Cảnh báo dịch đau mắt đỏ vào mùa

04/04/2018 - 17:00

PNO - Số ca mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng, đỉnh điểm của dịch thường rơi vào tháng 4-5 khi thời tiết giao mùa.

Coi chừng bội nhiễm 

Tại Phòng khám mắt - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận số bệnh nhân đau mắt đỏ bắt đầu gia tăng. Khoảng một tuần nay, riêng thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thiện Chung đã tiếp nhận khoảng 15 trường hợp. Bác sĩ Chung nhận định, thời điểm giao mùa như hiện tại chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ bùng phát. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Đan Thanh - Phòng khám mắt Hải Yến TP.HCM - cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều trường hợp khám và được chẩn đoán đau mắt đỏ. Riêng bác sĩ Thanh tuần vừa qua cũng ghi nhận khoảng 40 ca.

Canh bao dich dau mat do vao mua
 

Đa số bệnh nhân là người đang trong độ tuổi lao động, thậm chí có cả trẻ em do bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình. Điều đáng nói, 60% bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ trong tình trạng bị bội nhiễm do tự điều trị và chăm sóc mắt không đúng cách. Dự báo, số ca đau mắt đỏ sẽ còn tăng cao trong tháng tới.

Tình trạng người dân tự chẩn đoán dẫn tới nhầm lẫn bệnh với các bệnh nguy hiểm về mắt gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là nam bệnh nhân P.Đ.V., 28 tuổi, quê ở tỉnh Long An, tới khám trong tình trạng bị biến chứng thành viêm giác mạc. Ban đầu, anh V. bị viêm đỏ phần tròng trắng của mắt. Tuy nhiên, thay vì đi khám, nam bệnh nhân này lại tự chữa theo lối dân gian, lấy nha đam đắp lên mắt. Sau khi đắp nha đam một ngày, mắt bệnh nhân tiết dịch nhiều hơn, bội nhiễm, viêm luôn cả vào phần giác mạc (tròng đen). Bác sĩ cho biết, may mắn bệnh nhân đến bệnh viện chưa quá muộn.

Canh bao dich dau mat do vao mua
Đau mắt đỏ nếu bội nhiễm có thể gây giảm thị lực và mù lòa

Không nên đắp thuốc, lá lên mắt

Bác sĩ Chung lưu ý: đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân của bệnh thường do vi khuẩn hoặc vi-rút. Triệu chứng mắc bệnh là mắt cộm rát, chảy nước, đổ ghèn, sợ ánh sáng, phần tròng trắng viêm đỏ. Bệnh lây nhiễm qua dịch tiết từ mắt, qua đụng chạm tiếp xúc các vật dụng bằng tay.

Nếu nguyên nhân khởi phát bệnh do vi-rút thì còn có thể lây qua đường hô hấp. Cách tốt nhất để phòng tránh đau mắt đỏ là rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, không dùng chung khăn. Với đau mắt đỏ do vi-rút, sau một tuần bệnh sẽ tự khỏi, chỉ cần nhỏ thuốc để ngừa bội nhiễm. Đau mắt đỏ do nguyên nhân vi khuẩn, bệnh nhân cần dùng thuốc nhỏ đặc trị, thường hồi phục sau 2-3 ngày. 

Theo bác sĩ Chung, người bị đau mắt đỏ không nên tự ý điều trị hay đắp những thứ thuốc, lá lên mắt để tránh bội nhiễm. Viêm kết mạc bội nhiễm có thể biến chứng thành viêm loét giác mạc, thậm chí giảm thị lực và mù lòa. Ngoài ra, có rất nhiều bệnh lý ở mắt có dấu hiệu nhức, cộm xốn mà không phải là đau mắt đỏ. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi người dân tự mua thuốc về nhỏ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng ghi nhận bệnh nhân tên P.T.M. (48 tuổi) bị cộm mắt. Nghĩ mình đau mắt đỏ, bệnh nhân ra tiệm mua thuốc về nhỏ. Trong số loại thuốc nhỏ mắt bà M. mua có thành phần kháng viêm. Nhỏ cả tuần tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà mắt nhìn còn mờ đi. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân không phải đau mắt đỏ mà bị cườm nước. Bệnh loét giác mạc hoặc cườm nước chống chỉ định với thuốc có thành phần kháng viêm. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI