Canada: Giáo viên mỹ thuật trục lợi từ tác phẩm hội họa của học sinh

13/02/2024 - 13:40

PNO - Một giáo viên mỹ thuật ở Canada đang hứng chịu búa rìu dư luận khi cả gan rao bán các bài tập hội họa của học sinh để thu lợi cá nhân.

 

Các bức họa của học sinh bị giáo viên mỹ thuật rao bán trên mạng xã hội - Ảnh:
Các bức họa của học sinh bị giáo viên mỹ thuật rao bán trên mạng xã hội - Ảnh: CTV News

Người giáo viên này đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ phụ huynh “vì sử dụng trang web cá nhân để bán gần 100 tác phẩm nghệ thuật của học sinh” - tờ The Guardian đưa tin hôm 13/2.

Trước đó, nhiều học sinh tại trường trung học cơ sở Westwood (Montréal, Canada) bất ngờ khi nhìn thấy những bức vẽ của mình xuất hiện trên trang web của giáo viên mỹ thuật và được in trên ly cà phê, ốp điện thoại di động và quần áo để bán cho khách hàng “với các mức giá khác nhau cho mỗi tác phẩm mà tác giả là các em học sinh không hề được báo trước”.

“Đây là điều không thể chấp nhận được. Tôi và các phụ huynh khác đang chờ lời giải thích thỏa đáng từ nhân vật có liên quan” - cô Joel DeBellefeuille, một phụ huynh bày tỏ.

Theo CTV News, “nhân vật có liên quan” được xác định là Mario Perron - giáo viên dạy môn Mỹ thuật tại Trường trung học cơ sở Westwood.

Hơn 90 tác phẩm là những sản phẩm hội họa của học sinh được hiển thị trên trang web cá nhân của ông Mario Perron với giá bán được niêm yết cụ thể cho từng sản phẩm khác nhau. 

Gần 100 tác phẩm hội họa của học sinh bị giáo viên mỹ thuật rao bán công khai trên trang web cá nhân - Clip: CTV News
Gần 100 tác phẩm hội họa của học sinh bị giáo viên mỹ thuật rao bán công khai trên trang web cá nhân của mình - Clip: CTV News

Một phụ huynh của cô con gái 12 tuổi có bức họa chân dung được rao bán với các mức giá khác nhau, bao gồm bản in trị giá 118 USD, in trên áo thun có giá 55 USD hoặc in trên ốp điện thoại iPhone với giá 35 USD, nói với CTV News rằng: ông nhận thấy “nhiều điều lo ngại nghiêm trọng về khía cạnh đạo đức cho hành vi của giáo viên mỹ thuật này”.

“Tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng, người giáo viên này đã yêu cầu học sinh của mình thực hiện các bài tập hội họa trong chương trình học để phục vụ nhu cầu thị trường mà anh ta muốn đáp ứng”.

Philippe Brouillette, một luật sư về quyền sở hữu trí tuệ cho biết, trẻ em hay bất kỳ ai khác đều có quyền nhân thân để gắn tên tuổi của mình trên các sản phẩm trí tuệ hay nghệ thuật do mình tạo ra.

"Không ai có quyền sao chép tác phẩm của bạn trừ khi bạn cho họ quyền làm như vậy. Có nghĩa là, bạn sẽ cấp cho cá nhân hay tổ chức giấy phép để họ sử dụng tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm của bạn. Nếu không, bạn vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả các sản phẩm trí tuệ do bạn tạo ra”, ông Philippe Brouillette giải thích.

Vị luật sư nói thêm rằng, trong trường hợp cụ thể này, giáo viên mỹ thuật Mario Perron đang vi phạm luật bản quyền khi sử dụng các tác phẩm của học sinh vì mục đích thương mại mà không được cấp phép.

Những chiếc cốc in hình ảnh tác phẩm hội họa của học sinh với giá bán được niêm yết công khai trên các trang thương mại trực tuyến - Ảnh: CTV News
Những chiếc ly in hình ảnh tác phẩm hội họa của học sinh với giá bán được niêm yết công khai trên các trang thương mại trực tuyến - Ảnh: CTV News

Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan truyền thông Canada vẫn chưa nhận được phản hồi từ ông Mario Perron ngoài một email của phát ngôn viên Trường trung học cơ sở Westwood gửi tờ báo địa phương Daily Beast, cho biết: “Những người có trách nhiệm của Hội đồng trường đã nắm bắt được thông tin và đang xem xét sự việc một cách rất nghiêm túc”.

Nguyên Thuận (theo The Guardian, Daily Beast, CTV News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI