự hại bản thân... Có thể lúc này, người bệnh rơi vào tình trạng hoang tưởng, dẫn đến hành vi có thể làm chết người. Đồng thời, người nhà phải đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để xem có kháng thuốc không, có phải thay đổi phác đồ mới?

Bác sĩ Trần Minh Khuyên cho rằng, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh từ trung tâm y tế quận, huyện nên xuống khám cho các bệnh nhân tâm thần tại trạm y tế mỗi tháng. Như vậy sẽ phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân tâm thần đáp ứng điều trị kém hay kháng trị, đề phòng nguy cơ bệnh nhân lên cơn đột ngột. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI